Hà Nội sẽ quy hoạch thị trấn mới của huyện Gia Lâm

Hà Nội sẽ quy hoạch thị trấn mới của huyện Gia Lâm, trước mắt là Trung tâm du lịch văn hóa lịch sử, hỗ trợ và đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội, phát huy tiềm năng theo hướng du lịch văn hóa – dịch vụ, góp phần nâng cao đời sống kinh tế của nhân dân.

Mới đây, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 3672/QĐ-UBND về việc giao nhiệm vụ tổ chức lập đồ án Điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung khu vực thị trấn Phù Đổng, huyện Gia Lâm đến năm 2030, tỉ lệ 1/5.000 tại ô quy hoạch A-3.

Cụ thể, UBND thành phố giao UBND huyện Gia Lâm là đơn vị tổ chức lập đồ án Điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung khu vực thị trấn Phù Đổng, huyện Gia Lâm đến năm 2030, tỉ lệ 1/5.000 tại ô quy hoạch A-3, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm bằng nguồn vốn ngân sách huyện.

UBND huyện Gia Lâm có trách nhiệm bố trí kinh phí tổ chức lập đồ án; tổ chức thẩm định, phê duyệt dự toán theo quy định; chủ trì, phối hợp cùng Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội và các sở ngành thành phố có liên quan tổ chức lập đồ án theo đúng quy trình, quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị và các quy định pháp luật có liên quan; trình UBND TP Hà Nội xem xét, phê duyệt.

Sở Quy hoạch – Kiến trúc có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc và theo dõi việc tổ chức lập Điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung khu vực thị trấn Phù Đổng, huyện Gia Lâm đến năm 2030, tỉ lệ 1/5.000 tại ô quy hoạch A-3, báo cáo UBND TP Hà Nội kết quả thực hiện và các vấn đề đột xuất, phát sinh cần xin ý kiến chỉ đạo.

Quy hoạch chung khu vực thị trấn Phù Đổng tới năm 2030, tỉ lệ 1/5000 đã được thành phố phê duyệt từ năm 2016, có phạm vi ranh giới phía Đông giáp đất nông nghiệp xã Trung Mầu; phía Tây giáp đường Vành đai 3 (Quốc lộ 1A mới Hà Nội – Lạng Sơn); phía Nam giáp sông Đuống và địa giới hành chính xã Cổ Bi; phía Bắc giáp xã Ninh Hiệp và khu công nghiệp VSIP Tỉnh Bắc Ninh.

Trên cơ sở tổng hợp quy hoạch sử dụng đất và định hướng các khu vực chức năng trong thị trấn Phù Đổng, đồ án chia khu vực nghiên cứu thành 2 khu quy hoạch: Khu vực xây dựng đô thị (Khu A) có tổng diện tích là 181ha, được phân thành 4 ô quy hoạch có thứ tự từ A-1 đến A-4.

Khu vực ngoài phạm vi xây dựng đô thị (Khu B) có tổng diện tích 702,25ha, được phân chia thành 2 khu vực: Khu B-1 (nằm trong đê sông Đuống) có tổng diện tích là 317,62ha với chức năng chính là khu vực dự trữ phát triển đô thị. Bao gồm 3 ô đất quy hoạch có thứ tự từ B-1.1 đến B-1.3. Còn khu B-2 (nằm ngoài đê sông Đuống) có tổng diện tích là 384,63ha. Việc triển khai đầu tư xây dựng dự án tại khu vực này thực hiện theo Luật Đê điều và Quyết định số 257/QĐ-TTg ngày 18/2/2016 của Thủ tướng Chính phủ.

Được biết, UBND huyện Gia Lâm đã trình TP Hà Nội đề án thành lập quận với 16 phường, trên cơ sở hình thành từ 22 đơn vị hành chính (2 thị trấn và 20 xã).

Huyện Gia Lâm có diện tích 116 km2, dân số 310.000 người.

Trên cơ sở 22 đơn vị hành chính hiện nay, quận Gia Lâm sau khi thành lập sẽ có 16 phường. Một số xã bị sáp nhập do không đạt tiêu chí diện tích tự nhiên (5,5 km2 trở lên) và dân số (15.000 người trở lên) để thành lập phường theo quy định.

Sau khi sáp nhập, quận Gia Lâm còn 16 phường gồm: Trâu Quỳ, Đa Tốn, Kiêu Kỵ, Ninh Hiệp, Yên Thường, Cổ Bi, Đặng Xá, Dương Xá, Dương Quang, Lệ Chi, Yên Viên, Phù Đổng, Thiên Đức, Phú Sơn, Bát Tràng, Kim Đức.

Nguồn : moitruongvadothi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Quảng cáo