Trung Quốc sẽ có mặt trăng thứ 2 vào năm 2020

Nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng đang tăng cao, Trung Quốc hiện đang xem xét việc phóng vào quỹ đạo Trái Đất một “mặt trăng nhân tạo” chiếu sáng thay thế cho các loại đèn đường truyền thống vào năm 2020.

Ngày nay, dưới sự khan hiếm nguồn tài nguyên năng lượng ngày càng tăng cao, con người vẫn luôn nỗ lực tìm kiếm các giải pháp tích cực nhằm tiết kiệm năng lượng, tái chế năng lượng, tạo ra những nguồn năng lượng xanh không gây ô nhiễm môi trường, hỗ trợ mạnh mẽ tính bền vững và giúp bảo đảm tương lai tốt đẹp cho hành tinh của chúng ta.

Mới đây, ông Wu Chunfeng, Giám đốc Viện nghiên cứu khoa học hàng không vũ trụ và hệ thống vi điện tử thành phố Thành Đô (Chengdu) cho biết, Trung Quốc hiện đang lên kế hoạch phóng một vệ tinh chiếu sáng, được biết đến là “Mặt Trăng nhân tạo” (Artificial Moon) vào năm 2020.

Vệ tinh chiếu sáng được thiết kế và phóng ra ngoài không gian nhằm bổ sung ánh sáng Mặt Trăng tự nhiên vào ban đêm. Trong một hội thảo của thành phố Thành Đô ngày 10/10/2018 vừa qua, ông Wu Chunfeng nhấn mạnh, “Mặt Trăng nhân tạo” có độ sáng gấp 8 lần ánh sáng tự nhiên của Mặt Trăng và sẽ đủ sáng để thay thế hệ thống đèn đường.

Trong thiết kế, dự án “mặt trăng nhân tạo” này sẽ tập trung thử nghiệm vào khu vực thành phố Thành Đô, phía Tây nam Trung Quốc. “Mặt Trăng nhân tạo” sẽ chiếu sáng một khu vực có đường kính từ 10 đến 80km, và đáng kể là vùng chiếu sáng chính xác có thể được kiểm soát trong phạm vi vài chục mét.

Mặt trăng nhân tạo có lớp phủ trên bề mặt giúp phản chiếu ánh sáng mặt trời hỗ trợ bổ sung ánh sáng mặt trăng vào ban đêm.

Ý tưởng này bắt nguồn từ việc một nghệ sĩ người Pháp đã liên tưởng đến việc đặt một hàng gương lớn trên Trái Đất để phản chiếu ánh sáng mặt trời trên đường phố Paris quanh năm. Đây không phải là lần đầu tiên con người có ý định đưa một vật thể phản chiếu áng sáng lên không gian, trước đây, những kế hoạch như vậy đã ra đời nhưng hầu hết đều thất bại.

Đến nay, với sự ủng hộ từ phía chính phủ và nhiều nguồn lực khác, Trung Quốc đã thể hiện được ý chí mạnh mẽ, tầm nhìn táo bạo và sáng tạo của mình bằng việc hiện thực hóa những kế hoạch tưởng chừng còn rất xa vời như vậy. Quan trọng hơn, Trung Quốc đã nhận thức một cách nghiêm túc đối với các vấn đề tạo ra và sử dụng nguồn năng lượng thay thế.

Tuy nhiên, kế hoạch này của Trung Quốc cũng vấp phải không ít ý kiến phản biện cho rằng với “mặt trăng nhân tạo” sẽ ảnh hưởng không nhỏ và làm xáo trộn tập tính sinh hoạt hàng ngày của các loài động vật trên Trái đất, gây rối loạn nhịp sinh học trong tự nhiên và quá trình quan sát thiên văn.

Giải thích về những lo ngại trên, ông Kang Weimin, Giám đốc Viện Quang học thuộc Học viện Công nghệ Harbin, Trung Quốc cho rằng: “Ánh sáng từ vệ tinh nhân tạo chỉ giống như ánh sáng chạng vạng lúc hoàng hôn và vùng chiếu sáng luôn được kiểm soát, do đó không hề ảnh hưởng đến tập tính của các loài động vật.”

Những điều thú vị xung quanh dự án này sẽ còn tiếp diễn, chúng ta hay cùng chờ xem liệu điều này có trở thành hiện thực vào năm 2020 và mang lại những kết quả khả quan đáng mong đợi hay không.

BBT – Vietnam Construction
Dịch, tổng hợp. Ảnh: Internet

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Quảng cáo