Xây dựng đô thị sinh thái sẽ đảm bảo cho sự phát triển bền vững

Nhiều đô thị lớn của cả nước đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường, giao thông tắc nghẽn, điều kiện sống xấu, sức khỏe cộng đồng bị ảnh hưởng. Do đó, phát triển đô thị sinh thái (ĐTST) là giải pháp để tạo ra không gian xanh và cân bằng trong quá trình phát triển của đô thị.

Đô thị thân thiện với môi trường

Cùng với sự phát triển kinh tế, đô thị Việt Nam đang đối diện với những thách thức mới nảy sinh do tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng cao. Trong khi đó, theo quy hoạch đến năm 2020, quy mô đô thị Việt Nam sẽ tăng lên với 40 triệu người.

Thực tế này cho thấy, để phát triển bền vững các đô thị, việc làm lúc này là quy hoạch, xây dựng đô thị xanh, ĐTST và đô thị bền vững về môi trường phải được xem là một hướng đi mới, cần được nghiên cứu kỹ lưỡng và áp dụng trong thực tiễn.

Theo đó, ĐTST với đặc điểm nổi bật là có nhiều không gian xanh, chất lượng môi trường xanh, hài hòa các sinh thái đô thị (sinh thái nhân tạo) và hệ sinh thái tự nhiên, nó sẽ tạo ra môi trường sống tốt, bảo đảm sức khỏe và tiện nghi cho người dân.

“Đô thị sinh thái là đô thị ở đó dân cư có thể và ưa thích việc tiếp cận hầu hết dịch vụ cơ bản bằng cách đi bộ, đi xe đạp và vận chuyển bằng các phương tiện giao thông công cộng. Tất cả các hoạt động phục vụ con người trong ĐTST hài hòa và thân thiện với môi trường”, PGS. TS Lưu Đức Hải – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đô thị và Phát triển hạ tầng Việt Nam cho biết.

Đồng tình với quan điểm trên, các chuyên gia đô thị cho rằng: Đến thời điểm hiện tại, cả nước có trên 800 đô thị các loại. Tuy nhiên, các đô thị đang phải đối mặt với ô nhiễm môi trường, giao thông tắc nghẽn, điều kiện sống xấu, sức khỏe cộng đồng bị ảnh hưởng… Đáp ứng nhu cầu của thực tiễn, vấn đề quy hoạch và xây dựng ĐTST sẽ đảm bảo cho sự phát triển bền vững của một đô thị.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo, vấn đề tiên quyết cần được quan tâm khi xây dựng ĐTST đó là quy hoạch sử dụng đất của đô thị đảm bảo hài hòa giữa hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội với không gian xanh và mặt nước. Vì hệ thống cây xanh và mặt nước không chỉ giúp điều hòa không khí mà còn tạo ra cảnh quan và tăng tính thẩm mỹ cho đô thị, đồng thời sẽ phục vụ chính người dân khu vực đó, du khách về nhu cầu giải trí, thắng cảnh, nghỉ ngơi…

Hài hòa với thiên nhiên

Theo định nghĩa của Tổ chức Sinh thái đô thị của Úc thì “Một thành phố sinh thái là thành phố đảm bảo sự cân bằng với thiên nhiên”, hay cụ thể hơn là sự định cư cho phép các cư dân sinh sống trong điều kiện chất lượng cuộc sống nhưng sử dụng tối thiểu các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Còn theo Tổ chức Y tế Thế giới, thành phố sinh thái hay ĐTST phải đảm bảo 4 nguyên tắc: Xâm phạm ít nhất đến môi trường tự nhiên, đa dạng hoá việc sử dụng đất, chức năng đô thị và hoạt động của con người. Trong điều kiện có thể cố giữ cho hệ sinh thái được khép kín và tự cân bằng, giữ cho phát triển dân số và tiềm năng của môi trường, tài nguyên thiên nhiên được cân bằng tối ưu.

Mặc dù nhận thức lợi ích mà đô thị xanh, ĐTST mang lại cho chất lượng sống người dân đã được khẳng định nhưng hiện nay ở Việt Nam, trong hệ thống văn bản pháp luật chưa có khái niệm về đô thị sinh thái cũng như các tiêu chí cụ thể để xét đánh giá đô thị có phải là ĐTST hay không.

Theo các nhà nghiên cứu, các tiêu chí về ĐTST có thể được khái quát trên một số phương diện: Kiến trúc công trình, sự đa dạng sinh học, giao thông, công nghiệp và đô thị. Trong đó, để trở thành ĐTST, các công trình kiến trúc phải được thiết kế và xây dựng theo các tiêu chí tiết kiệm và sử dụng hợp lý năng lượng; tiết kiệm nguồn nước; thải chất thải ra môi trường xung quanh ít nhất; môi trường trong nhà xanh…

Hệ thống giao thông vận tải ĐTST cần giảm thiểu nhu cầu di chuyển của phương tiện cơ giới thông qua việc xây dựng đường dành cho người đi bộ và đi xe đạp, tăng cường sử dụng các phương tiện giao thông công cộng.

Công nghiệp của ĐTST sẽ sản xuất ra các sản phẩm hàng hóa có thể tái sử dụng, tái sản xuất và tái sinh. Các đô thị xanh phải đạt được chất lượng môi trường không khí, nguồn nước sạch; quản lý chất thải rắn tốt; vệ sinh đường phố luôn sạch…

Do vậy, để phát triển thành công hệ thống đô thị Việt Nam theo hướng đô thị xanh, ĐTST, GS.TSKH. Phạm Ngọc Đăng – Chủ tịch Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam nhấn mạnh: Bên cạnh các tiêu chí như không gian xanh, công trình xanh, giao thông xanh, công nghiệp xanh, chất lượng môi trường đô thị xanh, bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, danh lam thắng cảnh, công trình lịch sử, văn hóa và cộng đồng dân cư sống thận thiện với môi trường, với thiên nhiên, thì cần lưu ý các giải pháp quy hoạch đô thị, thiết kế công trình phải tính đến các yếu tố sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và tận dụng nguồn năng lượng tái tạo. Vì phát triển ĐTST là một trong nhiều giải pháp giúp các đô thị Việt Nam phát triển thịnh vượng, bền vững, có bản sắc và thân thiện với môi trường…

Nguồn: baoxaydung.com.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Quảng cáo