4 tỉnh, thành miền Bắc liên kết phát triển hạ tầng, khu công nghiệp

Những năm vừa qua, mặc dù thu hút đầu tư của 4 địa phương này tương đối tốt, nhưng vẫn còn một khoảng cách khá lớn so với các trung tâm kinh tế lớn, cần sớm cải thiện.

Vừa qua, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phối hợp với UBND thành phố Hải Phòng tổ chức Hội nghị giao ban vùng và Diễn đàn “Liên kết phát triển Khu công nghiệp trục cao tốc phía Đông”.

Chương trình nhằm hiện thực hoá “Thoả thuận hợp tác kết nối kinh tế cao tốc phía Đông” được ký ngày 28/07/2022 giữa VCCI với 4 tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng và Quảng Ninh.

Diễn đàn được tổ chức đã cung cấp bức tranh toàn cảnh về đầu tư, phát triển hạ tầng KCN, CCN các tỉnh trục cao tốc phía Đông cho các nhà đầu tư, các tổ chức xúc tiến đầu tư và các tổ chức có liên quan.

Diễn đàn cũng đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp 4 tỉnh nằm trên trục cao tốc phía Đông liên doanh, liên kết, kết nối với nhau để khai thác hiệu quả nguồn lực đầu tư, cơ sở vật chất của từng đơn vị, nguồn hàng, các dịch vụ hỗ trợ khác nhằm mở rộng mạng lưới cung ứng dịch vụ nâng cao khả năng cạnh tranh, giảm chi phí vận tải, chi phí trung gian của các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng trong nước và toàn cầu…

Nằm trong tiểu vùng kinh tế trục cao tốc phía Đông, 4 địa phương, gồm: Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương và Hưng Yên đều có vị trí địa lý thuận lợi, để phát triển kinh tế.

Những năm vừa qua, 4 địa phương đều có những thành công trong thu hút đầu tư và phát triển kinh tế, nên đã trở thành một vùng tăng trưởng kinh tế quan trọng của cả nước. Song, mặc dù thu hút đầu tư của 4 địa phương hiện tương đối tốt, nhưng vẫn còn một khoảng cách khá lớn so với các trung tâm kinh tế lớn; chất lượng dịch vụ và tính chuyên nghiệp chưa đồng bộ, chưa tạo thành chuỗi hoạt động logistics liên hoàn.

Việc liên kết kinh tế 4 địa phương sẽ mở rộng không gian phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu. 4 địa phương khi liên kết lại sẽ có đầy đủ tiềm năng và điều kiện để tạo thành một khu vực kinh tế phát triển năng động như: có cửa khẩu trên bộ và trên biển với Trung Quốc – thị trường lớn nhất thế giới (tại Quảng Ninh); có cảng biển lớn quốc tế (tại Hải Phòng); có nguồn nhân lực dồi dào (tại Hải Dương và Hưng Yên) cùng không gian phát triển kinh tế còn rộng lớn và nhiều tiềm năng tại các địa phương…

Theo đó, Diễn đàn giúp cho 4 địa phương cùng tháo gỡ, khắc phục được những khó khăn cục bộ, liên kết các thế mạnh; khắc phục tình trạng biệt lập trong hoạch định và thực thi chính sách của các địa phương; đẩy mạnh kết nối hạ tầng giao thông vùng và liên vùng; chia sẻ kinh nghiệm tốt trong quản lý nhà nước, nhất là trong việc phát triển và kết nối hạ tầng các KCN; giải quyết những bất cập về thu hút đầu tư, quản lý tài nguyên-môi trường và các vấn đề xã hội giữa các địa phương.

Theo thống kê, chỉ tính đến tháng 7/2023, trên địa bàn các tỉnh, thành trên trục cao tốc phía Đông có 87 KKT và KCN, trong đó Hải Dương có 24 KCN tổng quy mô diện tích khoảng 4.508ha; Hải Phòng có 1 KKT Đình Vũ-Cát Hải và 25 KCN với tổng diện tích 12.702ha; Quảng Ninh có 5 KKT ( gồm 3 KKT cửa khẩu, 2 KKT ven biển ) và 16 KCN với tổng diện tích khoảng 388.671ha; Hưng Yên có 17 KCN có diện tích là 4.395,43ha.

Tuy vậy, tỷ lệ lấp đầy của các KCN hiện mới đạt khoảng 50% ; trong đó Hải Dương dù đã thu hút được 348 dự án ( tính đến 30/6/2023 ) nhưng mới đạt tỷ lệ lấp đầy trung bình khoảng 51%; Hải Phòng cao nhất trục cao tốc với tỷ lệ lấp đầy xấp xỉ 60% ( tính đến đến 2021 ) với tỷ suất đầu tư trung bình đạt 9 triệu USD/ha; Quảng Ninh với 8 KCN đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy mới dừng ở con số 43% thấp hơn so với bình quân cả nước, số KCN đang trong giai đoạn thực hiện các thủ tục đầu tư với tổng số vốn đạt 4.100 triệu USD và 40 dự án trong nước với số vốn là 21.000 tỷ đồng; Hưng Yên có 261 dự án đầu tư vào các KCN với vốn đầu tư đạt 4.434 triệu USD, nhưng tỷ lệ lấp đầy trong các KCN Hưng Yên mới đạt 47,8%.

Theo các diễn giả, công tác quy hoạch, đầu tư phát triển KCN tại 4 tỉnh, thành phố này còn bộc lộ một số tồn tại như: Tốc độ phát triển các KCN còn chậm, tỷ lệ lấp đầy của nhiều KCN còn thấp, khả năng cung cấp dịch vụ công nghiệp, hạ tầng kỹ thuật của một số KCN còn hạn chế.

Đồng thời, phần lớn các KCN đều khó khăn trong việc thu hút các nhà đầu tư phát triển KCN lớn, chuyên nghiệp, thiếu chủ động trong việc thu hút các nhà đầu tư thứ cấp. Bên cạnh đó, liên kết vùng về chuỗi giá trị còn khá thấp, vùng nguyên liệu chưa có quy mô lớn. Hiện nay quy mô đất công nghiệp, đặc biệt là đất sạch với diện tích lớn cho KCN còn khá hạn chế.

Diễn đàn đã tập hợp được nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các nhà khoa học, các tổ chức liên quan và ý kiến phản hồi, kiến nghị của các doanh nghiệp kịp thời bổ khuyết vào nhiệm vụ giải pháp của các thành phố, giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp hạ tầng công nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư, phát triển trong hoạt động phát triển hạ tầng KCN, tận dụng lợi thế của trục cao tốc phía đông và thế mạnh của từng địa phương…

Nguồn: moitruongvadothi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Quảng cáo