Làn sóng nhà đầu tư Nhật Bản sẽ đổ bộ Đà Nẵng

Những tháng cuối năm 2017 và đầu năm 2018, nhiều đoàn doanh nghiệp (DN) Nhật Bản đến làm việc với lãnh đạo thành phố, sở, ngành tìm hiểu thông tin đầu tư tại Đà Nẵng, như Tập đoàn Mikazuki, Tập đoàn TODA, Công ty Mode Planning Japan, Ngân hàng Sumitomo Mitsui, Nhật Bản, Tập đoàn Mitsui & Co, Công ty TNHH Fujikura Automotive, Tập đoàn Mitsubishi…
Ông Yoshimune Odaka, Chủ tịch Tập đoàn Mikazuki cam kết đầu tư khu du lịch Xuân Thiều với Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ tại buổi tiếp ngày 29-1.

Làn sóng nhà đầu tư Nhật Bản đến Đà Nẵng tăng mạnh trong thời gian gần đây, đặc biệt là kể từ sau Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, nhiều nhà đầu tư Nhật Bản đến Đà Nẵng nghiên cứu tìm hiểu môi trường đầu tư cũng như chính thức triển khai dự án. Ngay trong tháng 11-2017, dự án của Công ty Yamato Sewing Machine MFG Co.,Ltd (Nhật Bản) vừa được trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vào Khu công nghệ cao (KCNC) Đà Nẵng. Đây là dự án Sản xuất thiết bị tự động hóa trong ngành may mặc, sản xuất các máy may công nghiệp điều khiển tự động và các linh kiện kèm theo. Dự kiến triển khai xây dựng trong tháng 11-2017 và đi vào hoạt động tháng 7-2018.

Cũng trong tháng 11-2017, Tập đoàn JGC, Tập đoàn Saiseikai và Tập đoàn Y tế Kishokai của Nhật Bản đã có buổi làm việc với UBND TP Đà Nẵng về việc đầu tư dự án bệnh viện chất lượng cao Nhật Bản tại Đà Nẵng. Theo đại diện lãnh đạo Tập đoàn JGC, để đưa ra quyết định đầu tư bệnh viện tại Đà Nẵng, JGC đã thực hiện 6 chuyến khảo sát đến Đà Nẵng để tìm hiểu việc đầu tư dự án bệnh viện quốc tế. Bệnh viện sẽ được đầu tư 2 giai đoạn với quy mô 200 giường bệnh, cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh gồm các chuyên khoa: khoa Nội, khoa Tiêu hóa, khoa Nhi, khoa Phụ sản, khoa Tim mạch, khoa Thần kinh, Kiểm tra sức khỏe tổng quát theo tiêu chuẩn Nhật Bản.

Tháng 7-2017, hình ảnh vị Chủ tịch tập đoàn Mikazuki Nhật Bản (với hàng loạt khách sạn đẳng cấp 5 sao tại Nhật Bản) ngồi xe lăn qua làm việc với Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ cùng lãnh đạo một số sở, ngành về thủ tục đầu tư dự án Khu du lịch, dịch vụ Xuân Thiều đã thể hiện quyết tâm đầu tư dự án này. Đặc biệt hơn, sau khi về nước, ông đã qua đời vào tháng 10-2017, nhưng trước khi qua đời ông đã viết di chúc để lại toàn bộ công ty cho người cháu nội đứng tên và yêu cầu người cháu phải thực hiện đúng lời hứa của ông là đầu tư dự án Tổ hợp khu du lịch giải trí Xuân Thiều tại Đà Nẵng. Cũng chính vì lý do đó, dự án Khu du lịch Xuân Thiều được Mikazuki gấp rút hoàn tất thủ tục pháp lý để triển khai dự án.

Ngày 29-1, đích thân người cháu nội được thừa kế – ông Yoshimune Odaka, Tổng Giám đốc tập đoàn Mikazuki bay sang làm việc với Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ và cam kết đầu tư 110 triệu USD vào dự án này. Đồng thời, đề nghị thành phố tạo điều kiện thuận lợi để dự án sớm triển khai và đi vào hoạt động. Tại buổi tiếp, ông Yoshimune Odaka cho biết, chúng tôi quyết tâm thực hiện dự án Khu du lịch Xuân Thiều một phần là làm theo di chúc của ông nội trước khi ra đi nhưng cũng nhìn thấy được tiềm năng và cơ hội ngành du lịch, dịch vụ và BĐS Đà Nẵng. Do đó, Mikazuki sẽ đầu tư 110 triệu USD phát triển khu phức hợp dịch vụ bao gồm khách sạn đạt chuẩn 5 sao, khu công viên nước, công viên trò chơi và khu ẩm thực tại khu vực Xuân Thiều.

Để tìm hiểu môi trường đầu tư tại Đà Nẵng, cuối năm 2017, khi làm việc với Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ, ông Masahiro Moriyasu, Tổng giám đốc Công ty Mitsui & Co. Việt Nam (thuộc Tập đoàn Mitsui & Co., Nhật Bản) tiết lộ tập đoàn Mitsui sẽ thành lập đội chuyên trách phối hợp với Đà Nẵng để khảo sát tiềm năng và xúc tiến đầu tư vào thành phố. Trước mắt, Mitsui & Co sẽ nghiên cứu đầu tư các dự án phát triển cơ sở hạ tầng của thành phố như Cảng Liên Chiểu, dự án Di dời ga đường sắt và tái phát triển đô thị…

Đánh giá về môi trường đầu tư Đà Nẵng, Chủ tịch kiêm TGĐ Mitsubishi Việt Nam Tetsu Funayama cho rằng, Đà Nẵng là “thành phố tiêu biểu” khi các nhà đầu tư Nhật Bản tìm hiểu Việt Nam. Với định hướng chính thu hút đầu tư vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng, du lịch, công nghệ cao, môi trường, Đà Nẵng là điểm đến tiềm năng cho các nhà đầu tư như Mitsubishi nghiên cứu đầu tư các dự án tàu điện, giáo dục, y tế theo mô hình hợp tác công tư (PPP), các dự án về CNTT, sản xuất ô-tô chạy điện, động cơ điện lai xăng…

Cũng đề cập đến sức hấp dẫn của Đà Nẵng đối với DN Nhật Bản, ông Akio Nekoshima, Chủ tịch Ủy ban hợp tác DN Nhật Bản – Vùng Mê Kông, Giám đốc điều hành Công ty Kawasaki Heavy Industries cho rằng, tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam nói chung và TP Đà Nẵng nói riêng trong thời gian qua rất ấn tượng, ông Akio Nekoshima cho biết tháng 3-2018 sẽ dẫn đoàn DN Nhật Bản đến thăm, khảo sát và tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Đà Nẵng, trong đó, đặc biệt quan tâm đến dự án cảng Đà Nẵng.

Nhà máy sản xuất roăn ô-tô Tokai Nhật Bản tại KCN Hòa Cầm.

Theo ông Phùng Tấn Viết, Trưởng ban Quản lý KCNC Đà Nẵng cho biết, hiện nay KCNC có 10 dự án đầu tư với tổng số vốn 249 triệu USD trong đó, có 3 dự án đầu tư nước ngoài đến từ Nhật Bản, còn lại 7 dự án đầu tư trong nước. Cũng theo ông Viết, Chính phủ vừa ban hành chính sách ưu đãi cho KCNC Đà Nẵng và hiệu lực từ ngày 20-2-2018 sẽ là lợi thế của các nhà đầu tư Nhật Bản nên với cơ chế ưu đãi này sẽ là chất xúc tác để các nhà đầu tư Nhật Bản đến Đà Nẵng.

Ông Nguyễn Đình Chiến, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thành Đạt (đối tác quan trọng của tập đoàn Mikazuki Nhật Bản – đầu tư tổ hợp khu du lịch, giải trí Xuân Thiều) cho rằng, Đà Nẵng, tính ổn định của cơ sở hạ tầng như cấp nước, điện, đường sá, môi trường là tốt hơn; Đà Nẵng có sân bay quốc tế và cảng biển gần trung tâm nên dễ dàng giao thương với các nước trong khu vực và trên thế giới; Chính quyền thành phố thường xuyên đối thoại với DN để tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho DN; chính sách nhất quán, ít thay đổi hơn so với một số địa phương khác…

Cũng theo ông Chiến, tập đoàn Mikazuki và một số tập đoàn Nhật Bản khác đã nhìn thấy được tiềm năng phát triển du lịch và bất động sản Đà Nẵng. “Sự xuất hiện của DN Nhật trên thị trường BĐS sẽ tạo ra tác động tích cực và làm cho thị trường tốt hơn, minh bạch hơn, phát triển bền vững hơn bởi người Nhật vốn nổi tiếng với tính kỷ luật và tiêu chuẩn cao, vì vậy các dự án có người Nhật tham gia thường nhấn mạnh vào tiêu chí chất lượng, tiện dụng”, ông Chiến nhìn nhận.

Nguồn: CAND Online

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Quảng cáo