TP. Hồ Chí Minh đưa vào vận hành nhà máy giết mổ công suất hơn 3.000 con heo/ngày

Nhà máy giết mổ gia súc và chế biến thực phẩm An Hạ có công suất giết mổ hơn 3.000 con heo/ngày trên diện tích gần 5ha, tổng vốn đầu tư, xây dựng tính đến nay là hơn 700 tỷ đồng sẽ chính thức hoạt động kể từ ngày 1/4.

Tại buổi họp báo ngày 28/3, Công ty TNHH Dịch vụ An Hạ (TP Hồ Chí Minh) cho biết, đơn vị này sẽ chính thức đưa vào vận hành nhà máy giết mổ gia súc và chế biến thực phẩm An Hạ (xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh), kể từ ngày 01/4/2023.

Ông Lê Văn Thành, đại diện Công ty TNHH Dịch vụ An Hạ, cho biết, với tâm huyết là cố gắng bằng mọi giá để mang đến sản phẩm thịt sạch cho người dân thành phố, trong gần 2 năm qua, An Hạ đã dốc toàn lực để hoàn thành xây dựng nhà máy giết mổ gia súc và chế biến thực phẩm An Hạ và chấp nhận đưa nhà máy vào hoạt động với giá thành thấp nhất, chỉ bằng chi phí đầu tư cộng với chi phí vận hành mà không cần lợi nhuận.

Công ty TNHH Dịch vụ An Hạ tổ chức họp báo công bố vận hành nhà máy giết mổ gia súc và chế biến thực phẩm tại TP Hồ Chí Minh

Hiện nhà máy đã hoàn thành lắp đặt 6 dây chuyền giết mổ theo đúng quy trình công nghệ được Sở NN&PTNT TP Hồ Chí Minh thẩm định. Toàn bộ 6 dây chuyền được nhập khẩu từ Brazil, thiết kế theo tiêu chuẩn quốc tế. Quy trình giết mổ được quản lý theo tiêu chuẩn HACCP.

Các công đoạn sản xuất được vận hành bằng cơ giới hóa và có tính tự động cao, đảm bảo các điều kiện về an toàn lao động, an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y và bảo vệ môi trường. Có hệ thống thông tin quản lý toàn diện, thuận tiện cho quá trình truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Nhà máy giết mổ gia súc công nghiệp nguy có cơ ế do thương lái chuyển hoạt động về các tỉnh

Thương lái vẫn ngại vào lò giết mổ tập trung

Theo tìm hiểu của phóng viên, sở dĩ các thương lái “ngại” vào cơ sở giết mổ công nghiệp một phần do đã quen với giết mổ gia súc, gia cầm thủ công nên khi vào giết mổ công nghiệp còn bỡ ngỡ, dẫn tới việc họ tìm hướng chuyển về các tỉnh lân cận để giết mổ. Ngoài ra, chi phí cũng là một khó khăn. Theo đó, nếu như giết mổ thủ công chỉ khoảng 50.000-60.000 đồng/con thì giết mổ công nghiệp đội lên gấp đôi – tức là 100.000-120.000 đồng/con.

Cũng theo ông Lê Văn Thành, hiện tại cho đến thời điểm này, sau khi thành phố quyết định dừng hoạt động các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm thủ công từ ngày 31/3 tới đây, đã xuất hiện tình trạng các thương lái di chuyển về các tỉnh lân cận để giết mổ (Đức Hòa – Long An). Điều này sẽ dẫn tới một nghịch lý là trong khi TP Hồ Chí Minh ra lệnh đóng cửa tất cả các cơ sở giết mổ thú công trong thành phố (đồng nghĩa với việc Thành phố ngừng thực hiện việc kiểm soát giết mổ thủ công), thì các sản phẩm thịt được giết mổ từ các lò thủ công ở các tỉnh lân cận lại vẫn được vận chuyến ngược về Thành phố đế cung cấp cho người dân tiêu thụ nguồn thịt này!? Đây là hai việc hoàn toàn trái ngược nhau, vô cùng mâu thuẫn dẫn đến bức xúc cho các cơ sở thủ công lẫn các nhà máy công nghiệp trên địa bàn Thành phố.

“Cấm cửa” các cơ sở giết mổ gia súc thủ công

Theo chủ trương của TP Hồ Chí Minh, hiện nay, trên địa bàn Thành phố còn rất nhiều điểm giết mổ thủ công, cụ thể như ở khu Tân Sơn – Gò vấp, khu Vĩnh Lộc – Bình Chánh, mỗi ngày giết mổ hàng ngàn con heo, gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm, làm ô nhiễm môi trường sống của người dân một cách nghiêm trọng.

Kể từ ngày 01/4/2023, TP Hồ Chí Minh sẽ “cấm cửa” các cơ sở giết mổ gia súc thủ công

Đại diện công ty An Hạ cho rằng, UBND Thành phố và các Sở, ban ngành cần có biện pháp quyết liệt để ngăn chặn nguồn heo được giết mổ từ các lò thủ công từ các tỉnh lân cận đưa về Thành phố tiêu thụ, đồng thời ngăn chặn triệt để vấn nạn giết mổ lậu đang diễn ra công khai rầm rộ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, nhằm bảo vệ sức khỏe cho người dân, tiếp đến là đảm bảo sự cạnh tranh công bằng đối với các doanh nghiệp đã thực hiện đúng chủ trương xây dựng nhà máy giết mổ công nghiệp theo chỉ đạo của UBND Thành phố trong việc đảm bảo, cung cấp nguồn thịt sạch cho người dân thành phố.

Được biết hiện nay, thành phố có tổ công tác hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ các nhà máy giết mổ công nghiệp. Tổ công tác này sẽ hỗ trợ cho các cơ sở giết mổ thực hiện các thủ tục. Đồng thời chủ trì, phối hợp với các địa phương làm việc với các chủ đầu tư dự án xây dựng nhà máy giết mổ công nghiệp trên địa bàn thành phố báo cáo, đề xuất UBND TP Hồ Chí Minh có giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cụ thể của từng dự án, nhằm nâng dần công suất giết mổ công nghiệp, đảm bảo trong năm 2023 các nhà máy giết mổ gia súc công nghiệp phải hoạt động đạt từ 80 – 100% công suất theo thiết kế.

Chủ trương của UBND TP Hồ Chí Minh là ngừng hoạt động các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm thủ công, chuyển sang các nhà máy giết mổ công nghiệp từ ngày 01/4/2023. Theo Quyết định số 231/QĐ-UBND của UBND TP Hồ Chí Minh, đến ngày 31/3/2023, các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm thủ công trong khu dân cư sẽ chuyển vào trong các nhà máy giết mổ công nghiệp. Đây là chủ trương đúng đắn của Thành phố để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường đô thị…

Nguồn tin: www.nhachannuoi.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Quảng cáo