Hải Phòng: Những thách thức ‘khó vượt’ trong thu hút đầu tư vào khu công nghiệp

Theo báo cáo của Ban Quản lý khu kinh tế Hải Phòng, giai đoạn 2015-2020, thành phố đã thu hút được gần 9 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và trên 106 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư trong nước (DI). Doanh thu từ các doanh nghiệp đạt 52,5 tỷ USD, mang về cho ngân sách trên 43 nghìn tỷ đồng và giải quyết việc làm cho gần 158 nghìn lao động.

Một góc của khu công nghiệp Nam Cầu Kiền

Giai đoạn 2021 -2025, Hải Phòng đặt ra mục tiêu thu hút được 12,5 – 15 tỷ USD, tuy nhiên, nếu địa phương này không giải được những “bài toán khó” thì mục tiêu trên sẽ chỉ là những con số mang tính dự toán và kỳ vọng.

Thiếu đất thương phẩm cho nhà đầu tư thứ cấp

Theo thống kê, đến thời điểm hiện tại, tổng diện tích các khu công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn Hải Phòng là 4.937ha, trong đó có 1.975ha là diện tích lấn biển, tỷ lệ lấp đầy trung bình đạt 62,5%.

Tuy nhiên, trên thực tế, diện tích “đất sạch” có thể thu hút đầu tư chỉ còn khoảng gần 188ha. Số diện tích này lại nằm rải rác, xen kẹt trong các khu, rất khó thu hút được nhà đầu tư cần diện tích lớn.

Ông Lê Trung Kiên – Trưởng Ban Quản lý khu kinh tê Hải Phòng, cho biết phần diện tích chưa được lấp đầy (khoảng 37,5% của 4.937 ha) tại 12 khu công nghiệp đã được cấp phép đa phần là do chưa có mặt bằng sạch nên chưa có đất thương phẩm để bàn giao cho nhà đầu tư. Trong đó bao gồm khoảng 700 ha diện tích mặt biển chưa được san lấp và phần diện tích đất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản…đã được quy hoạch nhưng chưa giải phóng được mặt bằng (GPMB).

Có thể kể đến: khu công nghiệp cảng cửa ngõ quốc tế (Deep – C3) có diện tích được giao là 526,8ha nhưng vẫn còn 214 ha chưa GPMB; khu công nghiệp Nam Cầu Kiền còn 133,5/263,5ha chưa GPMB; khu công nghiệp VSIP Hải Phòng còn 114,4/507,6ha chưa GPMB…

Nguyên nhân của tình trạng trên một phần là do các chủ đầu tư KCN vừa làm vừa chờ tín hiệu của các nhà đầu tư thứ cấp mới quyết liệt triển khai GPMB, một phần khác là do công tác thỏa thuận với người dân trong việc đền bù giá trị đất, tài sản trên đất và xây dựng khu tái định cư cho các hộ dân di dời…

Theo ông Phạm Văn Hậu – Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Thủy Nguyên – Hải Phòng, việc xây dựng khung giá đền bù cho các hộ dân tại khu công nghiệp VSIP gặp khó khăn do do giá đất thị trường biến động nhanh dẫn đến sự chênh lệch lớn giữa giá thị trường và giá quy định của thành phố. Ngoài ra, do các hợp đồng giao dịch mua bán đất dân sự thường để con số thấp hơn thị trường nên cơ quan chức năng rất khó có cơ sở đề xuất mức, khung giá phù hợp.

Bên cạnh đó, việc Hải Phòng vẫn đang áp dụng đơn giá đền bù vật liệu, kiến trúc trên đất từ năm 2015 (quyết định 324/2015/QĐ-UBND) là điểm bất hợp lý với bối cảnh hiện nay do giá vật liệu, nhân công tăng cao so với thời điểm ban hành, hoặc việc áp dụng hỗ trợ các hộ dân 12.000 đồng/m2 tại diện tích nuôi trồng thủy sản được cho là quá thấp… Đây là những rào cản làm chậm tiến độ trong GPMB tại các khu công nghiệp.

Nguy cơ thiếu nguồn nhân lực

Theo thống kê, tỷ lệ tăng dân số bình quân giai đoạn 2011-2021 của Hải Phòng là 0,94%/năm. Số lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong các ngành kinh tế là 1.075,7 nghìn người, chiếm tỷ lệ 52,38% tổng số dân và chiếm 97,87% so với tổng số lực lượng lao động. Như vậy, gần như đại đa số người dân tại Hải Phòng hiện nay đều đang có việc làm, mà tỷ lệ tăng dân số chưa được 1% /năm thì việc đáp ứng nhu cầu về nhân lực cho các dự án tiếp theo sẽ là một thách thức lớn.

Theo thông tin từ Ban Quản lý khu kinh tế Hải Phòng, trong 6 tháng cuối năm 2021, dự kiến Tập đoàn LG sẽ tăng vốn thêm 1 tỷ USD, Công ty TNHH Flat Việt Nam tăng 75 triệu USD… Việc mở rộng quy mô sản xuất đòi hỏi cần thêm nhân lực để vận hành. Chỉ tính riêng dự án của Pegatron Việt Nam đang đầu tư vào khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 1 tỷ USD, khi đi vào hoạt động cũng cần tới khoảng 22 nghìn lao động.

Nhìn rộng ra, chỉ 62,5% trong tổng số 4.937ha diện tích của 12 khu công nghiệp tại Hải Phòng đang hoạt động hiện nay đã phải cần tới trên 160 nghìn lao động thì số lượng nhân lực để đáp ứng cho diện tích còn lại và diện tích của một số khu công nghiệp mới mà Hải Phòng đang triển khai là vô cùng lớn. Các khu công nghiệp mới này gồm: khu công nghiệp Xuân Cầu, khu công nghiệp Nam Tràng Cát, khu công nghiệp Tiên Thanh – Tiên Lãng, khu công nghiệp Tràng Duệ mở rộng …với diện tích hàng nghìn ha.

Theo TS Nguyễn Văn Thắng – Hiệu trưởng Trường Trung cấp khu kinh tế Hải Phòng, việc thu hút được lực lượng lao động ngoại tỉnh hiện nay cũng rất khó khăn do các địa phương lân cận như Quảng Ninh, Thái Bình, Hải Dương cũng có khu công nghiệp và khu kinh tế.

Rõ ràng, để giải những bài toán trên, Hải Phòng cần xây dựng 1 môi trường đủ sức hấp dẫn không chỉ với nhà đầu tư mà đối với cả người lao động, cần sàng lọc để chọn thu hút các dự án công nghệ cao, cần ít nhân lực nhưng có giá trị gia tăng cao, chú trọng công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Tại buổi làm việc với Ban Quản lý khu kinh tế Hải Phòng, ông Trần Lưu Quang – Bí thư Thành ủy Hải Phòng, nói cả hệ thống chính trị cần coi nhiệm vụ đặt ra là việc của chính mình, các cấp, các ngành thực sự phải là chỗ dựa tin cậy của nhà đầu tư và của người dân.

Kế hoach cũng là mục tiêu Hải Phòng đặt ra, trong 5 năm tới sẽ thu hút 15 tỷ USD vào các khu công nghiệp, tuy nhiên để tiến tới mục tiêu này, Hải Phòng vẫn còn cả lộ trình dài trước mặt.

Nguồn: baomoi.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Quảng cáo