Tỉnh ‘bé hạt tiêu’ sẽ là trung tâm sản xuất ô tô hàng đầu cả nước, tăng cường hút vốn FDI

Mới đây, tỉnh Vĩnh Phúc đã thông báo về tình hình thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh. Theo đó, trong quý I/2024, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc đã làm thủ tục cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 15 dự án; điều chỉnh tăng vốn cho 14 dự án.

Tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 251,13 triệu USD triệu USD vốn FDI và gần 1.419 tỷ đồng vốn đầu tư nội địa (DDI).

Cụ thể, tỉnh đã cấp mới cho 11 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 136 triệu USD; cấp điều chỉnh tăng vốn cho 10 dự án với số vốn tăng thêm hơn 115 triệu USD. Tổng vốn đầu tư đăng ký mới trong quý I là hơn 251 triệu USD, đạt 144% về vốn đầu tư so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 72% kế hoạch năm 2024.

Các quốc gia đầu tư truyền thống vào tỉnh Vĩnh Phúc vẫn là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc).

Trong đó, Hàn Quốc là quốc gia đầu tư lớn nhất với 170,02 triệu USD, chiếm 49,03% tổng vốn đăng ký. Có 22/25 dự án với 257,13 triệu USD đầu tư vào lĩnh vực đang được tỉnh Vĩnh Phúc ưu tiên phát triển, đẩy mạnh thu hút đầu tư là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, góp phần hoàn thành mục tiêu phấn đấu đưa Vĩnh Phúc trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.

Bên cạnh đó, Ban quản lý các khu công nghiệp Vĩnh Phúc đã thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động có 3 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 10,7 triệu USD; 1 dự án DDI với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 112 tỷ đồng theo đề nghị của chủ đầu tư. Thực hiện điều chỉnh giảm vốn đầu tư cho 1 dự án FDI với số vốn giảm 13 triệu USD.

Theo kế hoạch, năm 2024, Vĩnh Phúc đặt mục tiêu phấn đấu thu hút đầu tư hơn trên 400 triệu USD vốn FDI, nâng tổng số vốn FDI đầu tư vào tỉnh lên trên 8,4 tỷ USD; thu hút trên 5.000 tỷ đồng vốn DDI, nâng tổng số vốn đầu tư DDI và tỉnh lên trên 145.000 tỷ đồng.

Vĩnh Phúc là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, cửa ngõ của Thủ đô Hà Nội, gần sân bay Quốc tế Nội Bài, là cầu nối giữa các tỉnh phía Tây Bắc với Hà Nội và đồng bằng châu thổ sông Hồng, vì vậy địa phương có vai trò rất quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế vùng và quốc gia. Với diện tích 1.371km2, Vĩnh Phúc là tỉnh nhỏ thứ 4 cả nước.

Theo quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Vĩnh Phúc sẽ là thành phố trực thuộc Trung ương, có hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại, xanh, sạch đẹp, mang bản sắc riêng, xã hội phồn vinh, thịnh vượng; là thành phố phát triển toàn diện trên tất cả các mặt về kinh tế, xã hội, môi trường; người dân có chất lượng cuộc sống cao, hạnh phúc.

Ngoài ra, tỉnh sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh của tỉnh trong phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao (trong đó chú trọng phát triển công nghiệp cơ khí, chế tạo ô tô xe máy, linh kiện điện tử…) để trở thành một trong những trung tâm sản xuất ô tô, xe máy lớn của cả nước. Khai thác tối đa mọi tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh để phát triển kinh tế – xã hội. Hiện nay ở Vĩnh Phúc có nhà máy Toyota Vĩnh Phúc, nhà máy Honda Vĩnh Phúc, hay như hồi tháng 5/2023 đã khởi công nhà máy lắp ráp động cơ ô tô và xe máy Polaris Việt Nam…

Nguồn: Nguoiquansat

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Quảng cáo