Mô hình “Ba nhà” – chìa khóa xây dựng Thành phố thông minh Bình Dương
Bình Dương đang thực hiện nhiều giải pháp phù hợp với điều kiện của địa phương, quy tụ nhiều nguồn lực trong và ngoài nước, hướng tới trở thành thành phố thông minh kết hợp tốt mô hình “ba nhà” đầu tiên tại Việt Nam.
Từ mô hình “ba nhà”
Với mục tiêu đến trước năm 2020 cơ bản trở thành một tỉnh công nghiệp và là đô thị loại I, những năm gần đây, Bình Dương luôn trăn trở tìm ra giải pháp tối ưu nhất nhằm hạn chế những tác động tiêu cực của quá trình công nghiệp hóa.
Từ những mối quan hệ quốc tế sâu rộng, Bình Dương đã tham khảo, học tập ở nhiều thành phố trên thế giới và mô hình phát triển của TP. Eindhoven (Hà Lan) trở thành một “gợi ý” quan trọng cho sự phát triển của Bình Dương.
Trên thực tế, từ năm 2015, Bình Dương đã phát triển mối quan hệ hợp tác với TP. Eindhoven để cùng tiến hành nghiên cứu, xây dựng Đề án Thành phố thông minh Bình Dương. Dựa trên những điểm tương đồng giữa Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp – CTCP (Becamex IDC) và Tập đoàn Brainport (Hà Lan), việc ứng dụng mô hình “ba nhà” (nhà nước – nhà trường – nhà doanh nghiệp) trong xây dựng nhằm mục đích để Bình Dương chuyển đổi sang nền kinh tế sản xuất kỹ thuật cao, tiên tiến.
Ra mắt Liên doanh BW Industrial, hoạt động trong lĩnh vực logistics thông minh với sự hợp tác giữa Becamex IDC và Warburg Pincus (Hoa Kỳ).
Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT Becamex IDC cho biết, cách đây 20 năm, Eindhoven chỉ là vùng đất phát triển công nghiệp nhỏ lẻ và truyền thống vì không có những lợi thế vốn có của các thành phố khác như sân bay, cảng biển… Tuy nhiên, Eindhoven đã mạnh dạn đưa ra một mô hình phát triển mới gọi là Triple Helix (3 vòng xoắn). Trên nền tảng công nghệ, Eindhoven đã từng bước được xây dựng, không chỉ trở thành một nơi đáng làm việc, mà còn là một nơi đáng sống. Eindhoven hiện là một trong những thành phố thông minh nhất thế giới.
Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng, tháng 3/2016, Bình Dương công bố khởi động Đề án Thành phố thông minh, áp dụng mô hình “ba nhà” của Eindhoven vào Bình Dương, theo đó, hướng tới đặt những nền tảng cơ bản đầu tiên cho một nền dịch vụ, sản xuất công nghệ cao, quy hoạch đô thị theo hướng thông minh trước năm 2021. Từ đó, tạo tiền đề để Bình Dương tiến lên nền kinh tế tri thức, đón xu thế cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Mô hình “ba nhà” áp dụng tại Bình Dương là mô hình thúc đẩy và chính thức hóa sự hợp tác mật thiết giữa chính quyền, các doanh nghiệp, các viện, trường học trong tỉnh và liên kết linh động với các vùng khác. Trong mối quan hệ hợp tác này, Nhà nước giữ vai trò lãnh đạo chung; doanh nghiệp, các viện và trường học nhận trách nhiệm tương ứng của mình trên mỗi lĩnh vực. Mô hình này tạo ra đầu vào rộng lớn để cùng kiến tạo nên tầm nhìn chung dài hạn và thiết lập các chiến lược, chương trình hành động phù hợp, thúc đẩy Bình Dương phát triển năng động, sáng tạo.
Theo các chuyên gia, việc trở thành một thành phố thông minh sẽ giúp Bình Dương thu hút thêm nhiều doanh nghiệp mới và cư dân đến sinh sống, làm việc, tạo sự phát triển bền vững cho thành phố Bình Dương trong tương lai.
Sáng tạo của Bình Dương
Các mục tiêu và định hướng chung của Đề án Thành phố thông minh Bình Dương chính thức được UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt tháng 11/2016, bao gồm 46 hành động cụ thể thuộc 14 chương trình, chia thành 4 lĩnh vực chính: con người, công nghệ, doanh nghiệp và các yếu tố nền tảng.
Trao đổi về đề án này, ông Trần Thanh Liêm, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, Bình Dương đã không tiếp cận thành phố thông minh theo phương thức phổ biến ở nhiều địa phương khác là đơn thuần ứng dụng công nghệ tiên tiến để giải quyết một số vấn đề như quản lý giao thông, chính phủ điện tử…
Đối với Bình Dương, thành phố thông minh được định nghĩa như là một hệ sinh thái năng động, sáng tạo, kết nối, trong đó, mọi thành tố liên tục được cải tiến, đổi mới và tối ưu hóa không ngừng; đồng thời, thành phố thông minh còn là giải pháp ưu việt nhằm cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống, mang lại hạnh phúc cho người dân.
Đặc biệt, Đề án Thành phố thông minh Bình Dương hướng đến quy tụ nhiều nguồn lực cả trong và ngoài nước, hướng đến những giá trị mới của nền kinh tế khu vực và toàn cầu, trong đó, con người và tri thức là trọng tâm.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương thông tin thêm, trong thời gian tới, Bình Dương dự kiến quy hoạch một khu vực gọi là “vùng thông minh Bình Dương”, với hạt nhân là Thành phố mới Bình Dương, được quy hoạch hạ tầng hiện đại, chuẩn quốc tế, đóng vai trò trung tâm kết nối toàn tỉnh. Quy mô của vùng thông minh khoảng 1 triệu người dân sinh sống và làm việc, là nơi tập hợp những đô thị, khu vực nghiên cứu giáo dục và công nghiệp trọng điểm của tỉnh.
Vùng thông minh Bình Dương đang được tập trung phát triển theo chuẩn quốc tế, hướng theo các tiêu chí của Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới (ICF), với mục tiêu trước năm 2021, Bình Dương trở thành thành viên của cộng đồng này. Từ đó, Bình Dương có điều kiện mở rộng hợp tác với mạng lưới hơn 160 tỉnh, thành phố thông minh, thịnh vượng trên thế giới.
Trước đó, để phục vụ Đề án Thành phố thông minh, Bình Dương đã tập trung nguồn lực để phát triển, như xây dựng Trung tâm Dữ liệu đạt chuẩn quốc tế nhằm tối ưu hóa sử dụng cơ sở dữ liệu dùng chung, góp phần cải cách thủ tục hành chính, tạo sự minh bạch trong cung cách phục vụ của chính quyền. Đồng thời, tỉnh còn ban hành chương trình hướng dẫn cụ thể cho việc triển khai Đề án, xác định và phân công cụ thể từng chương trình hành động cần thiết trong các lĩnh vực, trong đó, con người là yếu tố trọng tâm của đề án này.
Vai trò “hạt nhân” của doanh nghiệp Việt
Tại nhiều hội thảo về thành phố thông minh, các chuyên gia cho rằng, việc Bình Dương thực hiện xây dựng thành phố thông minh là hướng đi đúng. Trong đó, không thể không nhắc đến Becamex IDC với vai trò “hạt nhân” trong xây dựng và thực hiện Đề án Thành phố thông minh. Điều này cho thấy, doanh nghiệp Việt đã lớn mạnh, đủ điều kiện để tham gia, dẫn dắt phát triển kinh tế – xã hội và cũng là nét đặc sắc của Bình Dương.
Trong xây dựng Đề án Thành phố thông minh, Becamex IDC cùng đối tác là Tập đoàn Brainport đã thiết kế các tiêu chí phù hợp với điều kiện của Bình Dương. Trong quá trình thực hiện, Becamex IDC triển khai hướng tới 4 lĩnh vực: con người; công nghệ; cộng đồng doanh nghiệp và cơ sở hạ tầng; môi trường sống và làm việc.
Becamex IDC hiện là đối tác của nhiều doanh nghiệp lớn, tập đoàn đa quốc gia trong nhiều lĩnh vực. Trong xây dựng thành phố thông minh, Becamex IDC cũng đã triển khai hợp tác với các tập đoàn, viện nghiên cứu hàng đầu trên thế giới.
Chẳng hạn, thành viên của Becmex IDC là Công ty cổ phần Công nghệ và Truyền thông Việt Nam (VNTT) và NTT Việt Nam đã ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh xây dựng mạng FTTH và các giải pháp ICT. Đây là hoạt động cụ thể hóa các nội dung của biên bản ghi nhớ đã được Becamex IDC ký với Tập đoàn NTT của Nhật Bản (doanh nghiệp công nghệ viễn thông lớn thứ 4 trên thế giới) với mục đích cùng nghiên cứu tính khả thi cho việc xây dựng, phát triển thành phố thông minh tại Việt Nam, đặc biệt là tại Thành phố mới Bình Dương.
Hay, Becamex IDC đã hợp tác toàn diện với Viện Công nghệ công nghiệp ITRI – viện nghiên cứu khoa học quan trọng và lớn nhất Đài Loan – nhằm liên kết, cộng tác trên các lĩnh vực công nghệ, trao đổi nguồn nhân lực, phát triển khu công nghiệp công nghệ khoa học và phát triển thành phố thông minh.
Một lãnh đạo của Becamex IDC cho biết, khi triển khai xây dựng thành phố thông minh, doanh nghiệp được tỉnh chỉ đạo xây dựng khu công nghiệp và thu hút được các ngành có giá trị gia tăng lớn hơn. Becamex IDC mong muốn được trao đổi kinh nghiệm với các doanh nghiệp Đài Loan trong việc xây dựng khu công nghiệp trong thành phố thông minh…
Vấn đề nguồn nhân lực chất lượng cao cho thành phố thông minh cũng đang được Becamex IDC triển khai với nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực. Theo đó, các đơn vị thành viên của Becamex IDC là VNTT và Trường Đại học quốc tế Miền Đông (EIU) đã ký kết thỏa thuận hợp tác. Trong đó, EIU sẽ thực hiện nghiên cứu, phát triển, cung cấp sản phẩm theo yêu cầu của VNTT và tiếp nhận các sinh viên, giảng viên có nhu cầu tham gia thực hành, thực tập, nghiên cứu thực tế tại các cơ sở của VNTT.
Việc triển khai thực hiện Đề án Thành phố thông minh Bình Dương chưa có tiền lệ tại Việt Nam, nên sẽ có rất nhiều thử thách. Nhưng đây cũng là cơ hội mở ra những tiềm năng mới mang tính bứt phá, phù hợp với xu thế của thời đại, góp phần để Bình Dương hình thành một nền kinh tế có giá trị gia tăng cao, sản xuất – dịch vụ có hàm lượng tri thức, tạo ra một môi trường năng động, sáng tạo, kết nối.
Nguồn: baodautu.vn