Bắc Ninh chuẩn bị ‘hành trang’ đưa 2 huyện lên thành phố trực thuộc tỉnh

Hai thành phố trực thuộc Trung ương mới sẽ là trung tâm công nghiệp trọng tâm của tỉnh, phát triển dịch vụ công nghệ cao…, sẽ “trải thảm đỏ” hút nhà đầu tư.

Trong quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, Bắc Ninh sẽ phát triển hai huyện Tiên Du và Yên Phong trở thành các thành phố trực thuộc tỉnh.

Theo quy hoạch, đến năm 2030, toàn tỉnh Bắc Ninh có 12 đô thị gồm một đô thị loại I, một đô thị loại II, 4 đô thị loại III và 6 đô thị loại V. Phát triển huyện Tiên Du và huyện Yên Phong trở thành các thành phố trực thuộc tỉnh.

Theo đó, TP. Yên Phong sẽ là trung tâm công nghiệp trọng tâm của tỉnh, phát triển dịch vụ công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ cấp vùng.

TP. Tiên Du sẽ trung tâm công nghệ cao, công nghệ thông tin, dịch vụ công cộng, thương mại, vui chơi giải trí, du lịch văn hóa, trải nghiệm, giáo dục đào tạo và chuyển giao công nghệ.

TP. Từ Sơn sẽ là trung tâm văn hóa, giáo dục – đào tạo, nghiên cứu và công nghiệp đô thị, du lịch, vui chơi giải trí.

Thị xã Quế Võ sẽ là trung tâm đô thị công nghiệp, dịch vụ, thể dục thể thao, y tế cấp vùng, phát triển nông thôn theo hướng nông nghiệp đô thị gắn với du lịch sinh thái, du lịch làng nghề; thị xã Thuận Thành sẽ trung tâm đô thị và công nghiệp của tỉnh.

Cũng theo quy hoạch, mục tiêu đến năm 2030, Bắc Ninh là thành phố trực thuộc Trung ương, thuộc nhóm địa phương đứng đầu cả nước về quy mô kinh tế.

Đây cũng là một trong những trung tâm công nghiệp công nghệ cao, nghiên cứu và phát triển, sản xuất thông minh hàng đầu châu Á và thế giới; là thành phố xanh, thông minh, hiện đại, đáng sống với trình độ phát triển cao, mang đậm bản sắc văn hóa Bắc Ninh – Kinh Bắc. Ngoài ra, đây cũng là trung tâm tổng hợp về hành chính – chính trị, văn hóa, giáo dục, y tế và thể dục thể thao cấp tỉnh; là đô thị phát triển toàn diện và bền vững về công nghiệp, thương mại, dịch vụ, tài chính.

Mục tiêu đặt ra cho Bắc Ninh theo kế hoạch về kinh tế, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân của tỉnh đạt 8% – 9%/năm; tỷ trọng GRDP của công nghiệp và xây dựng khoảng 72,7%; dịch vụ khoảng 21,7%; nông, lâm nghiệp và thủy sản khoảng 1,6%. GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt khoảng 346,6 triệu đồng/người.

Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội quý I/2024 của Cục Thống kê Bắc Ninh cho thấy, trong quý I/2024, địa phương này đã đón sóng đầu tư, thu hút thêm nhiều dự án của các nhà đầu tư tiềm năng, có thương hiệu mạnh, tập trung thu hút đầu tư có trọng điểm các lĩnh vực công nghệ thông tin, chuyển đổi hạ tầng số… tỉnh ưu tiên thu hút các dự án có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường.

Theo đó, trong 3 tháng đầu năm, tỉnh Bắc Ninh đã cấp chứng nhận đầu tư mới cho 105 dự án đầu tư nước ngoài, tăng 50 dự án, tương đương tăng 90,9% so với cùng kỳ, với số vốn đăng ký mới 499,8 triệu USD, tăng 19,2 triệu USD, tăng 4% so với cùng kỳ.

Trong đó, các nhà đầu tư chủ yếu đến từ Trung Quốc với 62 dự án, Hồng Kông (Trung Quốc) 19 dự án, Singapore 11 dự án. Ngoài ra, điều chỉnh vốn cho 41 dự án (tăng 10 dự án), với số vốn điều chỉnh tăng là 308,8 triệu USD (tăng 225,8 triệu USD); góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp 17 lượt (tăng 11 lượt) với giá trị là 26,4 triệu USD (tăng 25 triệu USD).

Ngoài ra, Bắc Ninh còn nhiều dự án triển vọng trong thời gian tới như: Tập đoàn Công nghệ CMC đang xúc tiến đầu tư vào địa phương dự án Tổ hợp không gian sáng tạo CMC với quy mô dự kiến từ 20ha trở lên, bao gồm các phân khu chức năng: Phân khu về công nghệ thông tin và sản xuất phần mềm; phân khu R&D, IC design, AI, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; phân khu hạ tầng dữ liệu, điện toán đám mây, AI factory; phân khu giáo dục đào tạo; phân khu đô thị thông minh, nhà ở cho cán bộ công nhân và chuyên gia. Công ty Kine SiC Semi (Mỹ) cũng đang tìm hiểu, xúc tiến để đầu tư vào Bắc Ninh xây dựng nhà máy chuyên sản xuất chip công nghệ cao ứng dụng trong nhiều lĩnh vực, với diện tích ban đầu 7.500m2, tổng vốn đầu tư từ 150-200 triệu USD…

Nguồn: Nguoiquansat

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Quảng cáo