Tăng cường hiệu quả của dòng vốn FDI bằng cách nào?
Nền kinh tế chỉ có thể hấp thụ được những “qủa ngọt” của FDI khi có sự chuẩn bị và khả năng hấp thụ những chuyển giao công nghệ.
Trong thời đại ngày nay, sự dịch chuyển của các dòng vốn diễn ra rất nhanh chóng, nhất là sau một sự kiện bất thường về chính trị trong khu vực, an ninh xã hội hay khủng hoảng kinh tế.
Theo đó, dưới tác động mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0, với việc sử dụng robot trong sản xuất ở nhiều nước phát triển hiện nay thì yếu tố lao động giá rẻ của chúng ta đang mất dần lợi thế.
Chưa kể, với việc máy móc thay thế con người toàn diện hơn thì nhiều ngành sản xuất sẽ quay về các nước phát triển. Vì vậy, nền kinh tế độc lập tự chủ với thể chế hoàn thiện và năng lực sáng tạo của người dân, doanh nghiệp trong nước mới là cái gốc vững bền của nền kinh tế.
Cần cách tiếp cận mới
Đối với nguồn vốn FDI, cần có cách tiếp cận mới trong xây dựng một chiến lược thu hút đầu tư. Thứ nhất, việc thu hút vốn FDI phải hỗ trợ nâng cấp công nghiệp và giúp các doanh nghiệp nội hội nhập vào mạng lưới sản xuất toàn cầu, đồng thời phải giảm dần sự phụ thuộc vào dòng vốn này. Sự phụ thuộc này sẽ làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế tư nhân trong nước, đồng thời còn đặt nền kinh tế Việt Nam đối mặt với những rủi ro trước những biến động của kinh tế toàn cầu.
Thứ hai, với việc độ mở của nền kinh tế Việt Nam đã khá cao và sự tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, cần tư duy để Việt Nam trở thành một “đặc khu” trong chiến lược thu hút vốn FDI. Từ đó sẽ có những chính sách nhất quán, thông minh và hiệu quả.
Kinh nghiệm của những quốc gia đi trước cho thấy, FDI chỉ có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế ở những nước có sự chuẩn bị và khả năng hấp thụ những chuyển giao công nghệ. Để hỗ trợ việc chuyển giao công nghệ, cần có chiến lược dài hơi, có sự chung tay của cả doanh nghiệp và Chính phủ. Về phía Chính phủ, cần có những quy định chặt chẽ đối với các doanh nghiệp FDI khi đầu tư vào Việt Nam trong việc chuyển giao công nghệ.
Bên cạnh đó, cần có chính sách phát triển khoa học – công nghệ trong nước, thu hút nguồn nhân lực vào lĩnh vực này. Có chính sách khuyến khích đối tác FDI liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp trong nước.
Kinh nghiệm của Trung Quốc và nhiều nước đi trước cho thấy, các dự án liên doanh thường có hiệu quả về chuyển giao công nghệ cao hơn so với các dự án 100% vốn nước ngoài. Cùng với đó, cần yêu cầu và khuyến khích các doanh nghiệp FDI thực hiện các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Việt Nam.
Những hoạt động này sẽ tác động tích cực đến quá trình chuyển giao công nghệ. Về phía doanh nghiệp, các doanh nghiệp trong nước phải nỗ lực nâng cao năng lực bản thân về tất cả các mặt, từ máy móc đến công nghệ và năng lực của đội ngũ cán bộ. Chỉ khi đó các doanh nghiệp FDI mới tìm đến đặt hàng và hỗ trợ hoàn thiện quy trình sản xuất đáp ứng yêu cầu của họ.
Giải pháp đồng bộ như thế nào?
Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả thu hút vốn FDI, trong thời gian tới cần thực hiện đồng bộ 5 giải pháp sau:
Một là, Đổi mới phương thức xúc tiến thương mại, chuyển từ thụ động sang chủ động, cùng với đó, có chiến lược thu hút phục vụ từng lĩnh vực rõ ràng. Cần chủ động ưu tiên xúc tiến đầu tư nhất và FDI mang lại nhiều giá trị gia tăng nhất, như chế tạo chế biến, dịch vụ – logistics, nông nghiệp, du lịch, giáo dục – y tế. Dù vậy, những ngành then chốt khác, như dệt may, da giày, quần áo, dịch vụ gia công thuê ngoài, chế biến sơ cấp kim loại, khoáng chất vẫn sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng.
Hai là, Tập trung thu hút có trọng tâm, kết hợp với phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ để có thể tận dụng tối đa sự lan tỏa về mặt công nghệ theo chiều dọc thay vì thu hút dàn trải. Trong nhiều năm, các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương luôn “trải thảm đỏ” chào mời các công ty đa quốc gia, các doanh nghiệp nổi tiếng và các dự án siêu lớn bởi chính sách ưu đãi “hậu hĩnh”, trong khi chúng ta chưa chú trọng với các dự án vừa và nhỏ trong các ngành hỗ trợ.
Vì vậy, cần sửa đổi toàn diện khung chính sách ưu đãi hiện hành theo hướng đổi mới tư duy từ quan điểm hào phóng, lãng phí, đua nhau ưu đãi bằng cách giảm chi phí sang quan điểm cạnh tranh dựa trên những lợi thế riêng, các tài sản chiến lược, thế mạnh của Việt Nam.
Ba là, Có chính sách cụ thể tăng cường sự kết nối giữa doanh nghiệp FDI với các nhà cung cấp trong nước. Các chính sách bao gồm việc xây dựng cơ sở dữ liệu các doanh nghiệp FDI, các nhà cung cấp, các dịch vụ kết nối, các chương trình xúc tiến đầu tư nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài có chính sách ưu tiên, hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước.
Bốn là, Mở cửa các lĩnh vực quan trọng trên cơ sở xem xét lại một cách có hệ thống các hạn chế pháp lý và các rào cản về thủ tục đối với thu hút FDI trong các lĩnh vực ưu tiên. Điều chỉnh theo hướng nới lỏng sở hữu và vốn của nhà đầu tư nước ngoài đối với những lĩnh vực chủ chốt cần phát triển, tạo sân chơi bình đẳng cho các nhà đầu tư.
Năm là, Cải cách thể chế, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng chính phủ điện tử, tăng tính hiệu quả và minh bạch. Trong quá trình hoạch định các chính sách, bên cạnh việc chú trọng đến chỉ tiêu tăng trưởng GDP (Gross Domestic Products – sản phẩm được làm ra trên lãnh thổ Việt Nam) cần chú trọng đến chỉ tiêu GNP (Gross National Products – sản phẩm được tạo ra bởi chính người Việt Nam). Trên thực tế hiện nay ở nước ta, GNP thường thấp hơn GDP từ 10 đến 15 tỷ USD hằng năm chủ yếu đến từ khu vực FDI.
TS Phạm Việt Dũng – Trưởng ban Kinh tế Tạp chí Cộng sản
Nguồn: enternews.vn