Phải tạo dựng ý thức xanh cho nhiều thế hệ
Khái niệm xanh đang được nhắc tới nhiều trong thời gian gần đây, nhưng để có được những công trình xanh mang giá trị thực thụ, cần phải bắt nguồn từ tư duy, khát vọng và quyết tâm của nhiều thành viên thị trường.
Công trình xanh hay kiến trúc xanh, kiến trúc bền vững… là một loại hình công trình xây dựng thân thiện với môi trường. Khái niệm này đã xuất hiện trên thế giới gần 30 năm, song ở Việt Nam, công trình xanh chỉ mới được quan tâm nhiều trong những năm gần đây.
Theo thống kê của Dodge, số lượng công trình xanh trên thế giới tăng gấp đôi cứ mỗi 3 năm 1 lần và dự kiến đến năm 2018, sẽ có hơn 60% công trình xây dựng đạt chuẩn “xanh”.
Còn theo Hội đồng Công trình xanh Việt Nam (VGBC), trong khi trên thế giới có đến hơn 36.000 dự án thương mại và trên 38.000 công trình nhà ở đạt chuẩn xanh, thì ở Việt Nam, có chưa đến 100 công trình xanh đang phát triển ở các giai đoạn khác nhau. Con số này quá thấp so với hơn 2.100 dự án tại Singapore và hơn 750 công trình xanh tại Australia.
Nguyên nhân là việc phát triển công trình xanh tại Việt Nam vẫn còn một số rào cản nhất định do nhận thức về lợi ích của công trình xanh chưa thật sự đúng và đủ. Việc phát triển công trình xanh tại Việt Nam hoàn toàn tự nguyện, không bắt buộc, thiếu chính sách khuyến khích. Do đó, động lực tham gia phát triển công trình xanh tại Việt Nam đa phần dựa vào nhận thức trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nước ngoài như BigC, Intel,
Coca-Cola, Dell… Trong khi đó, đa số các chủ đầu tư và nhà phát triển dự án trong nước vẫn còn e dè với chi phí đầu tư ban đầu ảnh hưởng tới lợi nhuận.
Bên cạnh đó, tâm lý của người mua nhà Việt Nam vẫn còn đặt nặng yếu tố giá khi lựa chọn sản phẩm an cư hay đầu tư, mà ít quan tâm tới yếu tố lợi ích lâu dài, tính bền vững của công trình, tăng chỉ số sức khỏe, chỉ số hạnh phúc.
Ngoài ra, việc xây dựng theo tiêu chuẩn xanh tại Việt Nam trong lĩnh vực căn hộ, nhà ở dân dụng còn là một hướng đi mới mẻ đối với các đơn vị xây dựng, quản lý. Đồng thời, tìm giải pháp xây dựng các kiến trúc xanh hiện đại mà vẫn hài hòa cùng bản sắc quốc gia, phù hợp khí hậu nhiệt đới gió mùa đặc thù của nước ta cũng là bài toán khó cho việc phát triển công trình xanh tại Việt Nam.
Để có được những công trình xanh mang giá trị thực thụ, cần phải bắt nguồn từ tư duy, khát vọng và quyết tâm của nhiều thành viên thị trường. Phát triển công trình xanh cũng không nên giới hạn tư duy ở một đơn nguyên nhà ở hay một công trình cao tầng đơn độc, mà phải phát triển đồng bộ. Lúc bấy giờ, giá trị xanh sẽ gia tăng theo cấp số nhân và hiệu ứng lan tỏa về ý thức “sống xanh” đến số đông và thị trường cũng thật mạnh mẽ.
Ngày nay, người tiêu dùng đã sẵn sàng chi tiền nhiều hơn cho những sản phẩm xanh và sạch. Xu hướng thị trường và phát triển thương hiệu cũng đã đưa các chủ đầu tư tiếp cận nhiều hơn đến phát triển công trình xanh. Đây là tín hiệu đáng mừng cho xu hướng phát triển công trình xanh tại Việt Nam.
Tuy nhiên, để hiện thực hóa giấc mơ về một đất nước được xanh hóa bởi hầu hết công trình xanh, chúng ta cần phải xây dựng một lộ trình cụ thể, phải tạo dựng “ý thức xanh” cho nhiều thế hệ công dân, trang bị “tư duy xanh” cho mọi tầng lớp và quan trọng hơn cả chính là chúng ta phải cùng “hành động”.
Cụ thể, cần ban hành cơ chế khuyến khích đầu tư công trình xanh, xây dựng chính sách ưu đãi về nhiều mặt cho các nhà đầu tư tham gia phát triển công trình xanh như ưu đãi về thuế, các thủ tục hành chính, hệ số quy hoạch, ưu đãi về đơn giá thiết kế và xây dựng công trình xanh.
Ngoài ra, cần sự hợp lực liên ngành như xây dựng, giáo dục, truyền thông phát động nhiều phong trào sống xanh, tổ chức hội thảo để cùng chia sẻ kinh nghiệm, ứng dụng thực tiễn trong phát triển công trình xanh.
Về các chủ đầu tư, cần mạnh dạn tham gia phát triển công trình xanh, bởi đây cũng là một trong những cách nâng cao uy tín và thương hiệu trong bối cảnh nhu cầu của khách hàng ngày một cao hơn và thiết thực hơn.
Bên cạnh đó, cần sự thấu hiểu, đồng hành của các đơn vị truyền thông và cơ quan truyền thông đại chúng, nhằm nâng cao nhận thức của người dân về công trình xanh, bảo vệ môi trường và chú trọng phát triển cho thế hệ tương lai.
Bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM
Nguồn: bds.tinnhanhchungkhoan.vn