Đề xuất đầu tư Khu công nghiệp Phú Mỹ 3 Cần Thơ IP diện tích 600 ha

CTCP Thanh Bình Phú Mỹ đề xuất làm khu công nghiệp Phú Mỹ 3 Cần Thơ IP khoảng 600 ha (thuộc quy hoạch Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh giai đoạn 2 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt); trong đó, có hơn 505 ha đất nông nghiệp.

Chiều 21/8, lãnh đạo UBND thành phố Cần Thơ làm việc với CTCP Thanh Bình Phú Mỹ nghe báo cáo nghiên cứu đầu tư dự án khu công nghiệp tại huyện Vĩnh Thạnh.

Tại buổi làm việc, ông Tạ Quốc Bảo, Phó Tổng Giám đốc CTCP Thanh Bình Phú Mỹ cho biết, ngày 3/8/2023, CTCP Thanh Bình Phú Mỹ có văn bản số gửi Thường trực Thành uỷ Cần Thơ, UBND TP Cần Thơ và Ban Quản lý các Khu chế xuất và khu công nghiệp Cần Thơ xin chấp thuận nghiên cứu đề xuất thực hiện đầu tư dự án khu công nghiệp tại TP Cần Thơ, cụ thể là Khu công nghiệp Phú Mỹ 3 Cần Thơ IP với quy mô 600 – 800 ha tại huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ.

Sau khi tìm hiểu và khảo sát thực tế, công ty đề xuất diện tích đất thu hồi ban đầu để làm dự án Khu công nghiệp Phú Mỹ 3 Cần Thơ IP khoảng 600 ha (thuộc quy hoạch Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh giai đoạn 2 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt); trong đó, có hơn 505 ha đất nông nghiệp.

Theo ông Tạ Quốc Bảo, qua nghiên cứu, hiện có một số khó khăn khi triển khai đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp tại huyện Vĩnh Thạnh. Cụ thể, dự án tiếp giáp với tuyến đường cao tốc Rạch Sỏi – Lộ Tẻ nhưng không đấu nối được, hiện tại chỉ tiếp cận dự án thông qua hai tuyến đường là tuyến đường huyện 47 ra Quốc lộ 80 và tuyến đường huyện 46 ra Quốc lộ 91. Tuy nhiên, các tuyến đường huyện này hiện tại có chiều rộng khoảng 7m nên chỉ đáp ứng được lưu lượng xe trong quá trình triển khai thi công. Khi dự án đi vào hoạt động thì các tuyến đường trên không đáp ứng được lưu lượng xe vận chuyển hàng hoá ra vào khu công nghiệp.

Do đó, công ty kiến nghị thành phố có kế hoạch sớm triển khai các dự án đường giao thông như đường nối Quốc lộ 91 – Lộ Tẻ và tuyến đường tỉnh 921B để dự án có thể kết nối với giao thông bên ngoài cũng như bổ sung quy hoạch đường ống dẫn khí từ quận Ô Môn về huyện Vĩnh Thạnh để phục vụ cho khu công nghiệp.

Một khó khăn khác được nhà đầu tư nêu ra là nguồn vật liệu san lấp nền phục vụ thi công hạ tầng khu công nghiệp hiện đang thiếu. Đây là vấn đề then chốt và ảnh hưởng rất lớn đến tính khả thi cũng như hiệu quả của dự án. Theo báo cáo của công ty, khối lượng san lấp mặt bằng khá lớn, dự kiến cần khoảng từ 15 đến 18 triệu m3 cát. Công ty đề nghị UBND thành phố xem xét cho sử dụng nguồn vật liệu cát nhiễm mặn để san lấp mặt bằng.

Bên cạnh đó, điều kiện tự nhiên của vùng đất dự kiến phát triển khu công nghiệp có địa hình thấp và hệ thống các kênh rạch rất nhiều, đặc biệt là địa chất rất yếu, khối lượng san lấp lớn nên việc thi công san lấp mặt bằng, xử lý nền hạ và hạ tầng kỹ thuật của khu công nghiệp cần rất nhiều thời gian để xử lý nền được ổn định.

Để đẩy nhanh tiến độ công việc, lãnh đạo Công ty cổ phần Thanh Bình Phú Mỹ kiến nghị UBND thành phố Cần Thơ cho phép công ty thực hiện Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Phú Mỹ 3 Cần Thơ IP trình Sở Xây dựng thẩm định và UBND thành phố phê duyệt để làm cơ sở xin chấp thuận chủ trương đầu tư cho Dự án.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ Dương Tấn Hiển đánh giá cao kết quả nghiên cứu sâu và khảo sát của CTCP Thanh Bình Phú Mỹ đối với dự án khu công nghiệp 600 ha tại huyện Vĩnh Thạnh.

Theo ông Dương Tấn Hiển, là thành phố loại 1 trực thuộc Trung ương, trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhưng diện tích đất nông nghiệp của Cần Thơ còn rất lớn. Việc có thêm một khu công nghiệp có ý nghĩa lớn đối với thành phố, tạo công ăn việc làm cho người dân, tăng nguồn thu ngân sách, giúp chuyển đổi kinh tế của thành phố từ nông nghiệp sang công nghiệp, thương mại – dịch vụ.

Ông Dương Tấn Hiển đề nghị Công ty cổ phần Thanh Bình Phú Mỹ khẩn trương đề xuất dự án bằng văn bản chính thức để UBND thành phố hỗ trợ lập hồ sơ trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các bộ, ngành Trung ương xem xét và trình Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án.

Khi có chủ trương đầu tư, thành phố sẽ giao cho nhà đầu tư thực hiện quy hoạch tỷ lệ 1/2000. Đồng thời, chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất, UBND huyện Vĩnh Thạnh hỗ trợ nhà đầu tư trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án. Hỗ trợ cung cấp điện, nước theo nhu cầu của nhà đầu tư.

Lãnh đạo UBND TP Cần Thơ cũng đề nghị, trong quá trình thực hiện, doanh nghiệp cần khẩn trương có văn bản chính thức để phối hợp với thành phố lập hồ sơ trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ ngành liên quan thẩm định, trình Chính phủ xin chủ trương đầu tư. Các sở, ngành, đơn vị liên quan tạo mọi điều kiện thuận lợi hỗ trợ cho doanh nghiệp tiến hành các bước theo quy định.

CTCP Thanh Bình Phú Mỹ được thành lập vào năm 2007, hiện là nhà đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3 tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3 là dự án khu công nghiệp kiểu mẫu nằm trong thoả thuận hợp tác và phát triển được ký kết giữa Việt Nam và Nhật Bản từ năm 2011. Với vị trí địa lý thuận lợi, cơ sở hạ tầng và dịch vụ quản lý đạt chuẩn quốc tế, các ưu đãi đầu tư cùng sự hỗ trợ từ Chính phủ hai nước, Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3 là vùng hấp dẫn phát triển công nghiệp đối với các nhà đầu tư. Hiện giai đoạn I của dự án với diện tích 375 ha đã thu hút được 39 dự án đầu tư, lấp đầy 90% diện tích. Giai đoạn 2 diện tích 600 ha đang xây dựng dự kiến cuối năm 2023 sẽ hoàn thành; trong đó, có 70% diện tích giai đoạn 2 đã có nhà đầu tư hạ tầng đăng ký giữ chỗ. Có đến 70% nhà đầu tư hoạt động trong Khu công nghiệp Chuyên sâu Phú Mỹ 3 đến từ Nhật Bản, còn lại là các nhà đầu tư từ Hàn Quốc, Mỹ, Đức, châu Âu, Thuỵ Sỹ…

Mới đây, vào ngày 15/8, Đoàn công tác của thành phố Cần Thơ do ông Nguyễn Văn Hiếu, Bí thư Thành ủy làm trưởng đoàn đã đến tham quan Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3 và nghe đại diện CTCP Thanh Bình Phú Mỹ giới thiệu về hoạt động của khu công nghiệp.

Nguồn : vietnammoi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Quảng cáo