Các tập đoàn điện gió hàng đầu thế giới tăng cường đầu tư tại Việt Nam và châu Á

Tiến trình thúc đẩy nền kinh tế không carbon tại châu Á đã tạo ra thời cơ không thể thuận lợi hơn để các công ty điện gió châu Âu tăng cường đầu tư vào thị trường này.

Với việc nhiên liệu hóa thạch đang vấp phải nhiều sự phản đối trên toàn cầu do gây ra tình trạng biến đổi khí hậu, ngày càng có nhiều quốc gia thúc đẩy tiến trình kinh tế không carbon. Cụ thể hơn là đầu tư vào công nghệ điện gió – một trong những nguồn năng lượng tái tạo quan trọng nhất.

Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu dự báo, công suất điện gió mới vào năm 2025 sẽ được bổ sung thêm 112 GW, nhiều hơn 21% so với năm 2020, hơn một nửa tới từ châu Á. Trước diễn biến này, các công ty điện gió tới từ châu Âu không thể bỏ qua thời cơ để tiến công vào một thị trường giàu tiềm năng.

Việt Nam đang bước vào thời kỳ bùng nổ năng lượng tái tạo. Ảnh: Nikkei
Việt Nam đang bước vào thời kỳ bùng nổ năng lượng tái tạo. Ảnh: Nikkei

Theo Nikkei, Công ty WPD có trụ sở tại Bremen (Đức) mới đây đã công bố một thỏa thuận hợp tác nhằm cung cấp hơn 1 GW năng lượng điện gió (tương đương với năng lượng từ một lò phản ứng hạt nhân) cho một công ty thuộc ngành công nghiệp bán dẫn tại Đài Loan. Ngoài ra, WPD cũng đang cố gắng thâm nhập vào thị trường năng lượng xanh Nhật Bản thông qua một dự án điện gió nằm ở ngoài khơi Nagasaki.

Equinor tới từ Na Uy cũng đang thương thảo một số dự án năng lượng xanh trên khắp Nhật Bản. Đáng chú ý nhất trong số này là trại điện gió công suất lớn được đặt tại bờ biển phía bắc của Hokkaido. Ngoài ra, họ cũng có thỏa thuận hợp tác với Công ty Korea East-West về một dự án điện gió tại Hàn Quốc.

“Thị trường năng lượng xanh tại châu Á có rất nhiều cơ hội, rất nhiều tiềm năng. Việc tầng đáy biển tại Nhật Bản có nhiều điểm tương đồng với Na Uy cũng giúp chúng tôi vô cùng tự tin trong việc xây dựng và vận hành kỹ thuật cho các dự án điện gió”, ông Lars Johannes Nordli, Phó chủ tịch Equinor châu Á, chia sẻ.

Không chỉ có các công ty tới từ châu Âu nhận ra cơ hội tới từ ngành công nghiệp năng lượng xanh, Chính phủ Nhật Bản cũng nhanh chóng thúc đẩy việc phát triển các dự án điện gió. Vào tháng 12 năm ngoái, Nhật Bản đã chọn gã khổng lồ Mitsubishi trở thành doanh nghiệp điều hành 3 dự án điện gió lớn nhằm đảm bảo an ninh năng lượng và giảm giá điện. Để thực hiện tầm nhìn này, Mitsubishi đã mua lại công ty năng lượng Enoco tới từ Hà Lan vào năm 2020. Với công nghệ điện gió của Enoco, giá điện mà Mitsubishi dự kiến sẽ chỉ rơi vào khoảng 11 – 16 yên (khoảng 3.000 đồng) cho mỗi 1 KWh. Đây thực sự là mức giá làm choáng váng các đối thủ cạnh tranh, khi họ cho rằng giá bán điện gió sẽ rơi vào khoảng 20 yên cho mỗi Kwh.

Ngoài tập trung vào thị trường trong nước, các công ty năng lượng châu Á cũng không ngồi yên để các đối thủ châu Âu chiếm lĩnh thị trường của mình. Theo đó, công ty Nhật Bản Mitsui O.S.L Lines đã đầu tư vào một vài dự án điện gió tại Đài Loan.

Việt Nam thu hút các dự án điện gió hàng chục tỉ USD

Trước đó, Ørsted – tập đoàn năng lượng bền vững hàng đầu thế giới đã chính thức ký kết biên bản ghi nhớ (MoU) với Tập đoàn T&T Group hợp tác chiến lược trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi tại Việt Nam. Theo cam kết này, Ørsted sẽ triển khai các dự án điện gió ngoài khơi đầu tư mới tại Bình Thuận và Ninh Thuận, với tổng công suất lắp đặt ước tính gần 10 GW và tổng giá trị đầu tư khoảng 30 tỉ USD (dự kiến được phân kỳ đầu tư trong thời gian 20 năm).

Cánh đồng điện gió ở Hướng Linh (Quảng Trị). Ảnh: Nguyễn Phúc
Cánh đồng điện gió ở Hướng Linh (Quảng Trị). Ảnh: Nguyễn Phúc

Gần đây, Tập đoàn Equinor của Na Uy cũng cho biết, đang muốn đầu tư và phát triển điện gió ngoài khơi ở Việt Nam vì cho rằng đây là một thị trường nhiều hứa hẹn. Hiện tại, Equinor đang xây dựng cánh đồng gió lớn nhất thế giới ngoài khơi Vương quốc Anh và rất mong muốn được đến Việt Nam.

Theo thông tin từ Tập đoàn UPC của Mỹ, tập đoàn này sẽ cùng đầu tư các dự án điện gió (trên bờ, gần bờ), điện mặt trời tại các tỉnh Ninh Thuận, Đắk Nông, Sóc Trăng, Bến Tre, Bạc Liêu, với tổng công suất ước tính gần 1.500 MW, tổng vốn đầu tư khoảng 2,5 tỉ USD. UPC được biết đến là nhà phát triển, sở hữu, vận hành các nhà máy năng lượng tái tạo hàng đầu thế giới, với hơn 20 năm kinh nghiệm trên toàn cầu trong việc tiên phong xây dựng các dự án năng lượng gió, mặt rời. Trong những năm qua, UPC đã đầu tư đưa vào vận hành các dự án điện gió, mặt trời có tổng công suất lắp đặt hơn 3.500 MW với giá trị đầu tư trên 5 tỉ USD và đang có kế hoạch phát triển lên đến hơn 5.000 MW.

Nguồn: baogialai.com.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Quảng cáo