Thái Nguyên: Thêm hạng mục xử lý môi trường cho dự án nước thải gần 1 nghìn tỷ đồng

HĐND tỉnh Thái Nguyên vừa thống nhất chủ trương đầu tư dự án xây dựng hồ sự cố kết hợp hồ sinh học cho hệ thống thoát nước và xử lý nước thải thành phố Thái Nguyên với tổng mức đầu tư gần 15 tỷ đồng.

Theo quy hoạch, hồ sự cố kết hợp hồ sinh học cho hệ thống thoát nước và xử lý nước thải thành phố Thái Nguyên nằm trong ranh giới diện tích của Nhà máy xử lý nước thải Gia Sàng (10ha).

Dự án Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải thành phố Thái Nguyên được thực hiện theo Nghị định thư Việt Pháp năm 1998. Đây là dự án chống ô nhiễm và bảo vệ môi trường, phục vụ dân sinh cho khu vực trung tâm phía Bắc thành phố Thái Nguyên, được tài trợ bằng nguồn vốn vay ODA của Pháp (Chính phủ Việt Nam vay và cấp phát lại cho tỉnh) và nguồn vốn đối ứng được hỗ trợ từ ngân sách Trung ương và cân đối của tỉnh Thái Nguyên; được phê duyệt thực hiện từ năm 2000 với tổng mức đầu tư là 231,62 tỷ đồng.

Đến năm 2007, dự án tiếp tục được phê duyệt điều chỉnh bổ sung với tổng mức đầu tư hơn gấp đôi: 579,90 tỷ đồng. Và rồi, 5 năm sau (năm 2012), UBND tỉnh Thái Nguyên lại tiếp tục phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư lên đến gần 1 nghìn tỷ đồng (950,489 tỷ đồng).

Nhà máy xử lý nước thải Gia Sàng là một công trình thuộc Dự án thoát nước và xử lý nước thải thành phố Thái Nguyên, được xây dựng và hoàn thành đưa vào vận hành, chạy thử từ cuối năm 2017 gồm 2 modul với tổng công suất xử lý là 8000m3/ngày đêm. Sau một thời gian ngắn đưa vào sử dụng, từ cuối tháng 8/2019, nhà máy xử lý nước thải Gia Sàng gặp sự cố do 3 tủ điện bị cháy khiến toàn bộ hệ thống “tê liệt”.

Hậu quả của việc chậm khắc phục sự cố cháy tủ điện tại nhà máy xử lý nước thải Gia Sàng không những làm gia tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường cho sông Cầu, không đảm bảo việc làm cho cán bộ, công nhân vận hành hệ thống thoát nước và xử lý nước thải… mà còn khiến dư luận đặt nghi vấn về chất lượng, sự lạc hậu của thiết bị, vì Nghị định thư Việt Pháp đã ký từ hơn 20 năm trước.

Rất nhiều cuộc làm việc và đàm phán với các bên gồm: Cơ quan Kinh tế Pháp, Ban Quản lý dự án, Tư vấn Berim, nhà thầu cung cấp thiết bị Suez, nhà thầu lắp đặt phía Việt Nam… với chủ đầu tư và lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên đã được tổ chức. Cuối cùng, để đảm bảo hoạt động của Dự án hệ thống thoát nước và xử lý nước thải phía Bắc thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên đã quyết định chi gần chục tỷ đồng để khắc phục sự cố. Nhờ vậy, sau gần 2 năm “đắp chiếu”, đến tháng 5/2021 Nhà máy xử lý nước thải Gia Sàng đã được vận hành trở lại.

Theo Sở Xây dựng Thái Nguyên: Việc đầu tư dự án hồ sự cố kết hợp hồ sinh học cho hệ thống thoát nước và xử lý nước thải thành phố Thái Nguyên nhằm lưu trữ nước thải trong thời gian tối đa 3 ngày khi nhà máy xảy ra sự cố, hồ có khả năng lưu trữ để chờ quay vòng xử lý lại nước thải bảo đảm không xả nước thải ra môi trường. Ngoài ra, hồ còn nhằm mục đích kiểm nghiệm đánh giá chất lượng nước thải sau xử lý.

“Đây là hạng mục không thể thiếu trong quy trình xả thải của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định và cũng là một sự kiểm chứng để chứng minh về hệ thống trang thiết bị của nhà máy, kịp thời phát hiện khi hệ thống máy móc thiết bị của nhà máy bị hư hỏng hoặc vận hành chưa đúng quy chuẩn.” – Văn bản số 1622/BCĐX-SXD ngày 9/6/2021 nhấn mạnh.

Cũng theo Sở Xây dựng Thái Nguyên: Thời điểm phê duyệt điều chỉnh bổ sung dự án đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải thành phố Thái Nguyên (tháng 7/2007) khi Luật Bảo vệ môi trường số 52/2005/QH11 và Nghị định 80/2006/NĐ-CP ngày 09/6/2006 chưa có quy định phải xây dựng hồ sự cố đối với công trình xử lý nước thải sinh hoạt nên nội dung Dự án hệ thống thoát nước và xử lý nước thải thành phố Thái Nguyên chưa có hạng mục này.

Việc xây dựng hồ và đưa vào sử dụng sẽ góp phần cải thiện chất lượng nước thải đầu ra của nhà máy (khâu xử lý sinh học tại hồ), giảm thiểu các chất ô nhiễm, ổn định chất lượng nước thải sau xử lý. Bên cạnh đó với diện tích mặt nước 1,43ha hồ còn góp phần tạo cảnh quan sinh thái cho nhà máy và khu vực xung quanh là nơi tiến hành các hoạt động tập huấn, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho nhân dân.

Theo quy hoạch, hồ sự cố kết hợp hồ sinh học cho hệ thống thoát nước và xử lý nước thải thành phố Thái Nguyên nằm trong ranh giới diện tích của Nhà máy xử lý nước thải Gia Sàng (10ha), phía Bắc giáp tháp truyền hình Thái Nguyên, các phía: Nam, Đông và Tây giáp khu dân cư hiện hữu. Với giá trị gần 15 tỷ đồng, Dự án được thực hiện trong giai đoạn từ năm 2022 đến năm 2024, do Công ty TNHH MTV thoát nước và phát triển hạ tầng đô thị Thái Nguyên làm chủ đầu tư.

Được biết, dự án thoát nước và xử lý nước thải khu vực phía Nam thành phố Thái Nguyên có tổng mức đầu tư 439 tỷ đồng, tương đương 18,8 triệu euro (trong đó, vốn vay ODA của Chính phủ Vương quốc Bỉ là 252 tỷ đồng, tương đương 10,8 triệu euro) đã được Công ty TNHH MTV thoát nước và phát triển hạ tầng đô thị Thái Nguyên và nhà thầu Sodraep (Vương quốc Bỉ) ký kết từ tháng 12/2015 đến nay vẫn chưa được triển khai dẫn đến nghi ngại về “quy trình” đội vốn và nhiều vi phạm, sai phạm như đã từng xảy ra.

Nguồn: baomoi.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Quảng cáo