Thu hút đầu tư trong bối cảnh đại dịch COVID-19

Với lợi thế là một tỉnh nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Thừa Thiên Huế có nhiều tiềm năng và cơ hội về thu hút đầu tư. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã và đang gây ra những tác động không nhỏ, tỉnh vẫn kiên trì mục tiêu tăng trưởng, triển khai nhiều giải pháp nhằm thu hút các nguồn lực, kêu gọi đầu tư lớn vào các dự án trọng điểm.

Cảng Chân Mây đang được đầu tư nâng cấp, mở rộng để đáp ứng nhu cầu vận chuyển và đón khách du lịch. (Ảnh: Minh Kiệt)

Sức hút từ một tỉnh miền Trung

Nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, có sân bay quốc tế Phú Bài, cảng nước sâu Chân Mây, khu di sản văn hóa thế giới…, những năm qua, phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có, tỉnh Thừa Thiên Huế đã đẩy mạnh thu hút đầu tư; tăng cường đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đặc biệt, quyết tâm xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố di sản trực thuộc Trung ương đến năm 2025.

Dù chịu tác động đáng kể của đại dịch COVID-19, song thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn nỗ lực, quyết tâm triển khai quyết liệt, đồng bộ có hiệu quả nhằm phát triển kinh tế – xã hội trên tất cả các ngành, lĩnh vực. Trong đó, tổng sản phẩm trong tỉnh GRDP (theo giá so sánh 2010) ước đạt 15.581,26 tỷ đồng, bằng 45,34% so kế hoạch, tăng 5,64% so với cùng kỳ; đạt ở mức khá so với các tỉnh/thành trong vùng Duyên Hải miền Trung. Thu ngân sách 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt 4.540 tỷ đồng, bằng 74,9% dự toán và tăng 13,1% so với cùng kỳ. Chi ngân sách ước đạt 4.486,8 tỷ đồng, bằng 42% dự toán.

Đặc biệt, thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã chủ trương xây dựng môi trường đầu tư theo hướng công khai, minh bạch các dự án kêu gọi đầu tư trên địa bàn. Với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh cùng nhiều giải pháp triển khai cụ thể, tỉnh đã thu hút được nhiều dự án đầu tư quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Tính đến tháng 6/2021, tỉnh đã phát triển và thu hút đầu tư với 300 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 2.061 tỷ đồng; 192 đơn vị trực thuộc thành lập mới, tăng 57,3%. Số doanh nghiệp hoạt động trở lại có 214 doanh nghiệp, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ. Trong 6 tháng đầu năm 2021, tỉnh đã cấp phép cho 19 dự án với tổng mức đầu tư 12.815,8 tỷ đồng (trong đó Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh có 03 dự án với vốn đăng ký 3.004 tỷ đồng) và cấp điều chỉnh 12 dự án, trong đó tăng vốn đầu tư 04 dự án, có vốn đầu tư tăng thêm 293,6 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã chỉ đạo xây dựng và ban hành các chương trình, kế hoạch giai đoạn 2021 – 2025 như: Kế hoạch khuyến công địa phương giai đoạn 2021 – 2025, Kế hoạch xúc tiến thương mại 2021 – 2025, Kế hoạch xây dựng chợ Văn minh thương mại giai đoạn 2021 – 2025, đồng thời chỉ đạo triển khai xây dựng phương án phát triển cụm công nghiệp giai đoạn 2021 – 2025, kế hoạch phát triển công nghiệp – thương mại giai đoạn 2021 – 2030 tầm nhìn đến 2045 để làm cơ sở triển khai thực hiện, sẽ tiến hành cụ thể hoá và tích hợp vào Quy hoạch phát triển kinh tế tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021 – 2030…

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án Nhà máy chế xuất Billion Max Việt Nam cho đại diện nhà đầu tư . (Ảnh: thuathienhue.gov.vn)

Sáng tạo, linh hoạt trong thu hút đầu tư

Những năm trở lại đây, Thừa Thiên Huế đã vươn lên là một trong 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với nhiều dự án hàng tỷ USD. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Thừa Thiên Huế, các dự án FDI tại địa phương thời gian qua đã thu hút vốn lớn, công nghệ và quản lý hiện đại, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng năng suất lao động.

Tuy nhiên, thời gian qua, cũng như nhiều địa phương trong cả nước, việc phát triển kinh tế – xã hội, thu hút đầu tư của tỉnh Thừa Thiên Huế đã và đang gặp không ít khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19. Song với nỗ lực “biến nguy thành cơ”, các cơ quan chức năng của tỉnh đã có những sáng tạo, đổi mới trong công tác, quản lý điều hành, phấn đấu hoàn thành “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế…

Ngay từ năm 2020, trước những khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, tỉnh Thừa Thiên Huế đã có điều chỉnh các phương án xúc tiến đầu tư để thích ứng với tình hình thực tế, trong đó, tăng cường xúc tiến đầu tư tại chỗ. Tỉnh cũng đã quan tâm việc xúc tiến và hỗ trợ FDI; nhất là ban hành nhiều chính sách thu hút đầu tư, tập trung cải thiện các thủ tục hành chính, minh bạch hóa môi trường đầu tư, kinh doanh và tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư nước ngoài nghiên cứu và triển khai dự án trên địa bàn. Tỉnh đang tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ các bất cập, vướng mắc về vốn và các dịch vụ tài chính ngân hàng; đồng thời tạo sự gắn kết hơn nữa giữa chính quyền và doanh nghiệp FDI tại địa phương. Điều này nhằm giúp các doanh nghiệp có nhiều góc nhìn về tiềm năng phát triển tại địa phương, qua đó cùng hợp tác tạo nên môi trường kinh doanh lành mạnh và phát triển.

Trong đó, tỉnh chú trọng các dự án lớn, tạo giá trị gia tăng, nguồn thu ngân sách…, tác động lớn đến tình hình kinh tế xã hội của tỉnh trong thời gian tới. Tăng cường đôn đốc tiến độ triển khai và kiên quyết xử lý các dự án vi phạm tiến độ đầu tư. Điều chỉnh quy định trình tự, thủ tục thực hiện, giám sát, quản lý dự án đầu tư và xây dựng không sử dụng vốn Nhà nước trên địa bàn nhằm rút ngắn thời gian các thủ tục đầu tư.

Ngoài tập trung đẩy mạnh xúc tiến đầu tư các thị trường truyền thống như Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Nhật Bản, Hongkong (Trung Quốc), tỉnh cũng đẩy mạnh xúc tiến đầu tư vào thị trường Hoa Kỳ, châu Âu và các doanh nghiệp đến từ các quốc gia có thể hưởng lợi từ việc Việt Nam gia nhập các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, tận dụng lợi thế vị trí chiến lược của địa phương về cảng biển, cảng hàng không, nguồn lao động chi phí thấp.

Cùng với đó, phương thức xúc tiến đầu tư cũng được thay đổi: Thay vì tổ chức xúc tiến đầu tư trực tiếp như trước kia, thì nay đã được chuyển sang xúc tiến đầu tư trực tuyến, đặc biệt là vào thị trường, dự án trọng điểm. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế, trong điều kiện đi lại khó khăn giữa các quốc gia do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 thì việc xúc tiến đầu tư trực tuyến đang được xem như một “cứu cánh” trong công tác này. Ngoài việc hạn chế những nguy cơ lây lan dịch bệnh, các hội nghị xúc tiến đầu tư trực tuyến còn tiết kiệm chi phí, phù hợp với sự phát triển của công nghệ thông tin…

Có thể kể đến những cuộc họp trực tuyến của lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế với Tập đoàn Nhà đất Hàn Quốc – Korea Land & Housing Corporation (LH) để triển khai Dự án đầu tư phát triển Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô mà tỉnh đã ký kết biên bản ghi nhớ với Tập đoàn LH; hay Lễ Ký kết Biên bản ghi nhớ về việc nghiên cứu đầu tư Trung tâm Thương mại AEON MALL tại Thừa Thiên Huế dưới hình thức trực tuyến giữa UBND tỉnh và Công ty TNHH AEONMALL Việt Nam (AEONMALL Việt Nam)…

Bên cạnh đó, để vượt qua những khó khăn do dịch bệnh, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đang xây dựng danh mục kêu gọi đầu tư giai đoạn 2021 – 2022 với nhiều nội dung. Tỉnh đã xây dựng và vận hành phần mềm quản lý dự án, giúp nhà đầu tư theo dõi tiến độ dự án, là kênh kết nối nhà đầu tư với chính quyền. Thông qua phần mềm, nhà đầu tư có thể phản ánh những vướng mắc với chính quyền để cùng tháo gỡ, thúc đẩy tiến độ dự án.

Ngoài ra, trang web ipa.thuathienhue.gov.vn cũng thường xuyên cập nhật các nội dung mới nhất về đầu tư, pháp lý làm công cụ để nhà đầu tư có thể nghiên cứu, tìm hiểu. Cùng với đó là đẩy mạnh xúc tiến đầu tư thông qua kênh đại diện xúc tiến đầu tư của tỉnh tại Thái Lan, Hàn Quốc, Singapore để quảng bá cơ hội, môi trường đầu tư đến các nhà đầu tư nước ngoài.

Thừa Thiên Huế quyết tâm cao để thực hiện “mục tiêu kép”. (Ảnh: Thái Bình)

Quyết tâm cao thực hiện “mục tiêu kép”

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng gặp nhiều khó khăn bởi tác động của đại dịch COVID-19, Thừa Thiên Huế quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép” vừa đảm bảo phòng, chống dịch bệnh COVID-19, vừa phát triển kinh tế.

Để làm được điều này, Thừa Thiên Huế, tiếp tục tăng cường xúc tiến đầu tư tại chỗ, rà soát thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng cho các dự án đã được cấp phép; hỗ trợ nhà đàu tư triển khai giải ngân để đẩy mạnh tiến độ thực hiện dự án, ổn định thị trường đầu tư tại chỗ, sớm khởi công các dự án… Hiện tỉnh đang đẩy mạnh kêu gọi nhà đầu atư trong và ngoài nước trên tất cả các lĩnh vực; sản xuất nông nghiệp, công nghiệp chế biến các sản phẩm nông nghiệp; du lịch, dịch vụ du lịch, bất động sản; hạ tầng các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu phi thuế quan; công nghiệp sản xuất, chế biến, chế tạo, công nghiệp lắp ráp; kêu gọi đầu tư cho các ngành có ý nghĩa về an sinh xã hội, giáo dục đào tạo; công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may và các ngành công nghiệp phụ trợ khác.

Trong thời gian tới, tỉnh Thừa Thiên Huế xác định từng bước hình thành hệ thống các khu công nghiệp gắn với phát triển các đô thị, có vai trò dẫn dắt sự phát triển công nghiệp của tỉnh; Tập trung đẩy mạnh phát triển Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô theo hướng nhanh và bền vững, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế của tỉnh.

Xác định việc đón đầu cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 là ưu tiên hàng đầu, theo đó, Thừa Thiên Huế sẽ tập trung đẩy mạnh xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực liên quan như công nghệ thông tin, công nghiệp văn hóa khai thác các giá trị văn hóa, di sản của cố đô Huế, công nghệ cao, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vật liệu mới, công nghệ sinh học và một số ngành liên quan khác phù hợp định hướng phát triển.

Ngoài ra, tỉnh cũng tiếp tục tăng cường công tác xúc tiến quảng bá đầu tư bằng nhiều hình thức, trong đó tập trung nguồn lực thực hiện các hoạt động quảng bá, tuyên truyền trên các kênh truyền thông…

Tin tưởng rằng, với sự quan tâm mạnh mẽ của lãnh đạo địa phương trong công tác đổi mới, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, Thừa Thiên Huế sẽ là địa điểm đầu tư thu hút, hấp dẫn đối các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Với quyết tâm và sự đồng lòng của tất cả các cấp, các ngành, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đề ra trong năm 2021.

Nguồn: https://dangcongsan.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Quảng cáo