Bình Định đề xuất đầu tư dự án điện gió ngoài khơi 2.000 MW

Dự án do Tập đoàn PNE của Đức làm chủ đầu tư, có công suất 2.000 MW và tổng vốn đầu tư 6 tỷ USD, dự kiến vận hành giai đoạn đầu tiên từ năm 2025.

Ngày 13/4, ông Nguyễn Phi Long – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định – cho biết địa phương đã kiến ​​nghị Bộ Công Thương cho phép đầu tư trang trại điện gió ngoài khơi với tổng vốn đầu tư lên đến khoảng 6 tỷ USD.

Dự án do Tập đoàn PNE của Đức làm chủ đầu tư có công suất 2.000 MW, được chia làm 3 giai đoạn, gồm: Giai đoạn thí điểm, công suất 700 MW, dự kiến ​​vận hành từ năm 2025; giai đoạn mở rộng 1, công suất 700 MW, dự kiến ​​vận hành từ năm 2026; giai đoạn mở rộng 2, công suất 600 MW, dự kiến ​vận hành từ năm 2027.

Diện tích khu vực khảo sát, nghiên cứu và đề xuất bổ sung quy hoạch dự án khoảng 96.470 ha, chủ yếu là trên mặt nước biển, không chồng lấn với quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt.

Việt Nam được đánh giá có tiềm năng phát triển năng lượng gió rất lớn.

Việt Nam được đánh giá có tiềm năng phát triển năng lượng gió rất lớn.

Hiện, Bình Định đã đồng ý chủ trương cho Tập đoàn PNE khảo sát, nghiên cứu, lắp đặt các cột đo gió, đánh giá tiềm năng gió tại một số vùng biển thuộc huyện Phù Cát và Phù Mỹ. Tỉnh đã trình Thủ tướng Chính phủ xin bổ sung Nhà máy điện gió ngoài khơi Bình Định vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII).

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết, Bình Định có bờ biển dài hơn 134 km, sở hữu nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển điện gió ngoài khơi.

“Đây là dự án năng lượng tái tạo quan trọng, quy mô đầu tư lớn không chỉ của Bình Định mà còn với cả nước, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Dự án hứa hẹn khai thác được lợi thế vị trí tự nhiên để phát triển năng lượng tái tạo trên biển, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế biển và xu thế sử dụng năng lượng sạch trên thế giới”, ông An cho biết.

Việt Nam được đánh giá có tiềm năng phát triển năng lượng gió rất lớn nhờ khí hậu nhiệt đới gió mùa và đường bờ biển trải dài hơn 3.000 km. Tốc độ gió trung bình hàng năm của Việt Nam lớn hơn 6 m/s ở độ cao 65 m, tương đương công suất khoảng 512 GW. Tốc độ gió ở độ cao 100 m đạt 9-10 m/s.

Theo dự thảo mới nhất của Quy hoạch Điện VII, công suất điện gió ngoài khơi toàn quốc dự kiến đạt 5.000 MW vào năm 2030 và 40.000 MW đến năm 2045. Đây là nguồn năng lượng quan trọng trong nỗ lực đạt được mức phát thải carbon ròng bằng không (net zero) vào năm 2050, theo cam kết của Việt Nam tại hội nghị môi trường COP 26 hồi cuối năm ngoái.

Nguồn: vnreport.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Quảng cáo