Thừa Thiên Huế: Năm 2022 cấp mới 11 dự án khu công nghiệp, tổng vốn đăng ký 4.683 tỷ đồng

Tính đến tháng 11/2022, trên địa bàn Khu kinh tế, Khu công nghiệp (KKT, KCN) tỉnh Thừa Thiên Huế đã cấp mới 11 dự án với tổng vốn đăng ký là 4.683 tỷ đồng, tăng 41,5% so cùng kỳ; kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 1.300 triệu USD, đạt 100% kế hoạch…

Ban quản lý các khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế (BQL) vừa tổ chức hội nghị tổng kết năm 2022 và đề ra nhiệm vụ năm 2023. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị. Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành và các địa phương; các doanh nghiệp, nhà đầu tư tại các khu kinh tế, công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Quý Phương phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Tính đến tháng 11/2022, trên địa bàn Khu kinh tế, Khu công nghiệp (KKT, KCN) tỉnh Thừa Thiên Huế đã cấp mới 11 dự án với tổng vốn đăng ký là 4.683 tỷ đồng, tăng 41,5% so cùng kỳ; kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 1.300 triệu USD, đạt 100% kế hoạch; doanh thu đạt 35.000 tỷ đồng, tăng 18,6 % so cùng kỳ; thu ngân sách ước đạt 3.500 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch; giải ngân vốn đầu tư công gần 219 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 89,27% và giải ngân nợ đọng xây dựng cơ bản hơn 412 tỷ đồng, đạt 92,4%…

Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh ước cả năm 2022: Kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 1.300 triệu USD, đạt 100% kế hoạch năm 2022 (chiếm 65,7% kim ngạch xuất nhập khẩu của tỉnh); Doanh thu đạt: 35.000 tỷ đồng, tăng 18,6 % so cùng kỳ, đạt 100% kế hoạch năm 2022. Thu ngân sách ước đạt 3.500 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch năm 2022 (chiếm 30,4% thu ngân sách của tỉnh). Đến nay trên địa bàn có 40.917 lao động (có 182 lao động nước ngoài), đạt 85% kế hoạch năm (chiếm khoảng 46% lao động làm việc trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh). Trong năm đã cấp 76 cấp giấy phép lao động (GPLĐ), cấp lại 08 GPLĐ, gia hạn 07 GPLĐ; giải quyết 21 hồ sơ đăng ký nội quy lao động, tiếp nhận 10 thỏa ước lao động tập thể của các doanh nghiệp.

Bên cạnh đã tham mưu UBND tỉnh một số chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container và các đối tượng có hàng hóa vận chuyển bằng container đi, đến cảng Chân Mây; hội nghị xúc tiến đầu tư các hãng tàu container; khởi công dự án đê chắn sóng Cảng Chân Mây giai đoạn 2 và dự án KCN Gilimex giai đoạn 1…, trong năm, BQL đã triển khai 8 đồ án quy hoạch phân khu xây dựng trên địa bàn KKT, KCN, đặc biệt, đã triển khai thủ tục thực hiện điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng KKT Chân Mây – Lăng Cô đến năm 2045; trình UBND tỉnh phê duyệt đề cương, dự toán, kế hoạch lựa chọn nhà thầu Chương trình phát triển đô thị Chân Mây – Lăng Cô đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.Đã thẩm định cấp 17 giấy phép xây dựng để các chủ đầu tư triển khai thi công xây dựng công trình.Thông báo kết quả kiểm tra công tác nghiệm thu hoàn thành công trình đưa vào sử dụng 06 công trình.Bên cạnh đó đôn đốc, hỗ trợ các nhà đầu tư giải quyết các khó khăn vướng mắc công tác GPMB để đẩy nhanh tiến độ các dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm của tỉnh.

Năm 2023, tuy đứng trước dự báo tình hình kinh tế – xã hội sẽ có nhiều thuận lợi lẫn khó khăn thách thức lớn, Ban quản lý hỗ trợ các doanh nghiệp khắc phục khó khăn để đầu tư, sản xuất kinh doanh. Tranh thủ các nguồn lực để góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội gắn với công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên môi trường. Nâng cao tỷ lệ lấp đầy các KKT, KCN để tăng nguồn thu ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm cho nhân dân. Phấn đấu thu hút thêm 10 – 12 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký và điều chỉnh tăng vốn khoảng 4.000 – 6.000 tỷ đồng; hoàn thành giải ngân 100 % vốn đầu tư công; nâng tỷ lệ lấp đầy các KCN Phú Bài giai đoạn III và IV khoảng 25%, KCN Phong Điền khoảng 35% và các KCN còn lại trên 30%; 100% các dự án đi vào hoạt động thực hiện đầy đủ thủ tục về môi trường; các KCN có nhà đầu tư hạ tầng 100% có hệ thống xử lý nước thải; kim ngạch xuất nhập khẩu 1.300 triệu USD; nộp ngân sách đạt 3.500 tỷ đồng…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương tặng hoa chúc mừng tại hội nghị

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương ghi nhận và biểu dương những kết quả đạt được trong năm qua của Ban quản lý khu kinh tế, Công nghiệp tỉnh. Với những thành tích, những dự án được triển khai trong năm là động lực để phát triển kinh tế xã hội, tạo đà tăng trưởng, thu hút các dự án đầu tư, góp phần xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố Trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương nhấn mạnh, năm 2023 là năm có ý nghĩa quan trọng, là năm tăng tốc nhằm tạo thế và lực vững chắc để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021 – 2025; trong bối cảnh diễn biến dịch vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường, tình hình thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng nhiều; dự báo tình hình kinh tế – xã hội có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, tuy nhiên, với những kết quả quan trọng, nổi bật đã đạt được trong năm 2022, Tỉnh tiếp tục đặt mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 09 – 10%; thu ngân sách phấn đấu đạt trên 13.000 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu tăng từ 12% trở lên. Đây là các mục tiêu cao trong tình hình hiện nay, đòi hỏi phải có hệ thống giải pháp đồng bộ, sự nỗ lực, quyết tâm cao của tất cả các ngành, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ, tạo nền tảng cho Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong nhiệm kỳ này.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương, đề nghị Ban quản lý tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu thực hiện các nghị quyết, kế hoạch của Tỉnh uỷ, HĐND và UBND tỉnh. Tích cực, chủ động trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao và các chỉ tiêu, kế hoạch năm 2023 của Ban Quản lý đã đề ra. Hoàn thành phê duyệt các đồ án theo tiến độ, đảm bảo chất lượng. Giải quyết các thủ tục về quy hoạch, đầu tư, xây dựng để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án tại Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô và các Khu công nghiệp và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc giúp cho người dân liên quan việc tách thửa, xây dựng, sửa chữa nhà do đã xuống cấp. Tăng cường công tác phối hợp với các huyện, thị xã và chính quyền các xã, thị trấn trên địa bàn trong công tác quản lý quy hoạch, trật tự xây dựng tại các Khu kinh tế, Khu công nghiệp.

Tăng cường và đổi mới công tác xúc tiến đầu tư theo hướng có hiệu quả cao hơn; chú trọng kêu gọi các nhà đầu tư có thương hiệu lĩnh vực công nghiệp, kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, các dự án lớn về du lịch, đô thị, đầu tư và khai thác cảng biển; đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng (giao thông, điện, nước, thoát nước, xử lý nước thải), xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước, đưa các dự án đã cấp giấy chứng nhận đầu tư vào vận hành, khai thác.

Dịp này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương đã trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các tập thể thuộc Ban quản lý các khu kinh tế, công nghiệp tỉnh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong năm 2022.

Nguồn tin: moitruongvadothi.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Quảng cáo