Toan tính của Vingroup khi tham gia bất động sản công nghiệp
Ngoài đón sóng chuyển dịch đầu tư, mảng kinh doanh mới còn là bước tạo đà cho VinFast, với kỳ vọng phát triển mạng lưới công nghiệp phụ trợ.
Bất động sản khu công nghiệp đang trở thành cái tên “song hành” với Vingroup, khi tập đoàn này có những động thái rõ nét. Công ty con phụ trách mảng này được tăng vốn từ 70 tỷ lên 6.000 tỷ đồng. Đầu tháng 4, Vinhomes IZ đề xuất đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Thủy Nguyên (Hải Phòng) trên diện tích 319 ha, với tổng vốn hơn 4.000 tỷ đồng.
Tại phiên họp thường niên tổ chức tuần qua, lãnh đạo Vingroup và Vinhomes lý giải quyết định đầu tư là tận dụng cơ hội từ điều kiện vĩ mô và xu hướng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). “Vingroup xác định bất động sản công nghiệp sẽ là mảng kinh doanh chính và quan trọng trong tương lai bởi lĩnh vực này mang lại dòng tiền thường xuyên”, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vingroup nói.
Tuy nhiên, việc đón sóng đầu tư có thể chỉ là một nửa câu chuyện. Quyết định phát triển bất động sản khu công nghiệp còn mang theo những toan tính của Vingroup về việc mở rộng hệ sinh thái cho mảng sản xuất với tham vọng đi nhanh hơn. Bà Nguyễn Diệu Linh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinhomes cho biết, những khách hàng mục tiêu ban đầu của mảng bất động sản khu công nghiệp sẽ là các đơn vị trong chuỗi cung ứng linh kiện ôtô, mục đích nhằm tạo ra một hệ sinh thái xung quanh VinFast cả về yếu tố sản xuất và địa lý.
Việc phát triển ngành công nghệ phụ trợ là nỗi niềm của ngành sản xuất ôtô trong hơn hai thập kỷ phát triển. Tỷ lệ nội địa hóa ôtô ở Việt Nam đến nay trung bình mới đạt 7-10%, trong khi Thái Lan đã tới 80%. Theo Bộ Công Thương, ngành sản xuất ôtô nội địa chưa làm chủ được các công nghệ cốt lõi, trong khi các sản phẩm được nội địa hóa, phần lớn là hàm lượng công nghệ thấp như săm, lốp, ghế ngồi, gương, khung vỏ, kính…
Vắng bóng những doanh nghiệp phụ trợ lớn, thiếu gắn kết trong chuỗi cung ứng khiến những tên tuổi lớn trong ngành trước đó như Thaco hay TC Motor chỉ ở dạng “lắp ráp”, còn những nhà sản xuất đầu tiên, như Vinaxuki, đã rời khỏi thị trường trong thua lỗ. Nhưng VinFast, vốn được Vingroup xác định là trọng tâm trong tương lai, có thể thay đổi thực tế này, đặc biệt với chiến lược phát triển khu công nghiệp.
Việc phát triển ngành công nghệ phụ trợ là nỗi niềm của ngành sản xuất ôtô trong hơn hai thập kỷ phát triển. Tỷ lệ nội địa hóa ôtô ở Việt Nam đến nay trung bình mới đạt 7-10%, trong khi Thái Lan đã tới 80%. Theo Bộ Công Thương, ngành sản xuất ôtô nội địa chưa làm chủ được các công nghệ cốt lõi, trong khi các sản phẩm được nội địa hóa, phần lớn là hàm lượng công nghệ thấp như săm, lốp, ghế ngồi, gương, khung vỏ, kính…
Vắng bóng những doanh nghiệp phụ trợ lớn, thiếu gắn kết trong chuỗi cung ứng khiến những tên tuổi lớn trong ngành trước đó như Thaco hay TC Motor chỉ ở dạng “lắp ráp”, còn những nhà sản xuất đầu tiên, như Vinaxuki, đã rời khỏi thị trường trong thua lỗ. Nhưng VinFast, vốn được Vingroup xác định là trọng tâm trong tương lai, có thể thay đổi thực tế này, đặc biệt với chiến lược phát triển khu công nghiệp.
Vingroup sau khi xây dựng nhà máy đã kéo những tên tuổi lớn trong ngành phụ trợ như ZF, Lear, Faurecia, Antolin, Aapico, LG Chem, VinFast – An phát, Nexmo, Namyang về khu tổ hợp VinFast ở Hải Phòng.
“Trước mắt chúng tôi sẽ tìm kiếm khách thuê mảng khu công nghiệp là những đơn vị trong chuỗi cung ứng cho VinFast, sau đó sẽ mở rộng các đối tượng khác”, Chủ tịch Vinhomes nói và cho biết tập đoàn sẽ đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng trong 1-2 năm tới.
Việc thành lập riêng một đơn vị quản lý tạo sự rõ ràng hơn trong mô hình kinh doanh. Khu tổ hợp VinFast sẽ được chuyển sang bất động sản khu công nghiệp do Vinhomes quản lý và VinFast trở thành một trong các khách hàng thuê đầu tiên. Việc tách bạch giữa bất động sản và sản xuất cũng tránh sự chồng chéo trong quản lý tại VinFast, đồng thời, tạo ra một hệ thống thu hút đầu tư thích hợp.
Lãnh đạo Vinhomes cho biết VinFast sẽ không nhận được ưu đãi nào riêng. “Nếu VinFast được ưu đãi thì các công ty khác cũng được tương tự”, bà Linh khẳng định. Thay vào đó, ban đầu Vinhomes sẽ đưa ra những chính sách giá hấp dẫn để thu hút khách hàng thuê.
Ông Phạm Nhật Vượng cho rằng bất động sản khu công nghiệp sẽ mang lại dòng tiền thường xuyên. Điều này là cần thiết, nếu nhìn từ diễn biến Covid-19, một mảng kinh doanh có khả năng phân tán rủi ro và hướng tới những nguồn thu ổn định càng trở nên quan trọng hơn.
Dịch bệnh bùng phát đã tác động lên nhiều hoạt động kinh doanh, nhưng nặng nhất phải kể đến du lịch và nghỉ dưỡng. Với Vingroup, ảnh hưởng lớn nhất là hoạt động của Vinpearl. Ba tháng đầu năm, bộ phận này ghi nhận doanh thu hơn 1.800 tỷ nhưng lỗ trước thuế gần 1.700 tỷ đồng. Ngược lại, bất động sản khu công nghiệp được đánh giá là “ngôi sao đang lên” bất chấp dịch bệnh.
Covid-19 gây gián đoạn chuỗi cung ứng tại Trung Quốc lại khiến các nhà đầu tư quan tâm nhiều hơn tới kế hoạch mở rộng, đặt chi nhánh hoặc cơ sở sản xuất tại những thị trường khác, trong đó có Việt Nam.
Theo đại diện Savills Việt Nam, việc chuyển một phần cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc như một phương pháp các công ty đa quốc gia bảo hiểm rủi ro. Bên cạnh đó, vị trí địa lý gần Trung Quốc cũng giúp các nhà đầu tư dễ dàng bổ sung cơ sở sản xuất nhưng vẫn không cần từ bỏ thị trường 1,4 tỷ dân này. Google, Microsoft và cả Apple đang cho thấy những bước đi đầu tiên trong làn sóng dịch chuyển.
Việc đầu tư trong giai đoạn nhu cầu đang tăng sẽ giúp Vingroup nhanh chóng lấp đầy các dự án. Trong khi đó, những quyết định đầu tư lớn thường kèm theo tầm nhìn dài hạn, điều này sẽ mang lại một khoản thu ổn định và kéo dài.
Đại diện Vinhomes cho biết mục tiêu là mảng bất động sản khu công nghiệp sẽ đóng góp khoảng 10% tổng doanh thu. Căn cứ theo kế hoạch doanh thu năm 2020, mảng này có thể mang về 14.000-15.000 tỷ đồng trong tương lai. Con số này chỉ đứng sau quy mô doanh thu mảng kinh doanh bất động sản và mảng bán lẻ đã thoái vốn.
Nguồn: vnexpress