Lộ diện nhà đầu tư chi hơn 7.300 tỷ mua cổ phần của Vinaconex

Chiều ngày 22/11, tại sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã diễn ra phiên đấu giá lô cổ phần của Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) tại Tổng CTCP xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex – Mã: VCG).

Số cổ phần đấu giá: 254.901.153 cổ phần tương đương trên 57,71% vốn cổ phần tại Vinaconex với giá khởi điểm 21.300 đồng/cổ phần.

Vào tuần trước, theo thông báo có 4 nhà đầu tư đăng ký mua trọn lô cổ phần VCG của Vinaconex là ông Nguyễn Văn Đông và 3 nhà đầu tư tổ chức gồm Công ty TNHH An Quý Hưng, Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng Thăng Long JTC và Công ty TNHH Đầu tư Star Invest.

Tuy vậy, ngay trước thời điểm diễn ra phiên đấu giá này đã có 1 nhà đầu tư rút lui. Do đó, phiên đấu giá chỉ có sự tham gia của nhà đầu tư cá nhân Nguyễn Văn Đông và 2 nhà đầu tư tổ chức.

Theo đó, có 3 nhà đầu tư đã đăng ký mua trọn lô cổ phần với mức giá lần lượt là: 21.300 đồng/cp; 22.300 đồng/cp và 28.900 đồng/cp.

Kết quả bán đấu giá cổ phần VCG do SCIC nắm giữ.

Kết quả, nhà đầu tư đặt mua trọn lô cổ phần với giá cao nhất 28.900 đồng/cp đã đấu giá thành công. Tại mức giá này, nhà đầu tư đã phải bỏ ra 7.367 tỷ đồng, cao hơn gần 2.000 tỷ đồng so với giá khởi điểm SCIC công bố.

Có thể nói, phiên đấu giá cổ phần SCIC lần này đã diễn ra hết sức thành công với mức giá vượt trội so với giá khởi điểm. Vào thời điểm này năm ngoái, SCIC từng chào bán 96,2 triệu cổ phần Vinaconex, tương đương 22% vốn của tổng công ty này nhưng kết quả không được như mong muốn. Đợt đấu giá đó, SCIC chỉ bán được 5,3 triệu cổ phần, tương đương 1,2% vốn điều lệ.

Theo tìm hiểu của phóng viên, cá nhân ông Nguyễn Văn Đông (sinh năm 1980), quê Thừa Thiên – Huế chính là người đưa ra mức giá thấp nhất 21.300 đồng/cp. Trong khi đó, doanh nghiệp đưa ra mức giá cao nhất và được nắm giữ 57,71% vốn cổ phần tại Vinaconex sau đấu giá là Công ty TNHH An Quý Hưng do ông Nguyễn Xuân Đông làm Tổng giám đốc.

Trước ngày 4/12/2018, Cty An Quý Hưng sẽ phải thanh toán hết số tiền trên cho SCIC, trong khi 2 nhà đầu tư còn lại sẽ được hoàn trả tiền đặt cọc sau 5 ngày làm việc kể từ ngày tổ chức đấu giá.

Được biết, cách đây 3 năm, An Quý Hưng đã từng cạnh tranh với Thaigroup của “bầu” Thụy tham gia mua cổ phần khách sạn Kim Liên nhưng thất bại khi Thaigroup đã “bạo tay” chi hơn An Quý Hưng 1.000 tỷ đồng với mức giá lên tới 274.200 đồng/cổ phiếu, cao gấp gần 10 lần giá khởi điểm. Đây có lẽ cũng là bài học giúp An Quý Hưng thành công trong thương vụ đấu giá này.

Đại gia Nguyễn Xuân Đông là ai?

Thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2001, Công ty TNHH An Quý Hưng của ông Nguyễn Xuân Đông có trụ sở tại Chương Mỹ, Hà Nội, hoạt động trong lĩnh vực xây dựng. Hiện An Quý Hưng đã có trên 60 dự án lớn, nhỏ cho các đối tác trong và ngoài nước, trong đó có tới trên 50 nhà máy có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Vốn điều lệ của doanh nghiệp này tính tới tháng 4/2017 là 360 tỷ đồng và tăng lên 500 tỷ kể từ ngày 12/11/2018. Trong đó chỉ có 2 cổ đông là ông Nguyễn Xuân Đông nắm giữ 78,4% cổ phần và vợ ông Đông là bà Đỗ Thị Thanh nắm giữ phần còn lại.

Ông Nguyễn Xuân Đông, Tổng giám đốc An Quý Hưng.

Dù nằm giữ tới 78,4% cổ phần tại An Quý Hưng song đối với giới truyền thông, báo chí ông Đông lại là 1 người khá kín tiếng. Năm 2017, An Quý Hưng của ông Nguyễn Xuân Đông ghi nhận 956 tỷ đồng doanh thu thuần và 62,4 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Dù hoạt động trong lĩnh vực xây dựng nhưng những năm gần đây, An Quý Hưng đã đẩy mạnh tham gia vào các thương vụ “game” thoái vốn doanh nghiệp. Nhờ đó mà chức vụ của ông Nguyễn Xuân Đông tại các công ty ngày càng dài lên.

Theo đó, sau khi thất bại trong thương vụ đấu giá khách sạn Kim Liên, từ năm 2016-2017, An Quý Hưng của ông Nguyễn Xuân Đông đã trở thành nhà Tổng thầu thi công và xây dựng cho Dự án Nhà máy sản xuất giày Nike giai đoạn 1 tại xã Nghĩa Minh, Nghĩa Hưng, Nam Định với quy mô 9,3ha, gồm hơn 18 hạng mục xây dựng. Tổng diện tích xây dựng giai đoạn 1 là hơn 12 vạn m2

Đầu tháng 9/2018, Công ty TNHH An Quý Hưng tiếp tục trúng thầu dự án Nhà máy sản xuất giày Nike giai đoạn 2 tại huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định. Dự án được thực hiện trên tổng diện tích 13ha và dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2019.

Theo đó, An Quý Hưng đã thành lập công ty bất động sản An Quý Hưng Land chuyên phân phối các sản phẩm bất động sản và ở đó ông Nguyễn Xuân Đông là Hội đồng thành viên. Năm 2016, công ty này thành lập An Quý Hưng new materrials với mức đầu tư lên tới trên 20 tỷ. Đây cũng là nhà sản xuất tấm bê tông nhẹ EPS đầu tiên tại Việt Nam dựa trên nền tảng công nghệ xanh của các nước phát triển trên thế giới.

Sản phẩm tấm bê tông nhẹ Duralight của Quý Hưng new materrials với khả năng chống cháy và cách nhiệt vượt trội, khả năng cách âm hiệu quả, bền vững, đang được giới thiệu tại triển lãm Triển lãm Quốc tế Vietbuild Hà Nội 2018 lần thứ 3 từ ngày hôm nay 23.11 đến ngày 27.11 tại Cung Triển lãm Kiến trúc Quy hoạch và Xây dựng Quốc gia (TP. Hà Nội).

Sản phẩm Duralight của Quý Hưng new materrials (An Quý Hưng).

Một số công trình đã sử dụng Duralight của Quý Hưng new materrials như nhà máy giày da Kim Vận – Đài Loan, Nhà máy xuất nhập khẩu Văn Minh, Khu nhà ở liền kề Lộc Ninh, Nhà máy Ngói Fuji Việt Nam, Nhà đa năng Trường Tiểu học Trường Yên, Chung cư The Pride (Hải Phát), Nhà máy Điện tử Chilisin Hải Phòng hay Nhà máy Nishimasu (Nhật Bản)…

BBT

Nguồn: cafef.vn | danviet.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Quảng cáo