Tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo muốn làm trung tâm điện khí LNG tại khu kinh tế Nghi Sơn
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành công văn về việc giao hướng dẫn thực hiện hồ sơ, thủ tục dự án đầu tư trung tâm điện khí LNG tại khu kinh tế Nghi Sơn.
UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết Công ty Cổ phần Tập đoàn SOVICO về đề xuất dự án đầu tư trung tâm điện khí LNG tại khu kinh tế Nghi Sơn.
Theo đó, sau khi xem xét, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa giao Ban Quản lý khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp đấu mối, hướng dẫn Công ty cổ phần Tập đoàn SOVICO thực hiện hồ sơ, thủ tục dự án đầu tư trung tâm điện Khí LNG tại khu kinh tế Nghi Sơn, để báo cáo kết quả trước ngày 10/8 tới đây.
Được biết, Tập đoàn SOVICO do nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo làm Chủ tịch HĐQT, hoạt động trong nhiều lĩnh vực như tài chính – ngân hàng, hàng không, bất động sản, năng lượng, quản lý tài sản và đầu tư.
Theo tài liệu của Vietnam Finance, giai đoạn từ năm 2016-2019, doanh thu của SOVICO lần lượt ở mức 18,5 tỷ đồng (2016), 27,8 tỷ đồng (2017), 29,2 tỷ đồng (2018) và 164,1 tỷ đồng (2019). Lợi nhuận ở giai đoạn này, giao động ở mức từ 1 tỷ đồng đến 1,7 tỷ đồng.
Đáng chú ý, về tài sản, nếu như năm 2016 đạt mức 2.803 tỷ đồng sau đó giảm xuống các mức 1.647 tỷ đồng (2017) và 912 tỷ đồng (2018), thì đến năm 2019, tổng tài sản của SOVICO đã đạt được lên tới hơn 15.967 tỷ đồng, tăng gấp 17,5 lần so với năm 2018.
Đối ứng bên nguồn vốn, ghi nhận ở năm 2019, vốn chủ sở hữu và nợ phải trả của SOVICO tăng rất mạnh. Cụ thể, nợ phải trả tăng từ 767 tỷ đồng ở đầu năm lên thành 6.158 tỷ đồng vào cuối năm. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu cũng tăng từ 144 tỷ đồng lên thành 9.808 tỷ đồng, tăng gấp 68 lần so với đầu năm.
Liên quan đến dự án trung tâm điện khí LNG tại Thanh Hóa, trước đó, vào tháng 6/2020, 1 doanh nghiệp của Mỹ là Công ty Millennium từng mong muốn đầu tư dự án trung tâm điện – khí LNG Nghi Sơn với tổng vốn đầu tư 7 tỷ USD bằng hình thức đầu tư trực tiếp: xây dựng – sở hữu – vận hành.
Được biết, công suất nhà máy điện là 4.800MW, giai đoạn 1 là 2.400MW, giai đoạn 2 là 2.400MW, tổng vốn đầu tư 5 tỷ USD; công suất kho cảng 8 triệu tấn/năm, cấp khí cho nhà máy điện và các hộ tiêu thụ khác trong khu vực với tổng vốn đầu tư 2 tỷ USD. Công ty dự kiến đưa giai đoạn 1 vào vận hành trước năm 2030, giai đoạn 2 sau năm 2030.