TP.HCM sắp vận hành Nhà máy Tái chế và Xử lý chất thải công nghiệp – nguy hại đầu tiên của Thành phố

Dự án Nhà máy Tái chế và Xử lý chất thải công nghiệp – nguy hại tại xã Đa Phước (huyện Bình Chánh, TP.HCM) sẽ đi vào vận hành thử trong quý II năm 2021 và vận hành chính thức vào quý IV năm 2021. Đó là khẳng định của chủ đầu tư Dự án với lãnh đạo TP.HCM vào đầu tháng 12/2020 vừa qua.

TP.HCM có hơn 2.000 nhà máy, 10.000 cơ sở sản xuất vừa và nhỏ, 107 sơ sở bệnh viện, 322 trạm y tế xã, phường. Theo ước tính của cơ quan chức năng, đến năm 2025, lượng chất thải công nghiệp tại TP.HCM sẽ phát sinh khoảng 4.000 tấn/ngày và lượng chất thải nguy hại vào khoảng 350 – 400 tấn/ngày. Đây là thách thức không nhỏ đối với việc đảm bảo chất lượng cuộc sống, sức khoẻ của người dân TP.

Vì vậy, Nhà máy Tái chế và Xử lý chất thải công nghiệp – nguy hại tại Đa Phước, một trong những dự án trọng điểm của TP.HCM, được xem như cột mốc đánh dấu nỗ lực của Thành phố trong việc gia tăng tỷ lệ tái chế chất thải rắn, từng bước phát triển nền kinh tế tuần hoàn, tận dụng các nguồn tài nguyên trong chất thải rắn.

Lãnh đạo TP.HCM khảo sát tiến độ của Dự án Nhà máy Tái chế và Xử lý chất thải công nghiệp – nguy hại tại Đa Phước.

Nhà máy Tái chế và Xử lý chất thải công nghiệp – nguy hại đầu tiên của TP.HCM được xây dựng trên diện tích gần 17ha, nằm trong Khu Quy hoạch xử lý chất thải rắn của TP.HCM. Với quy mô công suất lớn nhất khu vực phía Nam (500 tấn/ngày) và đa dạng về công nghệ, có khả năng xử lý và tái chế rác cho khu vực TP.HCM và các tỉnh lân cận, Nhà máy này đảm bảo đáp ứng được nhu cầu xử lý của bất kỳ đơn vị xả thải nào trên địa bàn cũng như đảm bảo hỗ trợ tối đa cho Thành phố trong các chương trình bảo vệ môi trường. Trong giai đoạn 1, chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Kho vận Giao nhận Ngoại thương Mộc An Châu dự kiến sẽ đưa vào khai thác Nhà máy với công suất 313 tấn/ngày.


Thi công lắp đặt lò đốt tại Nhà máy Tái chế và Xử lý chất thải công nghiệp – nguy hại tại Đa Phước.

Điểm nổi bật của Nhà máy là sử dụng các công nghệ tiên tiến như công nghệ nhiệt (lò đốt); công nghệ xử lý chất thải lỏng; công nghệ tái chế nhựa thải, nhựa phế liệu; công nghệ xử lý và tái chế chất thải điện tử; công nghệ phá hủy xe cơ giới quá hạn, tái chế kim loại đen và kim loại màu; chôn lấp an toàn… Vì vậy, nhà máy có thể xử lý và tái chế từ 70% – 90% chất thải thành nguyên liệu và sản phẩm, đảm bảo nguyên tắc xử lý triệt để các chất gây ô nhiễm đạt Quy chuẩn quốc gia ở mức độ cao nhất.

Được lắp pin mặt trời trên các mái nhà xưởng, có khả năng cung cấp 48.000kWh/ngày và hơn 17 triệu kWh/năm, Nhà máy sử dụng từ 80 – 90% năng lượng tái tạo, được xem là dự án thân thiện với môi trường, phát thải carbon thấp, tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Ngoài ra, nhà máy còn phục vụ chương trình thu hồi xe cơ giới quá hạn sử dụng của quốc gia, hỗ trợ chương trình phân loại chất thải rắn tại nguồn và các trường hợp khẩn cấp của TP.HCM.

Trong buổi khảo sát tiến độ của lãnh đạo TP.HCM đầu tháng 12 vừa qua, ông Phạm Duy Tân, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Kho vận Giao nhận Ngoại thương Mộc An Châu cho biết Công ty đang tích cực đầu tư công trình xây dựng nhà máy, đảm bảo tiến độ xây dựng và vận hành. Theo dự kiến, Nhà máy sẽ được vận hành chạy thử vào quý II năm 2021 và vận hành chính thức vào quý IV năm 2021.

Nguồn nongthonviet.com.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Quảng cáo