Đầu tư hơn 250 triệu USD xây lại Chợ Sắt: Hé lộ tiềm lực nhà đầu tư đến từ Sài Gòn

(VNF) – Dự án Tổ hợp trung tâm thương mại tại Chợ Sắt là một công trình trọng điểm của Hải Phòng trong năm 2022. Công ty Cổ phần May – Diêm Sài Gòn là nhà đầu tư duy nhất đăng ký thực hiện dự án này.

Để thực hiện dự án Tổ hợp trung tâm thương mại tại Chợ Sắt, Công ty cổ phần May – Diêm Sài Gòn sẽ góp vốn 1.213 tỷ đồng (tương đương 52,3 triệu USD) và huy động thêm gần 4.847 tỷ đồng (tương đương 209,1 triệu USD). 

Theo kế hoạch, thời gian thi công công trình dự kiến kéo dài 36 tháng, hoàn thành và đưa vào hoạt động trong năm 2025.

Khi hoàn thiện, tổ hợp sẽ là địa điểm vui chơi giải trí, trung tâm thương mại, khu mua sắm đẳng cấp quốc tế, khu triển lãm, hội nghị… của TP. Hải Phòng. Cùng với phố Tam Bạc, phố Thế Lữ và các khu phố cũ xung quanh, công trình sẽ góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ, kinh tế đêm… của thành phố Cảng.

Phối cảnh dự án Tổ hợp Trung tâm thương mại Chợ Sắt 6.000 tỷ đồng.

Doanh thu trồi sụt liên tục

Công ty Cổ phần May – Diêm Sài Gòn tiền thân là nhà máy Diêm Bến Thủy ở Vinh (Nghệ An). Năm 1948, doanh nghiệp này được dời vào Sài Gòn sau đó đổi tên thành hãng Diêm SIFA, hoạt động kinh doanh chính về diêm.

Tháng 7/2004, DN lúc này mang tên là Công ty Diêm Hoà Bình (Bộ Công nghiệp) thực hiện cổ phần hóa lấy tên mới là Công ty cổ phần May – Diêm Sài Gòn. Công ty hiện tại đăng ký địa chỉ tại 346 Bến Vân Đồn, phường 1, quận 4, TP. Hồ Chí Minh. Đây là tòa cao ốc The Gold View do TNR phát triển, May – Diêm Sài Gòn chính là chủ đầu tư.

May – Diêm Sài Gòn đã trải qua rất nhiều lần thay đổi người đại diện trước pháp luật trong 5 năm trở lại đây. Năm 2021, Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện pháp luật của doanh nghiệp này là một doanh nhân 9x có tên Nguyễn Xuân Hoàng (sinh năm 1991). Hiện nay, May – Diêm Sài Gòn do bà Nguyễn Thị Cẩm Loan làm Chủ tịch HĐQT và bà Trương Nguyên Trang Thanh là đại diện pháp luật. 

Không chỉ liên tục thay người đại diện, hoạt động kinh doanh của May – Diêm Sài Gòn cũng trồi sụt liên tục. Sau giai đoạn 2016 – 2017 không ghi nhận doanh thu, công ty bất ngờ đạt mức doanh thu lên đến 5.256 tỷ đồng vào năm 2018. Chỉ một năm sau, con số này lại sụt giảm mạnh xuống còn 813 tỷ đồng và tiếp tục rơi sâu xuống chỉ còn 22 tỷ đồng vào năm 2020.

Quy mô tài sản của May – Diêm Sài Gòn cũng biến động lớn trong giai đoạn 2016 – 2020. Năm 2017, tổng tài sản của doanh nghiệp này tăng gần 21% lên đến 10.103 tỷ đồng mà không phát sinh doanh thu cũng như lợi nhuận. Ngay năm 2018 sau đó, quy mô của May – Diêm Sài Gòn đã thu hẹp đáng kể xuống còn 5.860 tỷ đồng tuy nhiên lại ghi nhận kết quả kinh doanh đột biến.

Tổng tài sản của doanh nghiệp bất động sản này tiếp tục giảm xuống 5.131 tỷ đồng vào cuối năm 2019 trước khi bất ngờ tăng vọt lên 10.222 tỷ đồng vào cuối năm vừa qua.

Chuyển qua BĐS và mối liên hệ với TNR

May – Diêm Sài Gòn hiện đã chuyển dần sang kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản. Trong các dự án của mình, May – Diêm Sài Gòn đều cho thấy mối liên hệ với TNR Holdings Vietnam với rất nhiều dự án mang thương hiệu TNR, triển khai hàng loạt dự án tại các thị trường mới nổi như Gia Lai, Thanh Hóa, Lạng Sơn…

Đến nay, kinh nghiệm làm bất động sản của May – Diêm Sài Gòn thể hiện qua nhiều dự án tại TP.HCM và các tỉnh thành trên cả nước. Trong đó phải kể đến dự án TNR The GoldView – khu phức hợp thương mại dịch vụ & căn hộ cao cấp tại số 346 Bến Vân Đồn, P.1, Q.4, TP Hồ Chí Minh.

Một số dự án tiêu biểu có thể kể đến như TNR Stars Bỉm Sơn tại phường Lam Sơn, Thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa với quy mô 26,82ha hay TNR Stars Đak Đoa có quy mô 128ha tại huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai; dự án khu dân cư thị trấn Vĩnh Bảo với tổng mức đầu tư hơn 783 tỷ đồng dự kiến thực hiện trong 36 tháng…

Tại dự án Dự án Khu đô thị phía Đông, thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn, May – Diêm Sài Gòn đầu tư thì TNG Holdings Việt Nam là nhà lập quy hoạch chi tiết 1/500 đã được phê duyệt tháng 11/2018.

Để đáp ứng yêu cầu dự án này, May – Diêm Sài Gòn đã chứng minh thu xếp được vốn chủ sở hữu 450 tỷ đồng. Phần vốn còn lại, May – Diêm Sài Gòn đã có cam kết cấp tín dụng của Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank) với giá trị 1.371 tỷ đồng.

TNG Holdings Việt Nam do vợ chồng bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường xây dựng và bà Hường từng giữ chức Chủ tịch HHĐQT. Trong khi đó, Maritime Bank do ông Trần Anh Tuấn chồng bà Hường làm Chủ tịch HĐQT là nhà tài trợ vốn cho nhiều dự án của May – Diêm Sài Gòn.

Ngay dự án lớn và thành công nhất của May – Diêm Sài Gòn là The GoldView cũng được Maritime Bank tài trợ vốn và TNR vận hành, quản lý với tên thương mại TNR The GoldView.

Số liệu báo cáo tài chính 3 năm gần đây cho thấy tỷ suất lợi nhuận gộp bình quân của May – Diêm Sài Gòn khoảng 25 – 30%, doanh thu 3 năm gần nhất đạt hơn 6.000 tỉ đồng. Tổng nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu khoảng 60 – 70%, chủ yếu là nợ ngắn hạn có chi phí thấp, điều kiện vay linh hoạt, do vậy, đây là cơ cấu vốn tương đối ổn định và ít rủi ro.

Ngoài ra, trong 3 năm trở lại đây, May – Diêm Sài Gòn đã sử dụng các khoản thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh để thanh toán toàn bộ gốc và lãi vay trái phiếu phát hành năm 2018 khi thực hiện dự án TNR The GoldView và các dự án khu đô thị phía Đông thị trấn Đồng Mỏ (huyện Chi Lăng); khu dân cư Nam Cổ Đam; Khu đô thị Ven sông Hội…

Đầu năm 2021, May – Diêm Sài Gòn đã tăng vốn chủ sở hữu thêm hơn 2.200 tỷ đồng. Việc tăng vốn chủ sở hữu, cũng như dự kiến phát hành thêm 500 – 700 tỷ đồng trái phiếu vào quý 3 – 4/2022 nằm trong kế hoạch đề ra đầu năm 2021 để triển khai các dự án mà May – Diêm Sài Gòn làm chủ đầu tư.

Nguồn tin: vietnamfinance.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Quảng cáo