Thu hút FDI vào các địa phương, nhìn từ Vĩnh Phúc

Những năm gần đây, Vĩnh Phúc nổi lên là một trong những địa phương có sức hấp dẫn lớn về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Nếu như năm 1998, Vĩnh Phúc chỉ có 8 dự án FDI đầu tư vào Tỉnh thì tính đến tháng 10/2017, toàn Tỉnh đã có 255 dự án còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký hơn 3,7 tỷ USD.

Ngân sách tăng mạnh nhờ FDI

Địa phương này là điểm đến của nhiều DN lớn hàng đầu thế giới về công nghiệp ô tô, xe máy như Honda, Toyota… và nhiều doanh nghiệp công nghiệp lớn khác. Số dự án FDI tăng nhanh chóng cả về số lượng cũng như chất lượng trong những năm qua đã đóng góp trực tiếp vào nguồn thu ngân sách của tỉnh Vĩnh Phúc.

Ông Lê Duy Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, sau khoảng 20 năm, từ năm 1997 đến 2016, ngân sách tỉnh Vĩnh Phúc đã tăng khoảng 300 lần, từ con số vỏn vẹn khoảng một trăm tỷ nay đã đạt tới 33 nghìn tỷ đồng. Thu nội địa nhiều năm chỉ đứng sau Hà Nội. Riêng năm 2016, tổng thu nội địa  của Tỉnh đạt khoảng 29 nghìn tỷ đồng. Ông Thành nhấn mạnh, có được con số này, phần lớn là đóng góp từ các DN FDI.

Vậy điều gì đã khiến Vĩnh Phúc có những thay đổi nhanh chóng về thu hút FDI như vậy?

Một số doanh nghiệp FDI cho biết họ lựa chọn Vĩnh Phúc là điểm đến đầu tư vì nhận thấy đây là tỉnh có nền công nghiệp phát triển, nguồn lao động dồi dào, kết cấu hạ tầng phát triển và nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh rất đáng ghi nhận.

Điều này cũng đã phản ánh tại chỉ số  năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được công bố hồi tháng 4/2017. Trên bảng xếp hạng PCI 2016, Vĩnh Phúc góp mặt vào top 10 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước.

Có thể thấy, từ vị trí số 43 năm 2012, sau 4 năm, Vĩnh Phúc vươn lên vị trí thứ 9 trong bảng xếp hạnh 63 tỉnh thành, minh chứng cho sự nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Bản thân lãnh đạo Vĩnh Phúc luôn khẳng định việc coi trọng công tác cải thiện môi trường đầu tư, trong đó có thu hút FDI. Với phương châm: “Tất cả các nhà đầu tư vào Vĩnh Phúc đều là công dân Vĩnh Phúc. Thành công của doanh nghiệp chính là thành công và niềm tự hào của Tỉnh”, UBND tỉnh Vĩnh Phúc luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất, đồng thời luôn sát cánh, cùng tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn Tỉnh.

Điều gì hấp dẫn nhà đầu tư ở một địa phương?

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng, những địa phương thu hút được nhiều dự án FDI như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Bình Dương, Đồng Nai… thì đóng góp của khu vực FDI đã làm thay đổi cơ bản cơ cấu kinh tế của từng tỉnh, thành phố. Như tỉnh Vĩnh Phúc, nhờ thu hút có hiệu quả FDI nên thu ngân sách nội địa của tỉnh này rất tốt, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cũng như đời sống người dân…

Nói về lợi thế để thu hút FDI, ông Nguyễn Mại cho biết, mỗi địa phương có những ưu thế riêng trong việc kêu gọi đầu tư. Tuy nhiên, theo Chủ tịch VAFIE, không phải cứ trải thảm đỏ là kêu gọi được nhà đầu tư và việc “hấp dẫn” nhà đầu tư sẽ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Mỗi nơi có kinh nghiệm riêng trong việc tạo nên thế mạnh để thu hút FDI. Chẳng hạn như Bình Dương thì làm rất tốt việc giải phóng mặt bằng hay với Vĩnh Phúc, ngoài các lợi thế về vị trí địa lý như giáp với Hà Nội, gần cảng biển hay đường cao tốc thì cách ứng xử với nhà đầu tư là rất tốt.

“Lãnh đạo tỉnh nào cũng làm xúc tiến đầu tư, cũng đẩy mạnh gọi vốn hết. Ưu đãi là một phần, nhưng không phải chính, quan trọng là lãnh đạo tỉnh biết kêu gọi, biết chọn nhà đầu tư thích hợp với vị thế, điều kiện địa phương mình”, ông Mại nói.

Bà Nguyễn Thị Tuệ Anh – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cũng cho biết, ngoài câu chuyện hạ tầng thì các thủ tục chính sách, môi trường đầu tư kinh doanh tốt là yếu tố quan trọng trọng việc hút các nhà đầu tư ngoại.

“Cần sẵn sàng cung cấp, phổ biến thông tin đối với các nhà đầu tư. Cùng với đó là thủ tục nhanh chóng, thuận lợi. Để từ đó nhà đầu tư có những cái nhìn tích cực và yên tâm hơn”, bà Tuệ Anh cho biết.

Nhấn mạnh vai trò của lãnh đạo các tỉnh, thành trong việc gọi vốn FDI, bà Tuệ Anh nói: “Chính các lãnh đạo sẽ tạo ra bộ mặt tốt và cái nhìn thiện cảm đối với các nhà đầu tư trong các cuộc tiếp xúc đầu tư. Ở Bắc Ninh, Vĩnh Phúc… và nhiều tỉnh có lượng vốn FDI lớn thì có điểm chung khá dễ thấy đó là sự năng động, cởi mở của các lãnh đạo tỉnh”. Theo bà Tuệ Anh, chính sự năng động, cởi mở, nhiệt tình của lãnh đạo sẽ tạo ra sức lan toả cho cả bộ máy hoạt động, tạo nên thế mạnh của địa phương.

“Tất nhiên cũng cần phải nhấn mạnh một điều, cần phải có sự kết hợp những yếu tố hạ tầng hay lao động. Nếu một địa phương không có hạ tầng kết nối tốt, nguồn nhân lực không đủ, không thuận lợi… thì nhà đầu tư cũng sẽ khó mà chọn lựa”, bà Tuệ Anh nhận xét. Và trong câu chuyện này, bên cạnh những nỗ lực của địa phương thì vai trò của Trung ương là rất quan trọng.

Cũng theo bà Tuệ Anh, bài học thành công từ những địa phương có lượng vốn FDI lớn đó là phải xác định được yếu tố thuận lợi, cạnh tranh của chính mình.

Nguồn: Báo Đấu thầu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Quảng cáo