BRC Việt Nam sắp rót 2.700 tỷ để ‘đập đi xây lại’ khu nghỉ dưỡng trên đường ven biển Cát Tiến – Đề Gi

Khu nghỉ dưỡng cao cấp và du lịch sinh thái Ban Mai nằm trên tuyến đường ven biển Bình Định, được Công ty TNHH Ban Mai (thuộc BRC Việt Nam) đầu tư từ năm 2011, đến nay đã xây dựng một số công trình nghỉ dưỡng. Sắp tới, chủ đầu tư sẽ chi hơn 2.700 tỷ đồng để phá dỡ toàn bộ công trình hiện hữu, xây mới 356 căn biệt thự và toà khách sạn cao 20 tầng.

Dự án 3 lần điều chỉnh quy hoạch

Công ty TNHH Ban Mai vừa lập một báo cáo liên quan đến Khu nghỉ dưỡng cao cấp và du lịch sinh thái Ban Mai tại xã Cát Hải, huyện Phù Cát, Bình Định. Dự án này được UBND tỉnh Bình Định cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vào cuối năm 2011, đến năm 2015 phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500.

Dự án sau đó đã được điều chỉnh quy hoạch vào các năm 2018 và 2020, tuy nhiên các đồ án đã có những bất cập. Một là cơ cấu quy hoạch chưa thực sự hài hòa; hai là loại hình kinh doanh khu lưu trú chưa đạt đến mức đáp ứng được nhu cầu của khách cao cấp, đặc biệt là khách nước ngoài; ba là số lượng và loại hình nhà ở còn đơn giản, số lượng ít nên chưa tận dụng được tiềm năng và vị thế của khu đất.  

Năm 2022, Công ty Ban Mai đã thực hiện điều chỉnh quy hoạch dự án, đồng thời được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thay đổi lần thứ 4. Hiện nay, dự án đang được xin điều chỉnh chủ trương đầu tư về mục tiêu, quy mô, tổng vốn đầu tư và tiến độ thực hiện.

Dự án Ban Mai có tổng diện tích khoảng 25,4 ha, nằm trong đồ án quy hoạch chung tỷ lệ 1/5.000 Khu vực phía Nam đầm Đề Gi, huyện Phù Cát đến năm 2035, thuộc quỹ đất quy hoạch đất phát triển du lịch biển.   

Phía đông khu đất dự án giáp bãi biển; phía tây giáp suối và đường nối đường ĐT.639; phía nam giáp đất đồi núi; phía bắc giáp bãi cát.

Sẽ phá dỡ toàn bộ công trình nghỉ dưỡng hiện tại

Về hiện trạng, khu vực này là khu vực ven đồi núi, có một bên là đồi núi, một bên là đất tương đối bằng phẳng (trồng dưỡng liễu, bãi cát).

Khu vực dự án có hướng dốc từ tây nam sang đông bắc, chia làm 2 khu vực địa hình đặc trưng. Khu vực giáp biển phía đông, đông bắc với cao độ tương đối thấp, bằng phẳng. Khu vực sườn đồi phía tây nam có độ dốc lớn, khoảng 30 – 40%, cao độ thay đổi lớn. Cao độ thấp nhất của dự án là 0,67 m và cao độ cao nhất là 85,25 m. Độ dốc trung bình toàn bộ địa hình là 21,68%.

Khu vực này có 1 suối chảy bắt nguồn từ lưu vực núi phía tây, chảy qua khu vực đất canh tác nông nghiệp và khu dân cư hiện trạng rồi đổ ra biển. Dòng chảy suối chủ yếu xuất hiện vào mùa mưa, mùa nắng dòng chảy nhỏ hoặc không có dòng chảy. 

Về hiện trạng kiến trúc, trong ranh giới dự án có 1 nhà tiếp đón, 1 villa cánh sen và 36 căn bungalow đã xây dựng năm 2018 – 2019 theo giấy phép xây dựng cấp năm 2018. Các công trình này sẽ được tháo dỡ toàn bộ khi triển khai xây dựng dự án. Bên trong dự án có các tuyến đường rộng 3,5 – 5 m. Các tuyến đường nội bộ này đều được tháo dỡ trong quá trình thi công xây dựng dự án.

Ở khu vực lân cận, hầu hết các nhà dân đều được xây dựng khang trang kiên cố, người dân sinh sống bằng nghề nông, ngư nghiệp, buôn bán tạp hóa tại,… đời sống người dân tương đối ổn định. Khi san lấp mặt bằng và xây dựng dự án thì các hộ dân tiếp giáp dự án ở phía tây bắc sẽ là đối tượng chịu ảnh hưởng chính bởi bụi, tiếng ồn.

Khu vực dự án có tuyến đường ven biển Cát Tiến –  Đề Gi (ĐT.639) kết nối với đường trục Khu kinh tế Nhơn Hội. Ngoài ra, khu vực dự án còn có tuyến đường đất hiện trạng nối từ đường ĐT.639 có chiều dài khoảng 900 m (mặt đường rộng khoảng 6 – 8 m) và tuyến đường quy hoạch ĐS21 chạy dọc bờ biển theo quy hoạch chung 1/5.000 khu vực nam đầm Đề Gi. 

Nhìn chung, cơ cấu hiện trạng sử dụng đất của dự án như sau: đất cây xanh cảnh quan 1,6 ha; công trình hiện trạng 0,5 ha; mặt nước 1,7 ha; rừng cây tạp, đồi núi 12,6 ha; cây bụi 2,9 ha; bãi cát 5 ha; đường bê tông hiện trạng 1,3 ha.

Chủ đầu tư muốn rót vốn thêm 2.400 tỷ 

Giai đoạn đầu tư, dự án sẽ bố trí 0,6 ha cho đất công cộng dịch vụ; 14,6 ha xây dựng công trình lưu trú; 5,6 ha đất cây xanh mặt nước và 4,6 ha đất hạ tầng kỹ thuật. Tổng số người dự kiến của dự án là 2.414 người.

Về các hạng mục, dự án sẽ xây dựng 356 căn biệt thự, 1 tổ hợp khách sạn và căn hộ du lịch cao 20 tầng nổi và 1 tầng hầm (500 phòng), 3 khu nhà dịch vụ và nhà câu lạc bộ.

Các công trình biệt thự tại dự án sẽ được bố trí trên diện tích khoảng 11,5 ha, bao gồm 68 căn ven biển, 174 căn trên núi, 49 căn ven suối và 65 căn trên vách núi. Các lô nhà và các tuyến đường thiết kế được san nền bám theo địa hình tự nhiên, các khu vực còn lại giữ nguyên hiện trạng tạo cảnh quan đặc trưng cho dự án. 

Về tiến độ, theo giấy chứng nhận đầu tư thay đổi được cấp vào năm 2022, dự án sẽ khởi công vào quý III/2017, xây dựng 36 căn bungalow, 1 nhà tiếp đón, 1 villa cánh sen và các hạng mục kỹ thuật, đưa vào hoạt động từ quý IV/2024.

Tuy nhiên, theo đồ án điều chỉnh quy hoạch mới nhất, tiến độ dự án sẽ được thay đổi như sau. Quý III/2023 sẽ tháo dỡ các công trình hiện trạng; quý IV/2023 khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật; quý II/2024 hoàn thành hạ tầng kỹ thuật.

Khối công trình thấp tầng và cảnh quan, khối khách sạn và căn hộ du lịch sẽ khởi công từ quý I/2024, hoàn thành vào quý IV/2024, đưa vào hoạt động từ quý I/2025.

Về tổng mức đầu tư, theo giấy chứng nhận được cấp vào năm 2022, dự án có tổng vốn 280 tỷ đồng. Báo cáo dự án cho biết, dự án đang xin điều chỉnh tổng vốn lên hơn 2.717 tỷ đồng.

Hồi tháng 7 vừa qua, UBND tỉnh Bình Định đã cho phép Ban Mai không thực hiện ký quỹ đầu tư cho dự án, tuy nhiên tỉnh yêu cầu doanh nghiệp phải ứng trước kinh phí để thực hiện bồi thường, giải phóng  mặt bằng. 

Ai đứng sau Công ty Ban Mai?

Về chủ đầu tư, Công ty Ban Mai được thành lập vào tháng 12/2011, có trụ sở tại huyện Phù Cát, Bình Định. Doanh nghiệp này có vốn điều lệ tính đến tháng 7/2022 là 450 tỷ đồng, chủ sở hữu là Công ty TNHH Đầu tư Nghỉ dưỡng BRC Việt Nam (trụ sở tại Tây Hồ, Hà Nội).

Theo tìm hiểu của người viết, toàn bộ phần vốn góp của BRC Việt Nam tại Ban Mai đang được thế chấp cho khoản vay tại Ngân Hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) – Chi nhánh Sài Gòn. Toàn bộ Khu du lịch sinh thái Ban Mai cũng đang được Công ty Ban Mai thế chấp cho khoản vay 950 tỷ đồng tại PVcomBank từ năm 2021.

Đại diện pháp luật kiêm Giám đốc của Công ty Ban Mai hiện nay là ông Đặng Thanh Hải. Vị này đang đồng thời đứng tên tại nhiều doanh nghiệp khác như Công ty TNHH Đầu tư Nghỉ dưỡng Ban Mai Phú Quốc; Công ty TNHH Đầu tư Nghỉ dưỡng BOC; Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Bất động sản Tân An; CTCP Đầu tư Phát triển Đô thị Long An hay Công ty TNHH Khu nghỉ dưỡng Calla Phú Quốc.

Trong đó, Đô thị Long An hiện nay đang góp vốn 749 tỷ đồng vào Bất động sản Tân An, tương đương 100% vốn điều lệ của Tân An. 

Còn Ban Mai Phú Quốc là một doanh nghiệp vừa được thành lập vào tháng 6 vừa qua với vốn điều lệ 100 tỷ đồng, trong đó Công ty Ban Mai nắm 98% vốn góp, ông Nguyễn Toàn Thắng và Nguyễn Mạnh Hùng đều sở hữu 1%.

Ngày 3/10 mới đây, Ban Mai Phú Quốc đã giảm vốn xuống còn 5 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông không thay đổi.

Nói thêm về cổ đông của Ban Mai Phú Quốc là ông Nguyễn Mạnh Hùng, vị này trước đây từng sở hữu vốn góp tại Bất động sản Tân An, sau này đã chuyển nhượng lại cho Đô thị Long An. Ông Hùng cũng đang đồng thời đứng tên tại CTCP Đầu tư Thuận Phát Long An – chủ đầu tư Khu đô thị Thuận Phát rộng 17,5 ha ở Long An (đang được thế chấp tại PVcomBank).

Nguồn: vietnammoi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Quảng cáo