Sân bay duy nhất Bình Định sắp được mở rộng, quy mô vốn lên tới 7.300 tỷ đồng

Ngày 22/2, UBND tỉnh Bình Định cho biết, lãnh đạo tỉnh này vừa có văn bản giao Ban quản lý dự án giao thông tỉnh cùng các đơn vị liên quan triển khai các bước thủ tục đầu tư đối với các dự án mở rộng cảng Hàng không Phù Cát theo quy hoạch Cảng hàng không Phù Cát thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Cụ thể, sẽ triển khai 3 dự án đầu tư xây dựng với tổng số vốn lên đến hơn 7.300 tỷ đồng.

Trong đó, dự án 1 sẽ xây dựng đường cất hạ cánh số 2, các đường lăn nối và các công trình khác thuộc khu bay; hệ thống đường tuần tra, hàng rào, bốt gác; hệ thống đèn tiếp cận; hệ thống thoát nước khu bay đồng bộ; hệ thống hỗ trợ hạ cánh chính xác ILS; hệ thống quan trắc khí tượng tự động AWOS.

Tổng mức đầu tư dự kiến của dự án 1 khoảng 3.013 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án 2024-2027.

Dự án 2 sẽ xây dựng di chuyển các công trình quân sự để bàn giao đất phục vụ xây dựng mở rộng khu hàng không dân dụng. Tổng mức đầu tư dự kiến của dự án này khoảng 1.207 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án 2027-2032.

Hai dự án trên hình thức đầu tư công, nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Cơ quan chủ quản thực hiện đầu tư là UBND tỉnh Bình Định.

Dự án 3 tiến hành xây dựng khu hàng không dân dụng. Dự án này sẽ đầu tư mở rộng sân đỗ máy bay; nhà ga hành khách T3; nhà điều hành cảng hàng không; nhà xe ngoại trường; xkhu nhiên liệu hàng không; nhà cảng vụ…

Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 3.132 tỷ đồng. Thời gian thực hiện từ 2027-2032 theo hình thức đầu tư là đối tác công tư; vốn ngân sách Nhà nước và vốn do nhà đầu tư huy động. Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền là UBND tỉnh Bình Định.

Sân bay Phù Cát là một sân bay lưỡng dụng ở huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, miền Trung Việt Nam. Đây là sân bay duy nhất tỉnh Bình Định do Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam, một cơ quan của Cục Hàng không Dân dụng Việt Nam, quản lý. Hiện nay, sân bay Phù Cát là một trong các sân bay nhộn nhịp của khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, xếp sau sân bay quốc tế Đà Nẵng và sân bay quốc tế Cam Ranh về lượng hành khách thông qua.

Ngoài ra, sân bay Phù Cát còn là nơi huấn luyện quân sự và là căn cứ của Trung đoàn 925 thuộc Sư đoàn không quân 372 biên chế tiêm kích Sukhoi Su-27, và Trung đoàn 940 của Trường Sĩ quan không quân sử dụng máy bay huấn luyện cấp cao Yakovlev Yak-130.

Theo Quy hoạch Cảng hàng không Phù Cát thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, vị trí, chức năng cảng hàng không Phù Cát trong mạng cảng hàng không, sân bay toàn quốc là cảng hàng không nội địa, sân bay dùng chung dân dụng và quân sự.

Mục tiêu quy hoạch thời kỳ 2021-2030, sân bay Phù Cát đạt cấp sân bay 4C (theo tiêu chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế – ICAO) và sân bay quân sự cấp I; công suất 5 triệu hành khách/năm và 12.000 tấn hàng hóa/năm; loại tàu bay khai thác là code C như A320/A321 và tương đương.

Tầm nhìn đến năm 2050, sân bay Phù Cát đạt cấp sân bay 4C và sân bay quân sự cấp I; công suất 7 triệu hành khách/năm và 27.000 tấn hàng hóa/năm; loại tàu bay khai thác là code C như A320/A321 và tương đương (có thể tiếp nhận tàu bay code E khi có nhu cầu); phương thức tiếp cận hạ cánh: CAT II.

Nguồn: Nguoiquansat

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Quảng cáo