Việt Nam cần xây dựng mô hình tăng trưởng mới
Muốn thúc đẩy tăng trưởng, Việt Nam cần xây dựng mô hình tăng trưởng mới, tập trung đặc biệt vào chất lượng tăng trưởng. Xin trích giới thiệu bài viết của ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc, Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam về vấn đề này.
Cần mô hình tăng trưởng mới
Kể từ khi công cuộc Đổi mới năm 1986 đến nay, Việt Nam đã thành công trong việc chuyển đổi cơ bản cơ cấu kinh tế. Trong giai đoạn 1986-2008, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng hơn 5 lần, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 58% (năm 1993) xuống 7% (năm 2015).
Tuy nhiên, những năm gần đây, tăng trưởng kinh tế có xu hướng chậm lại và đòi hỏi phải có thêm những động lực phát triển mới. Đẩy mạnh cải cách trong nước phù hợp sẽ đóng vai trò quan trọng nhằm đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững hơn, nhanh hơn và cho phép Việt Nam thích nghi với tình hình kinh tế toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng.
Trong khi nền kinh tế Việt Nam hội nhập thành công với kinh tế toàn cầu, thành công này vẫn chủ yếu là nhờ xuất khẩu các sản phẩm thâm dụng lao động và tài nguyên, cũng như khu vực kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Tình hình trên cho thấy, rõ ràng Việt Nam không thể tiếp tục thực hiện mô hình tăng trưởng như hiện nay, nếu muốn thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế. Cần xây dựng một mô hình tăng trưởng mới, tập trung đặc biệt vào vấn đề chất lượng. Lĩnh vực có tính cạnh tranh năng động và hiệu quả, có giá trị gia tăng công nghệ cao hơn phải là các cấu thành trong mô hình phát triển kinh tế mới…
Nền kinh tế Việt Nam cũng gặp phải những thách thức xuất phát từ những chuyển đổi trong khía cạnh kỹ thuật trên toàn cầu và vai trò ngày càng tăng của tự động hóa. Về khía cạnh này, cần tiến hành những hoạt động cần thiết nhằm nâng cao kỹ năng của lực lượng lao động và hạ tầng công nghệ. Như vậy, Việt Nam mới có thể nâng cao vị thế của doanh nghiệp khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Việt Nam cần khẩn trương thực hiện cải cách nhằm tiếp tục chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế trong các lĩnh vực có khả năng cạnh tranh, hiệu quả và có giá trị gia tăng cao hơn để tạo ra việc làm tốt, nhằm tránh bẫy thu nhập trung bình; cải cách thể chế trong lĩnh vực hành chính công, đầu tư công và cần đẩy nhanh tiến trình đổi mới các doanh nghiệp nhà nước để giải quyết những tồn tại trong nền kinh tế.
Đã có những thay đổi lớn trong các khía cạnh chính của nền kinh tế thế giới sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu và Việt Nam cần chủ động thích nghi với môi trường thay đổi này. Do vậy, cần đưa ra khung pháp lý theo đó trao cho khu vực tư nhân vai trò lớn hơn trong nhằm tăng tính cạnh tranh và hiệu quả. Trong bối cảnh đó, Nhà nước cần tập trung nhiều hơn vào việc thiết lập, cung cấp các khuôn khổ pháp lý và giám sát hiệu quả, trong đó nhấn mạnh hơn tới tính minh bạch. Các biện pháp này sẽ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững và bao trùm.
UNDP sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam
UNDP sẽ tiếp tục hỗ trợ tiến trình cải cách này. Chương trình nghị sự cải cách hiện nay đã được phân tích và một số khuyến nghị chính sách đã được UNDP đưa ra trong Báo cáo phát triển nguồn lực (UNHR) ở Việt Nam trong năm 2016. Thông qua một chương trình khác của Liên hợp quốc, việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG) sẽ được hỗ trợ và báo cáo tại diễn đàn của Liên hợp quốc về SDG vào tháng 7/2018 tại New York và thông qua báo cáo SDG năm 2018 của Việt Nam.
Liên hợp quốc sẽ tiếp tục đóng vai trò hỗ trợ chính ở tất cả các cấp của Việt Nam trong quá trình chuẩn bị báo cáo của Việt Nam. SDG có thể là điểm khởi đầu phù hợp để Việt Nam cho thấy triển vọng đi lên thông qua các chính sách, cơ cấu được xây dựng bài bản và được thực hiện tốt.
Những kinh nghiệm gần đây của Việt Nam rất đáng khen ngợi vì những thành công trong việc giảm nghèo nhanh, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và xuất khẩu ở mức cao, qua đó đã đóng góp cho quá trình chuyển đổi xã hội và kinh tế. Từ một đất nước bị chiến tranh tàn phá và nghèo đói, Việt Nam đã xây dựng được một xã hội năng động và hiện đại chỉ trong một thế hệ. Tuy nhiên, việc chuyển đổi này sẽ chỉ bền vững và dẫn tới nấc tiếp theo, nếu thực hiện song song và thống nhất các chính sách về năng suất, giá trị gia tăng, tăng cường thể chế phù hợp và quản trị công.
Liên hợp quốc sẽ rất hân hạnh được tiếp tục đóng vai trò chính trong quá trình này.
Chúng ta đang kỷ niệm 40 năm ngày Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc. Rõ ràng, Liên hợp quốc đóng vai trò duy nhất và rất đặc biệt cho thành công của Việt Nam trong 40 năm qua. Tôi hy vọng, sự phối hợp của UNDP với Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục được tăng cường trên con đường phát triển trong các thập niên tới.
Nguồn: Báo Đầu tư Online