Vĩnh Long- tiềm năng phát triển điện năng lượng mặt trời

Vĩnh Long được đánh giá có tiềm năng phát triển nguồn điện năng lượng mặt trời lớn và hiện sắp có nhà máy điện năng lượng mặt trời đi vào vận hành, cũng như một số dự án năng lượng mặt trời có tính khả thi cao.
Sắp có điện năng lượng mặt trời 
Theo Sở Công thương tỉnh, Vĩnh Long có tiềm năng bức xạ khoảng 4,67kWh/m2 ngày. Tiềm năng này là khá tốt và có thể phát triển được dự án điện mặt trời. Cường độ bức xạ tại khu vực dự án mạnh nhất vào tháng 2, tháng 3 và yếu nhất vào giai đoạn cuối năm tháng 11, tháng 12. Bên cạnh đó, Vĩnh Long nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, quanh năm nóng ẩm, có chế độ nhiệt tương đối cao và bức xạ dồi dào. Nhiệt độ trung bình hàng năm từ 25- 27 độ C, nhiệt độ cao nhất 36,9 độ C, nhiệt độ thấp nhất 17,7 độ C. Biên độ nhiệt giữa ngày và đêm bình quân 7,3 độ C. Bức xạ tương đối cao, bình quân số giờ nắng trong 1 ngày là 7,5 giờ. Bức xạ quang hợp hàng năm đạt 79.600 cal/m2. Thời gian chiếu sáng bình quân năm đạt 2.550- 2.700 giờ/năm. Đây là điều kiện thuận lợi cho phát triển các dự án điện mặt trời khu vực.
Với tiềm năng đó, thời gian qua, đã có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan,… đến liên hệ để được hướng dẫn thủ tục đăng ký thực hiện dự án điện năng lượng mặt trời tại Vĩnh Long.
Ông Phạm Tứ Phương- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công thương- cho biết cuối năm 2016, Tổng Công ty CP Xây dựng Điện Việt Nam đến liên hệ UBND tỉnh xin chủ trương lập dự án đầu tư Dự án nhà máy điện mặt trời tại Vĩnh Long. Đến tháng 2/2018, Sở Công thương đã có văn bản gửi Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo- Bộ Công thương phê duyệt bổ sung dự án Nhà máy Điện mặt trời VNECO- Vĩnh Long vào quy hoạch phát triển điện lực của tỉnh.
Cụ thể, Dự án Nhà máy Điện mặt trời VNECO- Vĩnh Long được đầu tư tại xã Trung Nghĩa (Vũng Liêm) với quy mô công suất: 49MWP, trên diện tích khoảng 60ha, tổng mức đầu tư 1.156 tỷ đồng. Đây là dự án nằm trong quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2016- 2025, tầm nhìn đến 2035. Dự án này được đánh giá là dự án khởi đầu cho các dự án pin năng lượng mặt trời tại Vĩnh Long, sẽ góp phần quan trọng vào việc tăng trưởng kinh tế, bổ sung nguồn năng lượng tái tạo vào hệ thống lưới điện quốc gia, đồng thời đóng góp vào nỗ lực chung trong việc bảo vệ môi trường.
Đến nay, Sở Công thương đã có kiến nghị gửi Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo thẩm định và trình Bộ trưởng phê duyệt bổ sung dự án Nhà máy Điện mặt trời VNECO- Vĩnh Long vào quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2016- 2025, có xét đến năm 2035, để tỉnh có cơ sở phối hợp với nhà đầu tư và các đơn vị có liên quan xúc tiến triển khai dự án. Dự kiến, dự án sẽ chính thức được đóng nối trong tháng 3/2018. Ông Phạm Tứ Phương cho biết, hiện Tập đoàn T&T đã trao đổi thông tin với tỉnh về dự án điện NLMT và nếu thông qua được Hội đồng quản trị, tập đoàn này có thể đầu tư vào Vĩnh Long nhà máy 200MWP, gấp 4 lần nhà máy điện năng lượng mặt trời của VNECO ở Vũng Liêm.
Bổ sung điện NLMT vào quy hoạch điện
Cũng theo ông Phạm Tứ Phương, đã có nhiều nhà đầu tư đặt vấn đề triển khai điện năng lượng mặt trời với công suất khá lớn từ 50MWP trở lên. Hiện tỉnh chỉ triển khai được 1 nhà máy, do quy hoạch điện tổng thể 2016-2025 của tỉnh về điện năng lượng mặt trời công suất rất nhỏ 10- 15MWP. Qua các khảo sát chuyên ngành, các địa phương: Bình Tân, Tam Bình, Trà Ôn, Vũng Liêm có tiềm năng triển khai dự án điện năng lượng mặt trời công suất tương đối lớn. Dù vậy, theo Sở Công thương, đầu tư điện NLMT vẫn còn là nội dung rất khó khăn phức tạp, vì phải tuân thủ đầy đủ các thủ tục, các văn bản quy phạm pháp luật… thì mới đảm bảo “đầu ra” cho nhà máy điện năng lượng mặt trời.
Theo ông Trương Đặng Vĩnh Phúc- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Kế hoạch- Đầu tư, các dự án đầu tư năng lượng tái tạo hiện được các nhà đầu tư rất quan tâm. Cụ thể, trong 20 dự án trọng điểm mời gọi đầu tư tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư của tỉnh thì có 2 dự án có yếu tố môi trường. Đó là dự án điện năng lượng mặt trời tại cụm công nghiệp 50ha Phước Long A và B (do Công ty Hankook Tech Co.,Ltd đầu tư, khoảng 1.700 tỷ đồng), và dự án Electric car (mức đầu tư khoảng 30 triệu USD) của một doanh nghiệp Đức dự kiến phát triển dòng ô tô chạy bằng pin năng lượng mặt trời… 2 dự án này còn trong giai đoạn nghiên cứu, tìm hiểu và đã đủ điều kiện ký kết thỏa thuận hợp tác đầu tư.
Cũng theo ông Trương Đặng Vĩnh Phúc, điện năng lượng mặt trời cũng đang được tỉnh kiến nghị đưa vào quy hoạch phát triển điện của cả nước và đã trình các bộ, ngành chức năng chờ phê duyệt bổ sung quy hoạch. Khi có quy hoạch thì sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư trong lĩnh vực điện năng lượng mặt trời.
Tại Vĩnh Long, Công ty Điện lực Vĩnh Long đã đưa vào sử dụng hệ thống pin NLMT với 228 tấm pin được lắp đặt trên diện tích 650m2, cung cấp hơn 12.000 kWh/điện. Lượng điện này đáp ứng 90% lượng điện tiêu thụ của cả tòa nhà. Hệ thống này công ty có thể tiết kiệm được 20 triệu đồng/tháng.

Nguồn: Icon

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Quảng cáo