Kinh Bắc sắp làm một KCN mới tại Hậu Giang, quy mô 380 ha với tổng vốn hơn 5.500 tỷ đồng

Các tỉnh Hậu Giang, Tiền Giang,… từng được CEO Kinh Bắc tiết lộ là các “miền đất mới” mà Kinh Bắc đang nhắm đến, với định hướng thu hút những doanh nghiệp công nghệ truyền thống, không ô nhiễm môi trường.

Hội đồng quản trị (HĐQT) Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc – CTCP (mã chứng khoán: KBC) vừa thông qua việc phê duyệt quyết định đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Sông Hậu 2.

Dự án có quy mô khoảng 380 ha, nằm tại thị trấn Mái Dầm và xã Phú Hữu, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang. Thời gian hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày được giao đất, cho thuê đất

Tổng vốn đầu tư dự án là gần 5.570 tỷ đồng, trong đó, chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật là gần 3.442 tỷ đồng, chi phí đền bù giải phóng mặt bằng là hơn 2.128 tỷ đồng.

Nguồn vốn đầu tư bao gồm vốn chủ sở hữu 835,47 tỷ đồng, còn lại 4.734,35 tỷ đồng là vốn vay. Tiến độ góp vốn và huy động vốn sẽ theo tiến độ thực hiện dự án.

Cụ thể tiến độ dự án theo kế hoạch, dự kiến từ tháng 10 – 12/2023, công ty sẽ thực hiện thủ tục xin chấp thuận/quyết định chủ trương đầu tư. Từ tháng 1 – 9/2024, thực hiện đo đạc, khảo sát địa chất; kiểm đếm, lập và phê duyệt phương án đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư.

Từ tháng 10/2024 – 6/2025, thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư, thực hiện thủ tục giao đất, cho thuê đất; thiết kế cơ sở; lập thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, báo cáo nghiên cứu khả thi; các thỏa thuận chuyên ngành; cấp phép xây dựng (nếu có).

Từ tháng 7/2025 – 12/2026, thi công xây dựng kết cấu hạ tầng và các công trình hạ tầng kỹ thuật. Từ tháng 6/2026, chủ đầu tư sẽ bắt đầu cho thuê lại đất/nhà xưởng.

Kế hoạch đầu tư xây dựng khu công nghiệp tại tỉnh Hậu Giang này từng được Tổng Giám đốc kiêm Thành viên HĐQT Kinh Bắc, bà Nguyễn Thị Thu Hương tiết lộ tại Đại hội đồng cổ đông thường niên của Kinh Bắc hồi đầu năm nay. Khi đó, bà Hương gọi Hậu Giang, Tiền Giang,… là các “miền đất mới” mà Kinh Bắc đang nhắm đến.

Cũng theo bà Hương, định hướng ban đầu của Kinh Bắc tại các địa phương này là thu hút những doanh nghiệp công nghệ truyền thống, không ô nhiễm môi trường, tạo công ăn việc làm và tạo nguồn thu cho ngân sách địa phương.

Trước Hậu Giang, Kinh Bắc đã đầu tư xây dựng khu công nghiệp tại một tỉnh miền Tây Nam Bộ khác là Long An, với Khu công nghiệp Tân Lập (huyện Cần Giuộc, quy mô 654 ha, vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng) và Khu công nghiệp Lộc Giang (huyện Đức Hòa, quy mô 466 ha, vốn đầu tư gần 5.200 tỷ đồng). Cả hai dự án này đều đã được tỉnh Long An trao quyết định chủ trương đầu tư vào ngày 22/11/2022.

Trong đó, riêng đối với Khu công nghiệp Tân Lập, theo thông tin của Chứng khoán Vietcombank (VCBS), dự án này là một trong những dự án công nghiệp trọng điểm của Kinh Bắc trong 3 – 5 năm tới, dự kiến có thể bắt đầu thu hút đầu tư từ năm 2024.

Nguồn: vietnammoi.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Quảng cáo