Xu thế phát triển đô thị thông minh
Trong những năm gần đây, sự bùng nổ mạnh mẽ của các giải pháp công nghệ thông tin – truyền thông và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã thúc đẩy sự chuyển đổi số trên phạm vi toàn thế giới, trong đó ảnh hưởng rõ nét có thể thấy trong phát triển đô thị thông minh.
Trong xu hướng đó, mô hình quốc gia thông minh với hệ thống các đô thị thông minh đang là mục tiêu hướng đến của hầu hết các quốc gia tiên tiến và quyết đoán trên thế giới với nền tảng là các giải pháp quản lý, vận hành, các dịch vụ và tương tác thông minh trong mọi lĩnh vực của cuộc sống.
Đáng chú ý, London được đánh giá là thành phố dẫn đầu trong bảng xếp hạng đô thị thông minh trên thế giới. Thành công này có được là nhờ quyết tâm của Chính phủ Anh và sự tham gia hưởng ứng của người dân. Chính phủ Anh đã đặt ra nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là tập trung vào vấn đề dữ liệu thành phố thông minh. Theo đó, London đã phát triển một ứng dụng dựa trên các dữ liệu mở, người dùng có thể cho ứng dụng biết mình đang ở đâu và ứng dụng sẽ chỉ ra lộ trình cần thiết. Ước tính đến năm 2020, lĩnh vực dữ liệu sẽ tạo ra khoảng 322 tỷ bảng giá trị kinh tế cho Vương quốc Anh.
Hay, Singapore là một quốc gia nhỏ không có tài nguyên thiên nhiên nhưng đã khai thác thành công công nghệ, bao gồm cảm biến và đồng hồ tự động. Singapore được bình chọn là một trong những đô thị thông minh nhất trên thế giới. Đơn cử về giao thông, Singapore đã triển khai hệ thống giao thông một cổng thông tin toàn diện, gọi là One Monitoring. Trong hệ thống này, người dân có thể truy cập thông tin giao thông thu thập từ các camera giám sát được lắp đặt trên đường và xe taxi bằng GPS. Bên cạnh đó, Singapore đã triển khai hệ thống hướng dẫn đỗ xe, cung cấp cho các tài xế thông tin theo thời gian thực về tình trạng chỗ đỗ xe…
Việt Nam, với vị trí chiến lược ở khu vực Đông Nam Á, sự ổn định về chính trị, độ mở của một nền kinh tế đang ngày một hội nhập mạnh mẽ hơn và nguồn nhân lực dồi dào, đang trở thành một điểm đến đầy hấp dẫn của các nhà đầu tư toàn cầu. Tuy nhiên, việc phải đối mặt với các vấn đề về đô thị hoá gia tăng, biến đổi khí hậu, trật tự trị an, phúc lợi xã hội … đòi hỏi Chính phủ Việt Nam phải có giải pháp đột phá về quản trị, quản lý, cung cấp các dịch vụ công, dịch vụ tiện ích cho các đối tượng trong xã hội.
Trong bối cảnh đó, các cấp lãnh đạo Việt Nam đã và đang có những tầm nhìn và hành động chiến lược, đó là xây dựng một chính phủ kiến tạo với hệ thống chính quyền điện tử và các đô thị thông minh với mục tiêu cuối cùng là xây dựng một quốc gia thông minh – một môi trường phát triển toàn diện cho người dân, cũng như nâng cao tính kết nối quốc tế của Việt Nam trong thời đại số.
Quyết tâm này của Chính phủ Việt Nam có thể thấy qua quyết định thành lập Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử do chính Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm chủ tịch, hay hàng loạt các chuyến thăm quan, nghiên cứu mô hình quốc gia thông minh, đô thị thông minh tại nhiều nước tiên tiến trên thế giới của các lãnh đạo Việt Nam. Cùng với đó, đến nay, Việt Nam đã có trên 10 tỉnh, thành phố chính thức ký kết các hợp tác về việc xây dựng mô hình thành phố thông minh và hơn 20 thành phố khác đang dự kiến triển khai, tất cả đều nằm trong kế hoạch xây dựng Quốc gia thông minh của Chính phủ Việt Nam.
Thể hiện rõ nhất trong xu thế này, hiện nay Chính phủ đang đẩy mạnh thực hiện một Chính phủ điện tử. Các tỉnh thành đã triển khai thí điểm các trung tâm điều hành đô thị thông minh, đơn cử như Quảng Ninh, Nam Định, Đồng Nai, Bắc Ninh, TP.HCM…
Không ít các doanh nghiệp đã nghiên cứu về đô thị thông minh như: Công ty Regal Motor Cars, Bosch khu vực Việt Nam, VNPT…, nhưng đáng chú ý là Công ty cổ phần tiến bộ Quốc tế đã có những khởi đầu và triển khai thí điểm các trung tâm điều hành đô thị thông minh tại Việt Nam. Với các giải pháp như: Trung tâm điều hành chính phủ; Trung tâm điều hành cho các bộ ngành; Trung tâm điều hành các địa phương; Trung tâm điều hành các doanh nghiệp; Trung tâm điều hành các cơ sở sản xuất.
Nguồn: tinnhanhchungkhoan.vn