Sử dụng gạch không nung, từ chính sách đến thực tiễn: Giới chuyên môn nói gì?
Tăng cường sử dụng và sản xuất vật liệu xây dựng không nung (VLXDKN), hạn chế sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung là một xu thế tất yếu, là chủ trương đúng đắn của Chính phủ. Tuy nhiên, VLXDKN chưa được phát triển và đạt mức tăng trưởng như kỳ vọng. Các chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng cho rằng, do thói quen, giá thành và đặc biệt là một số sự cố vừa qua đã khiến nhiều chủ đầu tư e dè, người dân chưa thực sự tin tưởng ở chất lượng sản phẩm.
- Bài 1: Ý kiến từ địa phương
- Bài 2: Ai kiểm soát chất lượng gạch không nung trên thị trường?
- Bài 4: Cảnh báo hiện tượng gạch không nung không đảm bảo chất lượng vẫn lưu thông trên thị trường
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Văn Bắc – Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết: “Trong điều kiện hiện nay, tài nguyên đất sét (sản xuất gạch nung) đã cạn kiệt dần. Do đó, việc sản xuất VLXDKN thay thế đất sét nung là rất cần thiết”.
Ngày nay, với sự tiến bộ của khoa học công nghệ, VLXDKN được sản xuất bởi các chất thải công nghiệp (tro xỉ từ nhà máy nhiệt điện hóa chất), góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường đồng thời tiết kiệm nguồn tài nguyên khoáng sản. Nguồn tro xỉ của nhà máy nhiệt điện lên tới 13 triệu tấn/năm, cùng dư lượng tồn đọng khoảng hơn 30 triệu tấn. Do đó, cần tận dụng nguồn tro xỉ để sản xuất VLXDKN, giảm áp lực đối với môi trường. Như vậy, việc phát triển VLXDKN là xu hướng phù hợp với tình hình Việt Nam và các nước trên thế giới.
Tuy nhiên, thực tế sử dụng VLXDKN tại các công trình trong những năm vừa qua và hiện nay cho thấy có một số vấn đề mà người sử dụng chưa thực sự hài lòng với chất lượng công trình sử dụng VLXDKN, đó là tình trạng nứt, thấm làm giảm mỹ quan, bất tiện khi sinh hoạt, làm việc.
Ông Vũ Ngọc Anh – Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ – Môi trường (Bộ Xây dựng) chia sẻ: “Các hiện tượng như nứt tường, tách tường hay thấm tường nó có thể xảy ra cả với những công trình sử dụng gạch đất sét nung, nếu kết cấu chịu lực của công trình hay nền móng của công trình không đảm bảo. Tuy nhiên, vật liệu xây không nung là vật liệu nhẹ, vì vậy chúng ta phải có phụ gia hoặc công nghệ để tạo các lối dẫn trong vật liệu. Chính vì có lối dẫn nên khi gặp thời tiết nóng, ẩm có thể gây co dãn quá mức và xảy ra hiện tượng nứt.
Nếu như chúng ta tuân thủ quy trình công nghệ từ sản xuất đến xây, đồng thời phải chú ý đến các loại vữa đảm bảo tính tương đồng giữa vữa và vật liệu không nung tạo độ dẻo, khi nó co ngót khối xây của chúng ta không bị nứt. Hiện nay trên thị trường có nhiều loại vữa để đáp ứng vấn đề này. Vừa rồi, chúng tôi cũng có đi thăm một số dây chuyền công nghệ của Viglacera, Xuân Mai và một số nhà đầu tư khác đều đảm bảo khắc phục được tình trạng nứt, thấm tường tuy nhiên như tôi nói điều quan trọng nhất là chúng ta phải tuân thủ theo đúng quy trình”.
Để VLXDKN đạt được mục tiêu phát triển như kỳ vọng, ông Vũ Ngọc Anh cho rằng: “Chúng ta phải có hỗ trợ cho các địa phương, doanh nghiệp, người dân để chuyển đổi lò, công nghệ sản xuất truyền thống sang phương pháp sản xuất vật liệu không nung. Hiện nay các viện khoa học của chúng ta như viện vật liệu xây dựng có thể chuyển giao các công nghệ cho các hộ dân, doanh nghiệp để thay thế cho phương pháp truyền thống.
Bên cạnh đó, khi chuyển đổi nhà nước cũng cần có sự hỗ trợ về mặt vốn và thuế để việc sản xuất gạch không nung được phổ biến rộng rãi hơn. Ngoài ra theo tôi cần có cơ chế “phạt”. Việc sử dụng VLXDKN là phù hợp với xu thế, góp phần bảo tồn quỹ đất nông nghiệp, giảm thiểu hiệu ứng nhà kính. Các doanh nghiệp sản xuất chúng ta đã có sự hỗ trợ tuy nhiên với những đơn vị cố tình sử dụng VLXD truyền thống chúng ta cũng cần “phạt” nghiêm minh để chính sách của Chính phủ đi vào cuộc sống”.
TS. Lê Trung Thành – Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) nhận định: “Thực trạng về sử dụng VLXDKN như vậy đòi hỏi các nhà sản xuất, đơn vị tư vấn thiết kế, thẩm tra, nhà thầu xây dựng, cùng với các chuyên gia cần phải nghiên cứu, thường xuyên rà soát quy trình sản xuất từ khâu lựa chọn nguyên liệu, thành phần cấp phối, trộn, tạo hình, bảo dưỡng và có giải pháp kiểm soát chất lượng sản phẩm; tính toán thiết kế, tải trọng, biến dạng, chịu lực…; quy trình thi công, bảo dưỡng kết cấu phải chặt chẽ hơn”.
Kinh nghiệm các nước sử dụng nhiều VLXDKN đi trước đều cho thấy bên cạnh việc bảo đảm công nghệ sản xuất, chất lượng sản phẩm, thì nhân lực đồng bộ từ sản xuất sản phẩm, kiểm soát chất lượng, tư vấn thiết kế, thi công VLXDKN phải được các đơn vị sản xuất, doanh nghiệp đào tạo cẩn thận, am hiểu sản phẩm mới, sự khác biệt giữa VLXDKN và gạch xây truyền thống thì mới thúc đẩy, nâng cao tỷ lệ sử dụng VLXDKN trong công trình xây dựng thực tế.
Cùng với các bên, tổ chức và cá nhân, việc phát triển VLXDKN theo hướng bền vững, chất lượng, đạt hiệu quả kinh tế và môi trường, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước và toàn xã hội.
Ông Lê Văn Tới – Nguyên Vụ trưởng Vụ Vật liệu, Phó Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam nhấn mạnh: “Việc thay thế cái cũ bằng cái mới thì bao giờ cũng khó khăn. Trong lĩnh vực vật liệu xây, nếu sử dụng gạch đất sét nung thì không có gì khó khăn từ khâu sản xuất gạch, người thiết kế, thợ xây, tâm lý người sử dụng công trình… Nhưng khi chúng ta phải chuyển đổi sang VLXDKN có nghĩa là chúng ta phải có một sự đồng bộ mới. Trong khi sự đồng bộ mới đang cần tích cực để hoàn thiện, thì sự đồng bộ cũ vẫn níu kéo mọi lực lượng quay trở về với gạch đất sét nung.
Bên cạnh đó, tính tùy tiện vẫn còn trong thiết kế và thi công công trình. Các vết nứt, khuyết tật tại những mảng tường khi sử dụng VLXDKN trong thời gian vừa qua cho thấy người thi công đã không thực hiện đúng kỹ thuật trong sử dụng VLXKN. Nhiều công trình thiết kế sử dụng gạch bê tông khí chưng áp, nhưng người thiết kế không chỉ rõ cần phải gia cường những điểm xung yếu, hoặc sử dụng lưới sợi tại những điểm cần thiết, trong khi kỹ thuật thi công cũng chưa am hiểu thấu đáo về loại vật liệu này. Tại công trường sử dụng gạch bê tông khí chưng áp (AAC), người thợ xây vẫn sử dụng các dụng cụ như xây gạch đất sét nung hay gạch xi măng cốt liệu”.
Để phát triển VLXDKN, ông Lê Văn Tới cho rằng, cần phải thực hiện nhiều giải pháp cụ thể. Theo đó, về cơ chế chính sách: Chương trình phát triển VLXKN đến năm 2020 ban hành theo Quyết định 567 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ (Chương trình 567) là một chủ trương đúng đắn kịp thời. Tuy nhiên từ năm 2020 trở đi, Nhà nước vẫn cần khuyết khích phát triển VLXKN và các chủng loại VLXD thân thiện, tiết kiệm năng lượng khác. Vì vậy cần ban hành một chương trình tiếp nối ở mức độ cao hơn, phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những tồn tại từ Chương trình 567.
Các cơ quan chức năng cần ban hành đầy đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn, hoàn thiện các hướng dẫn thiết kế và thi công xây tường khi sử dụng từng loại VLXKN để ban hành thành văn bản quy phạm kỹ thuật.
Đồng thời, có những chính sách ưu tiên phát triển VLXKN hướng đến hình thành các cơ sở sản xuất lớn, công nghệ tự động hóa cao với sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn, ổn định và hỗ trợ cho thi công tăng năng suất. Bổ sung định mức kinh tế kỹ thuật liên quan đến sản phẩm, đến việc sử dụng VLXKN còn thiếu
Phải có chương trình giảng dạy tại các trường chuyên ngành xây dựng về thiết kế, thi công sử dụng vật liệu xây dựng mới; cần cập nhật, cải tiến trong biên soạn giáo trình. Khuyến khích, hỗ trợ các trường, các trung tâm dạy nghề mở các khóa đào tạo ngắn hạn kỹ thuật cho công nhân sử dụng vật liệu xây dựng mới.
Ngoài ra, cần có thêm các chính sách khuyến khích nhà sản xuất, chủ đầu tư công trình sử dụng vật liệu xây không nung, hỗ trợ việc tiêu thụ sản phẩm, giải pháp sử dụng gạch không nung trong các công trình sử dụng vốn ngân sách… có như vậy, vật liệu xây không nung mới sớm “từng bước” thay thế dần gạch đất sét nung.
Định mức dự toán xây dựng công trình phần vật liệu xây không nung
Định mức dự toán do Bộ Xây dựng công bố để các cơ quản, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng có cơ sở để xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
Thực hiện chương trình phát triển vật liệu không nung theo Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ. Năm 2011, Bộ Xây dựng đã công bố 391 định mức dự toán sử dụng vật liệu xây không nung tại Quyết định số 1091/QĐ-BXD ngày 26/12/2011.
Ngày 18/12/2017, Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định số 1264/QĐ-BXD công bố định mức dự toán công trình – phần xây dựng (sửa đổi và bổ sung) – Công tác sử dụng vật liệu xây dựng không nung. Quyết định có hiệu lực từ ngày 1/2/2018 trong đó, sửa đổi 369 định mức và bổ sung 182 định mức).
Ngoài những định mức dự toán đã công bố, Bộ Xây dựng công bố 80 định mức sử dụng vật liệu xây không nung tại Quyết định số 1329/QĐ-BXD ngày 19/12/2016 để góp phần hoàn thiện hệ thống định mức xây dựng đối với vật liệu xây không nung và là một trong những công cụ để thúc đẩy việc phát triển sử dụng vật liệu không nung trong đầu tư xây dựng.
Nguồn: baoxaydung.com.vn/Hòa Anh – Luân Nguyên – Dương Long