Việt Nam – Đan Mạch thúc đẩy phát triển dự án điện gió ngoài khơi La Gàn tại Bình Thuận

Nhằm thúc đẩy phát triển dự án điện gió ngoài khơi La Gàn tại Bình Thuận, sáng ngày 16/9, tại Hà Nội, Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam Tạ Đình Thi đã có buổi tiếp và làm việc với bà Louise Holmsgard, Phó Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam. Cùng tham dự buổi làm việc có đại diện các đơn vị trực thuộc Tổng cục: Vụ Khoa học, Công nghệ và Hợp tác quốc tế, Vụ Chính sách và Pháp chế, Cục Quản lý điều tra cơ bản biển và hải đảo, Văn phòng Tổng cục, Viện Nghiên cứu biển và hải đảo, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên-môi trường biển khu vực phía Bắc, Trung tâm Trắc địa và Bản đồ biển, Trung tâm Thông tin, dữ liệu biển và hải đảo quốc gia; về phía Đan Mạch có đại diện Copenhagen Infrastructure Partners (CIP) tại Việt Nam, nhà đầu tư và phát triển hàng đầu Đan Mạch về điện gió ngoài khơi.

Tại buổi làm việc, bà Phó Đại sứ Đan Mạch Louise Holmsgard cho biết, Đan Mạch có rất nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực năng lượng gió ngoài khơi, với trang trại gió đầu tiên trên thế giới được đưa vào hoạt động năm 1991. Năng lượng gió ngoài khơi là một trong những lĩnh vực trọng tâm cuả Đan Mạch trong quan hệ hợp tác với Chính phủ Việt Nam, bên cạnh đó còn gắn liền với quan hệ thương mại. CIP nhà đầu tư và phát triển hàng đầu Đan Mạch về điện gió ngoài khơi, hiện đang phát triển dự án điện gió ngoài khơi La Gàn (3,5 GW) tại tỉnh Bình Thuận cùng các đối tác địa phương.

Cùng trao đổi với Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam Tạ Đình Thi, bà Phó Đại sứ cho biết, Liên doanh các nhà đầu tư đã nộp hồ sơ xin cấp phép khảo sát tới chính phủ Việt Nam vào ngày 01/06/2020, Chính phủ cũng đã chuyển Bộ Công thương và Bộ Tài nguyên và Môi trường giải quyết. Liên quan đến vấn đề này, tại buổi làm việc, bà Phó Đại sứ đề xuất và bày tỏ mong muốn nhận được các ý kiến thiết thực từ phía Tổng cục trưởng Tạ Đình Thi và các đơn vị liên quan về tình trạng cũng như các thủ tục để dự án được cấp giấy phép khảo sát. Theo bà Phó Đại sứ, việc có được giấy phép khảo sát dự án là yêu cầu quan trọng để bắt đầu phát triển dự án.

Thay mặt Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Tổng cục trưởng Tạ Đình Thi cảm ơn bà Louis Holmsgard cùng với đại diện CIP tại Việt Nam đã dành thời gian tới Tổng cục. Liên quan đến vấn đề cấp phép dự án khảo sát điện gió ngoài khơi, Tổng cục trưởng Tạ Đình Thi cho biết, theo chủ trương về phát triển bền vững kinh tế biển, phát triển năng lượng tái tạo mà trong đó năng lượng gió ngoài khơi là một trong những ưu tiên cao của chính phủ Việt Nam, vừa qua Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về “Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” cũng thể hiện rất rõ quan điểm, chủ trương của chính phủ về vấn đề này. Cùng với đó,  Ban Kinh tế Trung ương cùng với Chính phủ cũng đã tổ chức diễn đàn cấp cao về năng lượng Việt Nam, trong đó Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cùng tham gia đồng chủ trì, đây là một trong những nguồn năng lượng mà Việt Nam có tiềm năng lớn, và theo dự kiến vào cuối tháng 9/2020 Tổng cục sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan để tổ chức hội thảo về lộ trình phát triển điện gió ngoài khơi.

Về dự án La Gàn, Chính phủ Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đều rất ủng hộ. Đây là một trong những dự án lớn nhất Châu Á. CIP Đan Mạch cũng như các đối tác tại Việt Nam đã có sự bàn bạc về mặt công nghệ và hiệu suất là rất tiên tiến. Ở một vùng biển có tiềm năng về gió là rất lớn, tuy nhiên về khuôn khổ pháp lý vẫn chưa đầy đủ, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đang kiến nghị với Thủ tướng về một quy định cấp phép, kiểm soát tạm thời phục vụ nghiên cứu khoa học, cùng với đó Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam sau này sẽ cấp phép diện tích sử dụng biển, Thủ tướng sẽ sớm ủy quyền cho Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc cấp phép này.

Bên cạnh đó, về việc khảo sát thực tế, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên – môi trường biển khu vực phía Bắc cùng đối tác Đan Mạch và một số đơn vị đã trúng thầu sẽ thực hiện triển khai, về phía Tổng cục cũng sẽ chỉ đạo các đơn vị triển khai sớm nhất. Tuy nhiên, kết quả khảo sát phía Tổng cục mong muốn phía Đan Mạch và các nhà đầu tư có thể chia sẻ cùng Tổng cục, đây cũng là cơ hội để các bên có thể triển khai các dự án trong tương lai. Về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường, cần có những thủ tục cần thiết như: lập báo cáo ĐTM (EIA) do Tổng cục Môi trường thực hiện, về giao khu vực biển và các cơ sở pháp lý khác, phía Tổng cục đang phối hợp cùng Cục điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công thương để tổ chức một Hội thảo để trao đổi về kinh nghiệm quốc tế, Tổng cục trưởng Tạ Đình Thi hi vọng Đan Mạch và WB sẽ hỗ trợ Tổng cục xây dựng các chính sách này. Ngoài ra, vấn đề tích hợp quy hoạch điện gió vào quy hoạch không gian biển quốc gia cũng là một vấn đề lớn, Tổng cục trưởng bày tỏ mong muốn Đan Mạch và WB hỗ trợ.

Đối với văn bản của Văn phòng Chính phủ đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường có ý kiến, phía Tổng cục sẽ sớm có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ để Thủ tướng cho ý kiến về khảo sát Dự án. Tổng cục trưởng Tạ Đình Thi cũng lưu ý, trong quá trình khảo sát phải chú ý tuân thủ theo Pháp luật Việt Nam. Đối với các vấn đề hợp tác xung quanh dự án này, Tổng cục sẽ báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường tạo điều kiện để sớm triển khai trong thời tới.

Kết thúc buổi làm việc, bà Phó Đại sứ Louise Holmsgard trân trọng cảm ơn sự hỗ trợ của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, đồng thời đánh giá cao sự phát triển năng lượng  tái tạo của Việt Nam, Việt Nam có lợi thế nhờ đường biển dài với tiềm năng rất lớn về năng lượng gió ngoài khơi, đây cũng là một trong những lĩnh vực trọng tâm của Đan Mạch trong quan hệ hợp tác với Chính phủ Việt Nam, bà Phó Đại sứ bày tỏ hi vọng quan hệ hợp tác Việt Nam – Đan Mạch sẽ ngày càng phát triển./.

Nguồn vasi.gov.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Quảng cáo