Thêm lực đẩy từ nhà đầu tư mới cho lĩnh vực cà phê chế biến sâu tại Việt Nam
Ngày 24/8, LDC công bố việc ký kết thỏa thuận liên doanh với Instanta Sp. z o.o. (Instanta Việt Nam) để xây dựng và vận hành nhà máy cà phê hòa tan sấy lạnh tại tỉnh Bình Dương…
Việt Nam – nước xuất khẩu cà phê Robusta số 1 thế giới, nhưng có hơn 85% cà phê xuất khẩu dưới dạng thô nên giá trị không cao. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đặt mục tiêu đến năm 2020 xuất khẩu cà phê chế biến sâu phải đạt 30%/tổng khối lượng.
Để đạt mục tiêu trên cần thêm công ty đầu tư vào lĩnh vực này, và sự kiện Công ty Louis Dreyfus Company (LDC) và Công ty Instanta hợp tác xây dựng nhà máy cà phê hòa tan tại Việt Nam cho thấy mục tiêu xuất khẩu 30% cà phê chế biến sâu của Bộ NN-PTNT có thể không trễ hạn đến 10 năm.
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, sự kiện trên góp thêm tín hiệu tích cục đối với nền kinh tế.
Liên doanh này sẽ hoạt động dưới tên pháp nhân ILD Coffee Việt Nam. Dự kiến, nhà máy sẽ được khởi công xây dựng vào đầu năm 2022.
Xuất khẩu cà phê giảm do COVID-19
Theo Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương, diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 tại các tỉnh phía Nam đã ảnh hưởng đến xuất khẩu cà phê của Việt Nam. Trong 15 ngày đầu tháng 8/2021, xuất khẩu cà phê giảm 16,7% về lượng và giảm 12,7% về trị giá so với 15 ngày đầu tháng 7/2021, giảm gần 10% về lượng và tương đương về trị giá so với 15 ngày đầu tháng 8/2020, đạt 47,14 nghìn tấn, trị giá 92,89 triệu USD.
Cộng dồn từ đầu năm đến ngày 15/8/2021, xuất khẩu cà phê đạt 1,01 triệu tấn, trị giá 1,87 tỷ USD, giảm 8,2% về lượng và giảm 0,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Dự báo xuất khẩu cà phê thời gian tới sẽ vẫn chịu ảnh hưởng tiêu cực do làn sóng COVID-19 lần thứ 4 trong nước.
Tháng 7/2021, giá xuất khẩu bình quân cà phê đạt mức 1.922 USD/tấn, giảm 1,0% so với tháng 6/2021, nhưng tăng 7,5% so với tháng 7/2020. Tính chung 7 tháng đầu năm 2021, giá xuất khẩu bình quân cà phê đạt mức 1.846 USD/tấn, tăng 8,6% so với 7 tháng đầu năm 2020. Trong đó, giá xuất khẩu bình quân cà phê sang hầu hết các thị trường chủ lực tăng.
Hiện nay, nhu cầu cà phê toàn cầu vẫn duy trì ở mức cao bất chấp giá tăng mạnh. Tuy vậy, hạn chế lớn nhất đối với xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong thời gian tới vẫn là tình trạng thiếu container và chi phí vận chuyển tăng cao, đặc biệt là các tuyến đi Mỹ và châu Âu.
Mục tiêu lớn sẽ không trễ hẹn kéo dài?
Việt Nam – nước xuất khẩu cà phê Robusta lớn nhất thế giới nhưng chủ yếu là xuất thô nên giá trị mang về không cao, vì vậy Bộ NN-PTNT đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ xuất khẩu 30% lượng cà phê chế biến sâu/ tổng khối lượng cà phê xuất khẩu.
Song, năm 2020 đã đi qua và theo chuyên gia của Nestlé để đạt được mục tiêu này Việt Nam phải chờ thêm 10 năm nữa tức đến năm 2030.
Ông William Mackereth, Giám đốc Chuỗi cung ứng Công ty Nestlé Việt Nam cho biết: “Hiện có khoảng 200.000 tấn cà phê tương đương từ 12% đến 15%/ tổng sản lượng cà phê của Việt Nam được chế biến. Tuy nhiên, phần lớn là gia công nội địa nhưng Chính phủ thường chỉ nói đến xuất khẩu cà phê giá trị gia tăng, trong khi khoảng chế biến nội địa cũng đóng góp lớn vào giá trị gia tăng của cà phê Việt Nam. Đối với việc Chính phủ Việt Nam có đạt được mục tiêu xuất khẩu 30% lượng cà phê chế biến sâu thì đó là tầm nhìn 10 năm nữa, theo ước tính của tôi”.
Để tăng xuất khẩu cà phê chế biến cần có nhiều công ty đầu tư vào lĩnh vực này. Sự kiện LDC và Công ty Instanta hợp tác xây dựng nhà máy cà phê hòa tan tại Việt Nam, với tiềm lực của nhà đầu tư, mục tiêu xuất khẩu 30% cà phê chế biến của Bộ NN-PTNT có thêm động lực mới để có thể không trễ hạn đến 10 năm.
Cụ thể, ngày 24/8, LDC công bố việc ký kết thỏa thuận liên doanh với Instanta Sp. z o.o. (Instanta Việt Nam) – một trong những công ty cung cấp cà phê nhãn hiệu riêng toàn cầu, để xây dựng và vận hành nhà máy cà phê hòa tan sấy lạnh tại tỉnh Bình Dương.
Ông Julien Terrisse, Giám đốc mảng Cà phê hòa tan của LDC cho biết, liên doanh này mở rộng phạm vi hoạt động của LDC tại Việt Nam cũng như các hoạt động kinh doanh nhân cà phê Robusta toàn cầu, mở rộng danh mục cà phê và góp phần giải quyết nhu cầu cà phê hòa tan chất lượng cao đang ngày càng gia tăng trên thị trường. Sự kiện này thể hiện một bước tiến tích cực khác trong chiến lược của LDC nhằm đẩy mạnh việc hội nhập theo chiều dọc và đa dạng hóa doanh thu thông qua các sản phẩm giá trị gia tăng.
Thành lập từ năm 1851, LDC là công ty kinh doanh chế biến nông sản hàng đầu và hoạt động tại hơn 100 quốc gia, gồm sáu khu vực địa lý và tám nền tảng kinh doanh chính với danh mục đầu tư xuyên suốt là những nhóm nông sản chính như ngũ cốc và hạt có dầu, cà phê, bông, nước trái cây, gạo, đường. LCD chính thức đầu tư vào Việt Nam năm 1999.
“Chiến lược của LDC là làm việc với các đối tác có năng lực và chuyên môn cộng hưởng, có cùng tầm nhìn và cam kết về sản xuất bền vững để cùng phát triển, phát huy chuỗi giá trị và đáp ứng tối đa nhu cầu khách hàng. Liên doanh sẽ hoạt động dưới tên pháp nhân ILD Coffee Việt Nam. Dự kiến, nhà máy sẽ được khởi công xây dựng vào đầu năm 2022”, ông Thomas Couteaudier, Giám đốc Chiến lược LDC cho biết.
Tập đoàn Instanta được thành lập vào năm 2001 và chính thức có mặt tại Việt Nam từ năm 2021. Instanta là một trong những nhà cung cấp cà phê hòa tan nhãn hàng riêng hàng đầu tại Châu Âu. Tập đoàn Instanta đang vận hành 7 nhà máy đặt tại Ba Lan, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Colombia và Việt Nam. Các sản phẩm của Instanta được tiêu thụ tại hơn 100 quốc gia trên thế giới.
Nguồn: Nhịp sống doanh nghiệp