Lào Cai đặt mục tiêu giá trị sản xuất công nghiệp trên 46.000 tỷ đồng

Các lĩnh vực khai thác, chế biến sâu trong sản xuất công nghiệp như luyện đồng, thủy điện, Apatit được kỳ vọng sẽ đóng góp quan trọng vào giá trị gia tăng cho sản xuất công nghiệp chung của tỉnh.

Lao Cai dat muc tieu gia tri san xuat cong nghiep tren 46.000 ty dong hinh anh 1

Sản xuất đồng tại phân xưởng điện phân thuộc Dự án mở rộng nâng công suất Nhà máy luyện đồng Lào Cai. (Ảnh: Hồng Ninh/TTXVN)

Năm 2022, tỉnh Lào Cai đã đặt mục tiêu giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 46.000 tỷ đồng, cao hơn năm 2021 gần 5.000 tỷ đồng.

Để hoàn thành mục tiêu này, tỉnh Lào Cai đã đã đề ra có nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp duy trì ổn định sản xuất và khởi công, đưa vào hoạt động thêm một số dự án mới về sản xuất công nghiệp tại địa phương.

Theo ông Hoàng Chí Hiền, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lào Cai, một số lĩnh vực khai thác, chế biến sâu trong sản xuất công nghiệp như luyện đồng, tuyển đồng, thủy điện, khai thác Apatit, sắt… tiếp tục là các lĩnh vực có sự ổn định và phát triển tốt trên địa bàn tỉnh.

Đây là những đơn vị sản xuất công nghiệp trọng điểm theo hướng chế biến sâu tại Lào Cai. Việc khai thác và chế biến sâu các loại khoáng sản được kỳ vọng sẽ đóng góp quan trọng vào giá trị gia tăng cho sản xuất công nghiệp chung trên địa bàn.

Tại Nhà máy Luyện đồng số 2, thuộc Tổng công ty Khoáng sản Việt Nam, chủ đầu tư dự án đặt mục tiêu phải kiểm soát tốt các quy trình công nghệ để sản xuất ra 18.000 tấn đồng catot thành phẩm.

Ngay từ đầu năm 2022, công ty xây dựng các phương án đảm bảo nguyên, vật liệu và các chuỗi cung ứng không bị đứt gãy trong quá trình sản xuất.

Nhanh chóng làm chủ các thiết bị của nhà máy, tập trung các giải pháp, sáng kiến trong sản xuất, kinh doanh.

Tại Chi nhánh Mỏ tuyển đồng Sin Quyền Lào Cai, tập thể cán bộ, công nhân chi nhánh mỏ tuyển đã ra quân làm việc với quyết tâm cao ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2022 để hoàn thành nhiệm vụ đề ra.

Để phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp tăng trưởng trong năm 2022, tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo tiếp tục tập trung các giải pháp phòng chống dịch COVID-19 để duy trì ổn định hoạt động sản xuất tại các khu, cụm công nghiệp.

Tiếp tục thực hiện Kế hoạch số 157-KH/TU ngày 24/7/2018 của Tỉnh ủy Lào Cai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; trong đó, tập trung chỉ đạo phát triển chế biến sâu các sản phẩm từ kim loại đồng, thép, hóa chất cơ bản.

Ưu tiên, hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ; công nghiệp chế biến nông lâm sản, dược liệu, sản xuất sản phẩm phục vụ khách du lịch.

Tỉnh đẩy mạnh các hoạt động ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất kinh doanh. Bám sát tình hình hoạt động của các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn, định hướng phát triển phù hợp, uốn nắn điều chỉnh các sai sót vi phạm và kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc để duy trì năng lực sản xuất đóng góp ổn định vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Đôn đốc đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án công nghiệp đang triển khai, kiên quyết thu hồi các dự án chậm tiến độ do lỗi chủ quan của nhà đầu tư để giao cho đơn vị khác đủ năng lực để phát huy hiệu quả của dự án.

Thực hiện tốt việc quy hoạch khai thác, chế biến một số khoáng sản có trữ lượng lớn là tiềm năng thế mạnh của tỉnh là apatit, sắt, đồng.

Đảm bảo nguồn cung lâu dài ổn định cho chế biến tại chỗ và sử dụng tài nguyên khoáng sản tiết kiệm, hiệu quả. Thu hút các nhà đầu tư và tập trung nguồn lực đầu tư hình thành các khu, cụm công nghiệp nhằm đón đầu làn sóng dịch chuyển đầu tư của các nước từ Trung Quốc sang và dịch chuyển đầu tư do tác động của các hiệp định mà Việt Nam đã ký kết.

Ngoài ra, tỉnh Lào Cai cũng triển khai nhiều giải pháp xúc tiến đầu tư, kêu gọi các thành phần kinh tế đầu tư hạ tầng kỹ thuật để tạo mặt bằng sạch đón nhận các dòng vốn, các dự án trong và ngoài nước, góp phần quan trọng để sản xuất công nghiệp Lào Cai bứt phá mạnh mẽ trong năm 2022.

Theo báo cáo của ngành công thương Lào Cai, giá trị sản xuất công nghiệp năm 2021 của địa phương này đạt 41.200 tỷ đồng, tăng 11,2% so với năm 2020. Trong đó, các lĩnh vực có sự tăng trưởng tốt là luyện đồng, mỏ tuyển đồng, các nhà máy thủy điện…/.

Nguồn: vietnamplus.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Quảng cáo