Việt Nam đột phá, làm điều Thái Lan đã có từ thế kỷ trước
Hàng loạt doanh nghiệp nước ngoài, và cả các hãng xe trong nước, dồn dập đầu tư vào sản xuất linh kiện ô tô tại Việt Nam. Kết hợp với các nhà lắp ráp, hứa hẹn tạo nên những trung tâm công nghiệp ô tô lớn trong thời gian tới. Đây chính là điều Thái Lan đã làm được trong thế kỷ trước và Việt Nam đang mơ ước thành công với mô hình này.
Đồng loạt bỏ vốn làm linh kiện
Cuối tháng 6/2018, Công ty TNHH Pyeong Hwa Automotive, doanh nghiệp sản xuất linh kiện ô tô lớn của Hàn Quốc, đã nhận giấy chứng nhận đầu tư vào Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải, Hải Phòng. Dự án có vốn đầu tư 16,7 triệu USD, sẽ hoạt động vào tháng 9/2019, cung cấp 7,5 triệu sản phẩm phụ tùng ô tô/năm. Đây là nhà cung cấp linh kiện cho các tập đoàn ô tô hàng đầu thế giới như: BMW, Audi, Ford, General Motors, Hyundai, Kia, Volkswagen, Volvo,… Sản phẩm sản xuất ra sẽ phục vụ cho các doanh nghiệp ô tô trong nước như VinFast, Hyundai, Kia,…
Trước đó, Công ty Aapico Hitech (Thái Lan) và Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VinFast (thành viên Tập đoàn Vingroup) ký kết biên bản ghi nhớ, thành lập nhà máy liên doanh, dập và hàn các chi tiết thân vỏ xe, quy mô 60 triệu USD. Nhà máy sẽ được xây dựng trong KCN của VinFast tại Hải Phòng. Aapico Hitech là một trong những công ty hàng đầu về sản xuất phụ tùng ô tô tại Thái Lan, chuyên về sản xuất đồ gá, khuôn mẫu, các chi tiết dập, chi tiết nhựa,… Khách hàng lớn của Aapico Hitech là những nhà sản xuất ô tô như Isuzu, Nissan, Ford, Honda, Mitsubishi…
Các DN đổ tiền vào sản xuất linh kiện ô tô tại Việt Nam |
Cũng vào cuối tháng 6/2018, VinFast đã tổ chức hội thảo với hơn 300 nhà cung cấp linh kiện quốc tế tại Frankfurt (Đức). Tại đây, một số nhà cung cấp mong muốn đầu tư nhà máy sản xuất linh kiện tại Hải Phòng.
Tại Vĩnh Phúc, Công ty Toyota Việt Nam đã quyết định nâng cấp, mở rộng dây chuyền sản xuất và tăng công suất nhà máy lên trên 90.000 xe so với ngưỡng 50.000 xe/năm hiện nay. Dự kiến, dây chuyền mới sẽ vào hoạt động từ năm 2023.
Ngoài ra, Toyota Việt Nam còn kêu gọi các nhà cung cấp linh kiện ô tô trong ngoài nước cùng đầu tư vào Vĩnh Phúc, vùng lân cận, để cung cấp linh kiện cho các mẫu xe Toyota lắp ráp tại đây.
Những ngày cuối tháng 6, tại KCN Quang Minh, Hà Nội, Varroc Lighting Systems, nhà sản xuất thiết bị chiếu sáng, thuộc Tập đoàn Varroc Global, đã khai trương nhà máy mở rộng Triom Việt Nam, chuyên sản xuất đèn chiếu sáng ô tô, xe máy theo công nghệ Ý. Nhà máy mới sẽ tập trung năng lực để sản xuất đèn chiếu sáng cho ô tô và các phương tiện 4 bánh khác.
Tại Quảng Nam, Công ty Ô tô Trường Hải cho biết đã xây dựng khu phức hợp sản xuất, lắp ráp xe ô tô; có 13 nhà máy sản xuất linh kiện, ngoài cung cấp cho các mẫu xe của Trường Hải lắp ráp có thể cung cấp cho các DN ô tô khác trong nước và xuất khẩu. Cùng với đó, một số DN sản xuất linh kiện ô tô cho Tập đoàn Mazda (Nhật Bản) cũng đang trong quá trình tìm hiểu và xúc tiến đầu tư vào Khu kinh tế Chu lai trong thời gian tới.
Dự kiến sẽ hình thành 4 trung tâm ô tô lớn tại Việt Nam là Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Quảng Nam, Ninh Bình |
Tại Ninh Bình, một loạt DN sản xuất linh kiện ô tô nước ngoài đang xúc tiến đầu tư vào sản xuất linh kiện ô tô tại KCN Gián Khẩu và vùng lân cận, để cung cấp linh kiện cho các mẫu xe của Hyundai Thành Công.
Thời gian tới, sẽ còn nhiều các DN đầu tư vào sản xuất linh kiện ô tô tập trung vào 4 địa phương trên. Việc các nhà máy cung cấp linh kiện quy tụ xung quanh sẽ giúp DN ô tô kiểm soát chặt chẽ hơn về chất lượng, giảm cước vận chuyển và đảm bảo thời gian giao hàng, qua đó giúp giảm chi phí. Trong tương lai gần, đây sẽ là 4 trung tâm công nghiệp ô tô lớn cả nước.
Cơ hội phát triển công nghiệp ô tô
Theo số liệu của Bộ Công Thương, cả nước hiện có khoảng 300 DN công nghiệp hỗ trợ, phục vụ cho sản xuất ô tô, trong đó 90% là các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Năm 2017, Việt Nam nhập khẩu là 3,5 tỷ USD linh kiện ô tô, nhưng xuất khẩu đạt 4,4 tỷ USD, thặng dư 900 triệu USD. Ngay cả những nước có ngành công nghiệp ô tô phát triển như: Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Đức,… cũng nhập khẩu nhóm mặt hàng này của Việt Nam. Nhiều DN nước ngoài đã nhìn thấy lợi thế về vị trí địa lý và nguồn lao động dồi dào của Việt Nam nên quyết định đầu tư, xây dựng nhà máy sản xuất sản xuất linh kiện.
Với DN trong nước, thời gian qua, một số cơ sở đã chủ động đầu tư dây chuyền, máy móc công nghệ hiện đại để sản xuất linh kiện ô tô. Đây là những sản phẩm có khả năng cạnh tranh với hàng nhập khẩu, đáp ứng nhu cầu của các DN sản xuất lắp ráp ô tô trong nước và xuất khẩu.
Lắp ráp ô tô tại KCN Gián Khẩu – Ninh Bình |
Việt Nam đang nổi lên là một trong những thị trường tiêu thụ ô tô tiềm năng trong khu vực. Tỷ lệ sở hữu ô tô của người Việt hiện còn rất thấp, mới đạt khoảng 23 xe trên 1.000 người, trong khi tỷ lệ tương đương tại Thái Lan là 204 xe và các nước phát triển là 400 xe.
Trong khi đó, thu nhập của người Việt Nam đang ngày càng tăng, ước tính đạt trên 3.000 USD vào năm 2021. Kết hợp với cơ sở hạ tầng ngày càng cải thiện, sẽ là tiền đề giúp thị trường ô tô tăng trưởng mạnh mẽ. Dự báo quy mô thị trường ô tô Việt Nam có thể đạt mức 1 triệu xe/năm vào 2030.
Về chính sách, các cơ quan chức năng đang xem xét việc ưu đãi miễn thuế tiêu thụ đặc biệt, cho phần linh kiện sản xuất trong nước. Điều này sẽ khuyến khích các DN lắp ráp ô tô tăng cường tìm mua linh kiện trong nước, hợp tác với các nhà cung cấp, đầu tư sản xuất linh kiện. Về phía các DN sản xuất linh kiện, cũng sẽ được hưởng thuế nhập khẩu nguyên vật liệu mức 0% và ưu đãi thuế thu nhập DN, hỗ trợ về cơ sở hạ tầng,…
Nếu có những chính sách tốt, thời gian tới sẽ có nhiều DN trong và ngoài nước đầu tư vào sản xuất linh kiện ô tô. Đặc biệt, Việt Nam còn có hàng trăm DN sản xuất linh kiện xe máy, khi thấy có cơ hội, chắc chắn sẽ mở rộng đầu tư, hướng tới sản xuất linh kiện ô tô. Điều này sẽ thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa ô tô, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Nguồn: vietnamnet.vn