Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore thu hút hơn 8,5 tỷ USD FDI

Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore thu hút hơn 8,5 tỷ USD FDI

Trong 23 năm hoạt động, tính đến nay Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore đã thu hút được 553 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư khoảng 8.523,46 triệu USD vào 9 Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (KCN VSIP) trên cả nước.

Suốt 23 năm qua, mô hình KCN VSIP luôn được Bình Dương đánh giá cao. Thành công của thương hiệu VSIP đã được khẳng định và nhiều tỉnh, thành của Việt Nam mong muốn có mô hình VSIP. Hiện KCN VSIP I – Bình Dương đã trở thành một trong những KCN kiểu mẫu với những thành tựu của một khu công nghiệp hàng đầu Việt Nam. Diện tích phủ kín 100%, VSIP I đã thu hút 231 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 3,2 tỷ USD. VSIP I cũng tạo ra 95.000 việc làm cho người lao động và góp phần vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa của Bình Dương.

Sau thành công KCN VSIP I, năm 2006 VSIP đã công bố thành lập KCN VSIP II – Bình Dương. Đến nay KCN VSIP II đã hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng, lấp đầy khoảng 99% diện tích KCN, thu hút gần 340 dự án công nghiệp với tổng số vốn đầu tư khoảng 5 tỷ USD.

Ban Quản lý các KCN VSIP cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2019, KCN VSIP đã thu hút hơn 760 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước. Đến nay, nâng tổng số dự án tại các KCN VSIP lên 42 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn đăng ký hơn 9.842 tỷ đồng. Đặc biệt, thu hút vốn FDI vào KCN VSIP tiếp tục tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2018.

Cụ thể, các KCN đã thu hút trên 696,2 triệu USD, tăng 78,93% so với cùng kỳ năm 2018 và bằng 199% so với kế hoạch năm 2019. Tính đến nay, các KCN VSIP có 553 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư 8.523,46 triệu USD.

Trong số các dự án FDI đầu tư vào các KCN VSIP có nhiều dự án lớn đã chính thức đi vào hoạt động. Đơn cử dự án nhà máy sản xuất cà phê hoà tan của Công ty TNHH Tata Coffee Việt Nam do Tập đoàn TATA (Ấn Độ) đầu tư vừa khánh thành đi vào hoạt động. Dự án có tổng vốn đầu tư 65,5 triệu USD, được xây dựng trên diện tích 80.000 m2 tại KCN VSIP II (huyện Bắc Tân Uyên – Bình Dương). Đây là nhà máy sản xuất cà phê sấy lạnh, có công xuất 5.000 tấn/năm nhằm cung ứng cho thị trường toàn cầu với các loại cà phê hòa tan mới.

Ông Nguyễn Thành Trung, Phó trưởng Ban Quản lý KCN VSIP – cho biết, trong những tháng cuối năm 2019 Ban quản lý tiếp tục thực hiện chỉ thị, nghị quyết của Trung ương về cải thiện môi trường đầu tư. Đồng thời, tăng cường nắm tình hình tại các doanh nghiệp (DN), qua đó kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc, góp phần tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, ổn định cho DN. Bên cạnh đó, Ban quản lý sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tiếp thị, thu hút đầu tư dòng vón FDI thế hệ mới…

Nhằm đáp ứng nhu cầu thuê đất ngày càng tăng và thu hút thêm dòng vốn FDI, năm 2018, đơn vị chủ quản VSIP đã thành lập VSIP III – Bình Dương với tổng diện tích 1.000 ha, tại huyện Bắc Tân Uyên, Bình Dương. VSIP III nằm trên đường vành đai số 4, thuận tiện kết nối với đường Mỹ Phước – Tân Vạn có vị trí chiến lược thuận lợi kết nối các nhà đầu tư tương lai với Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu. Do đó, VSIP III – Bình Dương được kỳ vọng sẽ sớm trở thành một KCN xanh công nghệ cao.

Có thể thấy, Bình Dương đã xây dựng được thương hiệu trong thu hút vốn FDI, trở thành địa phương phát triển kinh tế – xã hội năng động hàng đầu của cả nước. Trong đó, KCN VSIP I và KCN VSIP II – Bình Dương đã có những đóng góp quan trọng, tạo dấu ấn lớn trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội của Bình Dương.

Ông Trần Thanh Liêm – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, trong những năm qua, nhờ tập trung nỗ lực triển khai những giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh, Bình Dương đã có những bước tiến vượt bậc trong thu hút đầu tư. Qua đó, giúp Bình Dương giữ vững tốc độ phát triển kinh tế thuộc nhóm cao của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng và cả nước nói chung.

Nguồn: mekongsean.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Quảng cáo