Gia Lai kêu gọi doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng tái tạo

Tỉnh Gia Lai kêu gọi doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư các dự án phát triển công nghiệp chế biến sâu, công nghiệp năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh.
Kêu gọi đầu tư vào công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng tái tạo
Ngày 22/5, UBND tỉnh Gia Lai tổ chức hội thảo “Tiềm năng và cơ hội hợp tác đầu tư giữa Gia Lai và các địa phương Nhật Bản”.
Hội thảo nhằm tìm kiếm, thúc đẩy cơ hội hợp tác đầu tư, thương mại giữa tỉnh Gia Lai và các doanh nghiệp Nhật Bản
Hội thảo nằm trong khuôn khổ chương trình “Gặp gỡ Gia Lai – Nhật Bản 2022” nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến sâu – sản xuất theo chuỗi giá trị, công nghiệp năng lượng tá tạo và du lịch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 – 2025.
Thông tin tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai – ông Hồ Phước Thành đã giới thiệu các tiềm năng, lợi thế của tỉnh Gia Lai như đất đai trù phú màu mỡ, khí hậu mát mẻ; tiềm năng phát triển năng lượng mặt trời, điện gió….
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 4 dự án cấp quốc gia tại tỉnh Gia Lai kêu gọi vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong giai đoạn 2021-2025 gồm: Đường cao tốc Quốc lộ 19, Khu du lịch sinh thái Ayun Hạ, Khu du lịch Biển Hồ-Chư Đăng Ya và Dự án Khu Nông nghiệp công nghệ cao.
Từ những tiềm năng, lợi thế trên, tỉnh Gia Lai kêu gọi các nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư vào các lĩnh vực thế mạnh của tỉnh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các dịch vụ nông nghiệp, công nghiệp chế biến sâu, công nghiệp năng lượng tái tạo và du lịch – các trụ cột kinh tế của tỉnh tỉnh Gia Lai trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội thời kỳ 2020 – 2030.
Lãnh đạo tỉnh Gia Lai cũng cam kết sẽ tạo môi trường đầu tư minh bạch, thuận lợi, đơn giản hóa hơn nữa các thủ tục hành chính, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), cũng như luôn đồng hành, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo mọi điều kiện thuận lợi hơn nữa để các thành phần kinh tế, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh cũng như doanh nghiệp nước ngoài phát triển.
Kết nối doanh nghiệp Nhật Bản với doanh nghiệp tỉnh Gia Lai
Theo ông Shimonishi Kiyoshi – Phó Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại thành phố Đà Nẵng, hiện các doanh nghiệp Nhật Bản đang nhập khẩu những sản phẩm như hạt tiêu, cà phê, cao su từ tỉnh Gia Lai. Hỗ trợ khu vực Tây Nguyên, trong đó có tỉnh Gia Lai trong việc nâng cao chất lượng nông sản, Chính phủ Nhật Bản đã và đang triển khai dự án “”Nâng cao năng lực phát triển nông nghiệp và nông thôn có sự tham gia của người dân nhằm xóa nghèo ở khu vực Tây Nguyên”.
Nhận định về cơ hội hợp tác, đầu tư giữa các địa phương, doanh nghiệp Nhật Bản với tỉnh Gia Lai, ông Shimonishi Kiyoshi cho rằng ngoài lĩnh vực nông nghiệp, vẫn còn nhiều dư địa, tiềm năng hợp tác giữa hai bên. Phó Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại thành phố Đà Nẵng kỳ vọng thông qua hội thảo sẽ thúc đẩy giao thương, hợp tác đầu tư giữa doanh nghiệp Nhật Bản với các đơn vị, doanh nghiệp tỉnh Gia Lai.
Từng bước hoàn thiện sản phẩm để “chính phục” thị trường Nhật Bản
Với thế mạnh nông sản, Gia Lai hiện có hệ thống hơn 200 sản phẩm nông sản được công nhận là sản phẩm OCOP. Các sản phẩm này đang không ngừng hoàn thiện mẫu mã, chất lượng sản phẩm để đủ sức cạnh tranh tại thị trường trong nước và hướng ra xuất khẩu.
Ký kết hợp tác chiến lược giữa Sở Ngoại vụ tỉnh Gia Lai – Trung tâm Dịch vụ Đối ngoại & Hội nghị quốc tế – Trung tâm giao lưu Nhật – Việt
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết, mặc dù phần lớn doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là doanh nghiệp nhỏ, tuy nhiên, cũng đã có những doanh nghiệp sản xuất hàng hoá đạt tiêu chuẩn Châu Âu như cà phê (Công ty TNHH Vĩnh Hiệp), chanh leo (Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao). Đây là những doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam xuất khẩu ra thị trường châu Âu sau khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực.
Thừa nhận năng lực cạnh tranh của các sản phẩm và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn hạn chế, trong khi thị trường Nhật Bản là một thị trường “khó tính” với nhiều tiêu chuẩn khắt khe, nhất là đối với các mặt hàng nông sản, thực phẩm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa thể có ngay những đơn hàng lớn, mà đi từng bước. Trong đó, điều kiện tiên quyết là phải đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, hoàn thiện dần quy trình sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn sản phẩm và “chinh phục” thị trường Nhật Bản.
“Thông qua hội thảo, tỉnh Gia Lai kỳ vọng doanh nghiệp hai bên sẽ có những bước tiến xa hơn, biến những cơ hội thành những dự án hành động hợp tác cụ thể, hiệu quả, góp phần thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam – Nhật Bản ngày càng phát triển”, ông Hồ Phước Thành nói.
Ký kết ghi nhớ hợp tác giữa doanh nghiệp Nhật Bản với doanh nghiệp tỉnh Gia Lai
Trong khuôn khổ hội thảo đã diễn ra lễ ký kết hợp tác chiến lược giữa Sở Ngoại vụ tỉnh Gia Lai – Trung tâm Dịch vụ Đối ngoại & Hội nghị quốc tế – Trung tâm giao lưu Nhật – Việt; Lễ ký kết hợp tác, ghi nhớ giữa các doanh nghiệp tỉnh Gia Lai và doanh nghiệp Nhật Bản.
Nguồn: stockbiz.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Quảng cáo