Thành phố Tuyên Quang: Ưu tiên quỹ đất cho phát triển công nghiệp
Theo quy hoạch tỉnh Tuyên Quang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Tuyên Quang tập trung phát triển ba trụ cột kinh tế. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và năng lượng theo định hướng kinh tế tuần hoàn và tăng trưởng xanh. Xác định được điều này, thành phố Tuyên Quang đã ưu tiên quỹ đất cho phát triển công nghiệp, trong đó tập trung khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế về tài nguyên, nguồn lao động của từng vùng.
Với lợi thế là trung tâm kinh tế – xã hội của tỉnh, thời gian qua, thành phố Tuyên Quang đã triển khai các cơ chế chính sách, đồng thời không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và ưu tiên quỹ đất cho phát triển công nghiệp. Thành phố Tuyên Quang dành 245 ha đất cho Khu công nghiệp Long Bình An và Khu công nghiệp Nhữ Khê – Đội Cấn. Hiện Khu công nghiệp Long Bình An có tỷ lệ lấp đầy đạt hơn 90% còn Khu công nghiệp Nhữ Khê – Đội Cấn vừa được quy hoạch nên chưa có các dự án vào đầu tư.
Ông Trần Đức Thuận, Giám đốc Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh cho biết: Ngoài các dự án lớn đã hoạt động lâu năm thuộc Khu công nghiệp Long Bình An như Công ty may MSA-YB, Công ty cổ phần Bột giấy và Giấy An Hòa, Công ty TNHH Seshin VN2…từ năm 2021 đến nay, thành phố Tuyên Quang đã thu hút thêm được 3 dự án đầu tư vào Khu công nghiệp Long Bình An. Dự án mới nhất là Dự án Nhà máy nhiên liệu sinh khối EREX SAKURA của Nhật Bản. Các dự án còn lại là dự án bê tông đúc sẵn của Công ty TNHH Phú Bình (Tuyên Quang) và dự án Nhà máy chế biến gỗ của Công ty TNHH Sao Việt (Tuyên Quang).
Dự án Nhà máy nhiên liệu sinh khối EREX SAKURA của Nhật Bản hiện đang trong giai đoạn thẩm định. Dự án đăng ký hoạt động trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm khác từ gỗ như viên nén sinh khối, dăm gỗ; công suất thiết kế 150.000 tấn sản phẩm/năm và dăm gỗ 150.000 tấn sản phẩm/năm. Tổng vốn đầu tư dự kiến gần 480 tỷ đồng. Dự án hứa hẹn đem lại công ăn, việc làm cho nhiều lao động địa phương đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn.
Công ty TNHH Sao Việt đang đầu tư 2 nhà máy chế biến gỗ tại Khu công nghiệp Long Bình An. Bà Cao Thị Cẩm Tú, Phó Giám đốc Công ty TNHH Sao Việt cho biết, hiện doanh nghiệp đang đầu tư xây dựng 2 nhà máy sản xuất, chế biến sản phẩm gỗ rừng trồng xuất khẩu với quy mô 6,15 ha, tổng đầu tư dự kiến 100 tỷ đồng. Nhà máy sản xuất ván ép xuất khẩu đi vào hoạt động trong tháng 12-2022. Nhà máy sản xuất đồ nội thất xuất khẩu hiện đang làm mặt bằng, nhà xưởng dự kiến sau 1 tháng nữa sẽ đi vào hoạt động.
Tại kỳ họp chuyên đề thứ năm HĐND thành phố khóa XXII, nhiệm kỳ 2021-2026, HĐND thành phố Tuyên Quang cùng các đại biểu đã quyết nghị thông qua việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 02/NQ-HĐND ngày 10/5/2023 của Hội đồng nhân dân thành phố về việc thông qua Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030 của thành phố Tuyên Quang. Theo đó, HĐND thành phố điều chỉnh tăng chỉ tiêu diện tích quy hoạch đất Khu công nghiệp Nhữ Khê – Đội Cấn từ 40 ha thành 75 ha. Đồng thời điều chỉnh giảm diện tích tương ứng đối với các loại đất, gồm: Đất sản xuất vật liệu xây dựng, làm đồ gốm; đất khu vui chơi giải trí công cộng; đất sông ngòi kênh rạch suối và đất có mặt nước chuyên dùng.
Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Đình Trung nhấn mạnh, việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 02/NQ-HĐND ngày 10/5/2023 của Hội đồng nhân dân thành phố về việc thông qua Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 – 2030 của thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang là cơ sở để triển khai thực hiện kịp thời các dự án, công trình mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn thành phố trong giai đoạn tới. Nhất là phát triển các dự án công nghiệp.
“Khu công nghiệp Nhữ Khê – Đội Cấn được thành lập ngay tại phường sẽ thu hút được nhiều doanh nghiệp đến đầu tư tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho lao động địa phương. Bài toán tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân được giải quyết, đồng thời cũng thúc đẩy phát triển các ngành nghề dịch vụ khác như thương mại, dịch vụ phát triển” – Đồng chí Nguyễn Tất Thành, Phó Chủ tịch UBND phường Đội Cấn, thành phố Tuyên Quang phấn khởi chia sẻ.
Các vùng công nghiệp đã và đang hình thành sẽ khai thác được tối đa tiềm năng, lợi thế tự nhiên, xã hội, góp phần quan trọng gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp của thành phố Tuyên Quang và của tỉnh. Đây cũng chính là giải pháp để hình thành mạng lưới sản xuất công nghiệp tập trung, hạn chế tình trạng sản xuất phân tán không theo quy hoạch và gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời, khai thác tối đa nguồn lao động dồi dào ngay tại địa phương, kích thích sự phát triển của các khu dân cư, đô thị và xây dựng nông thôn mới.
Nguồn: thanhpho.tuyenquang