Sử dụng gạch không nung, từ chính sách đến thực tiễn: Ý kiến từ địa phương

Có thể thấy, việc tăng tỷ lệ sử dụng gạch không nung (GKN) trong ngành vật liệu xây dựng so với gạch nung (gạch đỏ) là xu thế tất yếu của các nước trên thế giới. Tại Việt Nam gần thập kỷ qua, Dự án “Tăng cường sản xuất và sử dụng GKN ở Việt Nam” đã lan tỏa từ chính sách pháp luật đến thực tiễn đời sống, tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn những bất cập cần giải quyết từ chính sách.

Từ chính sách… đến thực tiễn

Có thể thấy, từ nhiều năm nay, phát triển vật liệu xây dựng không nung (VLXDKN) là một chủ trương đúng đắn của Chính phủ nhằm giữ gìn và bảo vệ môi trường, tuy nhiên kết quả từ Chương trình phát triển VLXDKN như thế nào thì cần có sự nhìn nhận đúng đắn.

Ngày 28/11/2012, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 09/2012/TT-BXD quy định sử dụng VLXDKN trong các công trình xây dựng. Theo đó, các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước bắt buộc phải sử dụng VLXDKN theo đúng lộ trình.

Để thế cho gạch đỏ, hiện nay, việc khuyến khích sử dụng các sản phẩm GKN đã được quy định trong nhiều chính sách như: Chương trình phát triển VLXDKN theo Quyết định số 567/QĐ-TTg; Quyết định 1469/QĐ-TTg Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; Thông tư số 13/2017/TT-BXD quy định sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng; Chỉ thị số 10/CT-TTg tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung…

Đặc biệt, với mục tiêu cắt giảm tỷ lệ tăng hàng năm mức phát thải khí nhà kính bằng việc tăng cường sản xuất, mua bán và sử dụng GKN ở Việt Nam, từ năm 2014 – 2019, Bộ Khoa học & Công nghệ và Bộ Xây dựng đã thực hiện Dự án “Tăng cường sản xuất và sử dụng GKN ở Việt Nam” do Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tài trợ từ nguồn vốn của Quỹ môi trường toàn cầu (GEF) và các nguồn đồng tài trợ khác với mục tiêu cắt giảm tỷ lệ tăng hàng năm mức phát thải khí nhà kính bằng cách giảm dần việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch và đất màu để làm gạch thông qua việc tăng cường sản xuất, mua bán và sử dụng GKN ở Việt Nam.

Một công trình sử dụng gạch không nung ở Hà Tĩnh (ảnh TM).

Việc sử dụng VLXDKN có thể giúp tiết kiệm đất nông nghiệp, giảm phát thải khí nhà kính và ô nhiễm môi trường, giảm chi phí xử lý phế thải của các ngành Công nghiệp. Bên cạnh đó, Chính phủ đã ban hành các quy định với hành lang pháp lý, chính sách đủ “dày”, tuy nhiên việc áp dụng quy định mang tính đại trà, khiến một số địa phương gặp khó khăn trong việc phát triển VLXDKN.

Ghi nhận từ địa phương

Theo ghi nhận tại tỉnh Thái Bình, để tăng cường quản lý VLXDKN trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc sản xuất, sử dụng VLXDKN trong các công trình xây dựng từ khâu lập, thẩm định, phê duyệt dự án, thiết kế; đấu thầu, thi công, giám sát thi công xây dựng.

Công trình trường Tiểu học Kim Giang (quận Thanh Xuân, Hà Nội) sử dụng GKN trong thi công xây dựng.

Theo Sở Xây dựng tỉnh Thái Bình, trong quá trình thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư, thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán, cơ quan chuyên môn về xây dựng đã yêu cầu chủ đầu tư tuân thủ các quy định về sử dụng VLXDKN.

Tuy nhiên, do bị chi phối bởi giá thành, một số nhà thầu thi công xây dựng vẫn trà trộn VLXDKN của các đơn vị sản xuất thủ công chưa thực hiện đánh giá chất lượng sản phẩm, chứng nhận và công bố hợp quy cho sản phẩm, chưa tuân thủ quy định của pháp luật về việc kiểm soát chất lượng sản phẩm trước khi đưa ra tiêu thụ trên thị trường theo quy định. Sản phẩm chưa đạt tiêu chuẩn nhưng vẫn tiêu thụ ra thị trường, làm ảnh hưởng đến chất lượng của VLXDKN nói chung.

Việc kiểm tra, giám sát tại các cơ sở sản xuất VLXDKN trên địa bàn tỉnh được Sở Xây dựng tiến hành theo Kế hoạch số 13/KH-SXD, số 06/KH-SXD. Kết quả cho thấy, các đơn vị sản xuất VLXDKN chưa duy trì việc đánh giá, giám sát hàng năm thông qua việc thử nghiệm mẫu lấy tại nơi sản xuất hoặc lấy trên thị trường kết hợp với đánh giá quá trình sản xuất. Hầu hết các đơn vị sản xuất chưa xuất trình được hồ sơ chất lượng của vật liệu đầu vào xi măng, cốt liệu, phụ gia. Phần lớn các đơn vị sản xuất chưa thực hiện việc công bố tiêu chuẩn áp dụng.

Những vướng mắc trong quá trình quản lý tại tỉnh Thái Bình có thể thấy rõ là do nguồn vốn hạn chế, các nhà đầu tư vừa và nhỏ khó khăn khi lựa chọn dây chuyền công nghệ. Các dây chuyền được nhập khẩu hoàn toàn, công nghệ tự động, đồng bộ cho sản phẩm có chất lượng ổn định thì giá thành cao; các dây chuyền được sản xuất trong nước thì không đồng bộ nên hay trục trặc, kinh phí để sữa chữa, duy trì lớn; công tác chuyển giao công nghệ, kỹ thuật sản xuất và tiếp thu công nghệ chưa tốt, các nhà máy phải vừa sản xuất vừa điều chỉnh, khắc phục các khó khăn về kỹ thuật nên sản phẩm sản xuất ra có chất lượng không ổn định gây khó khăn cho công tác quản lý.

Sở Xây dựng tỉnh Thái Bình cũng nêu vấn đề: Đối với gạch bê tông, phần lớn các hộ cá thể đầu tư thiết bị sản xuất ra sản phẩm thủ công, chưa thực hiện đánh giá chất lượng sản phẩm, chứng nhận và công bố hợp quy cho sản phẩm, chưa tuân thủ quy định của pháp luật về việc kiểm soát chất lượng sản phẩm trước khi đưa ra tiêu thụ trên thị trường theo quy định. Do đó, sản phẩm sản xuất ra cung cấp cho thị trường có chất lượng không đồng đều, các sản phẩm sản xuất thủ công được trà trộn cùng các sản phẩm sản xuất trên dây chuyền hiện đại để đưa vào công trình, không đảm bảo chất lượng cho công trình xây dựng làm ảnh hưởng đến uy tín của sản phẩm trên thị trường.

Các đơn vị sản xuất vật liệu xây dựng thuộc nhóm buộc phải chứng nhận và công bố hợp quy khi áp dụng phương thức 5 để đánh giá hợp quy, quy định nhà sản xuất phải có Chứng chỉ hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001. Việc xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001 mất nhiều thời gian và chi phí, điều này gây nhiều khó khăn cho các tổ chức sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hàng hoá vật liệu xây dựng, đặc biệt là các tổ chức mới thành lập.

Số lượng tổ chức được Bộ Xây dựng chỉ định và thừa nhận thực hiện việc đánh giá và chứng nhận hợp quy còn hạn chế, đa số tập trung ở các tỉnh, thành phố lớn, trên địa bàn tỉnh Thái Bình chưa có tổ chức nào được thừa nhận, điều kiện để các tổ chức được thừa nhận thực hiện đánh giá và chứng nhận hợp quy khó thực hiện, gây ra khó khăn cho các đơn vị sản xuất vật liệu xây dựng khi tiến hành chứng nhận và công bố hợp quy.

Ông Trịnh Nam Hưng – Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hải Dương cho biết: “Tại tỉnh Hải Dương hiện có 4 doanh nghiệp sản xuất gạch không nung với các sản phẩm và công suất thiết kế như sau: Gạch bê tông xi măng – cốt liệu có 3 cơ sở quy mô lớn với tổng công suất thiết kế 79,2 triệu viên QTC/năm, khoảng 50 hộ gia đình với tổng công suất hàng năm đạt 34,5 triệu viên QTC/năm. 1 cơ sở gạch bê tông khí chưng áp AAC công suất thiết kế 142,2 triệu viên QTC/năm; Vữa cho bê tông nhẹ công suất thiết kế 60.000 tấn/năm đều đạt tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa theo tiêu chuẩn Việt Nam. Ngoài ra còn có 12 dự án chuẩn bị đầu tư với công suất thiết kế đạt 473,2 triệu viên QTC/năm”.

Mặc dù đạt được một số kết quả nhất định nhưng đến nay tình hình triển khai Chương trình phát triển VLXDKN vẫn còn nhiều bất cập. VLXDKN chưa được ứng dụng rộng rãi do nhiều nguyên nhân như: Thói quen dùng gạch của các chủ đầu tư và người tiêu dùng; giá thành sản phẩm gạch không nung còn cao so với gạch đất sét nung; đội ngũ công nhân có tay nghề, sử dụng thành thạo các công cụ chuyên dùng khi thi công các sản phẩm vật liệu xây không nung còn thiếu. Đáng chú ý, các đơn vị sản xuất VLXDKN chưa tiếp cận được các chính sách ưu đãi trong đầu tư phát triển VLXDKN, các nhà đầu tư chưa quan tâm đến việc sử dụng vật liệu mới trong công trình xây dựng.

Sở Xây dựng tỉnh Hải Dương có kiến nghị Bộ Xây dựng tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng các công trình đang sử dụng vật liệu xây không nung của từng loại: Thấp tầng, cao tầng, công trình hạ tầng kỹ thuật… để ban hành các quy định sử dụng vật liệu xây cho phù hợp. Nghiên cứu sử dụng vật liệu xây không nung tại từng vị trí công trình cho phù hợp. Sau khi rà soát, đánh giá nguyên nhân, xem xét chỉnh sửa các tiêu chuẩn về gạch xây dựng không nung để khắc phục một số vấn đề phát sinh liên quan đến chất lượng công trình như đã nêu trên. Tiêu chuẩn chỉ dẫn cụ thể tại từng vị trí xây dựng (bao che, ngăn chia) để tư vấn thiết kế, đơn vị thi công dễ áp dụng.

Không chỉ vậy, Sở Xây dựng tỉnh Hải Dương kiến nghị Bộ Xây dựng xem xét xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây không nung để cải thiện công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành sản xuất. Hiện tại, tại địa bàn tỉnh Hải Dương, giá thành gạch đặc không nung cao hơn gạch đặc nung (kích thước viên tương tự) từ 20 – 30%, trọng lượng khối xây lớn hơn khối xây gạch không nung dẫn đến phát sinh chi phí đầu tư.

Trái ngược với những vướng mắc tại Hải Dương và Thái Bình, công tác quản lý, sử dụng VLXDKN tại Bình Thuận đạt nhiều hiệu quả tích cực. Các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Bình Thuận được đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước đều sử dụng 100% gạch không nung. Bên cạnh đó, hiện nay một bộ phận không nhỏ người dân đã sử dụng gạch không nung với loại kích thước giống gạch nung cho công trình nhà ở, kho xưởng, tường rào… Do đó, trong thời gian tới, việc đầu tư, sản xuất gạch không nung ở tỉnh Bình Thuận sẽ phát triển mạnh và đáp ứng nhu cầu cho các công trình xây dựng.

Ông Trần Đức Minh – Trưởng phòng QLXD và HTKT (Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận) thông tin: “Tính đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có 8 đơn vị đang sản xuất gạch xi măng cốt liệu (block bê tông) sử dụng nguyên liệu đá mạt (đá mi) với tổng công suất khoảng 150 triệu viên/năm; từ năm 2018 đến tháng 3/2019, có 3 dự án sản xuất gạch không nung (sử dụng nguyên liệu xỉ than) đã được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư đang triển khai thủ tục xây dựng tại khu vực có các nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân. Ngoài ra, có 4 đơn vị lập thủ tục đăng ký đầu tư dự án nhà máy sản xuất gạch không nung tại Sở Kế hoạch và Đầu tư”.

Ghi nhận tại Quảng Ninh, tại đây người dân không “mặn mà” với việc sử dụng VLXDKN. Hiện Quảng Ninh có 6 nhà máy nhiệt điện than, nhưng chỉ có tro xỉ của nhà máy nhiệt điện Mạo Khê là được tận dụng làm gạch không nung và là nguồn nguyên liệu chính của máy gạch Thanh Tuyền.

Các nhà máy gạch không nung khác trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh chủ yếu sử dụng mạt đá, xi măng và cát, ép rung cường độ thấp, cơ bản chưa hợp quy. Công nghệ đó đã lạc hậu và chất lượng không cao. Viên gạch sau khi được sản xuất có độ ngậm nước cao, nặng tường, cường độ chịu lực yếu, lớp sơn bên ngoài nhanh hoen ố bong chóc. Một bệnh viện ở địa phương vừa xây xong, treo chiếc quạt lên tường đã rụng, không thể lắp đặt được các thiết bị y tế. Vì vậy, người sử dụng công trình phải khoét từng ô tường để gia cường bằng vật liệu khác có khả năng chịu lực cao hơn, mới gá lắp được thiết bị treo tường.

Gạch không nung được đánh giá là sản phẩm có nhiều ưu việt, bởi nó biến phế liệu công nghiệp thành chính phẩm, nhưng trái với mong muốn, nguyên liệu chính lại làm bằng mạt đá (khai thác đá vôi nghiền ra thành mạt đá, phá cảnh quan môi trường) và cát trong khi địa phương không có mỏ cát để sản xuất gạch. Làm gạch không nung bằng cát mỏ Vân Hải, cát Vân Hải là cát titan và cát phale thì lãng phí tài nguyên quý, giá thành viên gạch lại cao bèn thai thác vụng trộm gây sạt lở sông suối, đê điều, thành phần xi măng đương nhiên cũng phải nung đốt mới thành.

Gạch nung ở Quảng Ninh hiện chủ yếu sử dụng nguồn đất sét loại phẩm (sét chính phẩm dành sản xuất sản phẩm mỏng, gạch ốp lát), chất liệu viên gạch còn phải sử dụng đến 30% là bột xít than nghiền (mục đích để tự phát nhiệt khi bắt lửa và giảm trọng lượng viên gạch), bã sàng phụ phẩm của than sạch đang ùn đọng với khối lượng lớn ở các nhà máy sàng tuyển của mỏ than. Quảng Ninh không chỉ là vựa than mà còn giàu tài nguyên đất sét đồi, lợi thế trong sản xuất gạch ngói nung và là địa phương xuất khẩu gạch ngói nhiều nhất toàn quốc.

Như vậy, việc phát triển VLXDKN hay gạch ngói nung phải tùy thuộc vào tình hình khí hậu, kinh tế, tài nguyên của từng địa phương để đem đến hiệu quả, công suất cao nhất. Ngoài vấn đề chất lượng, giá thành cũng là trở ngại đối với người dân sống ở vùng cao như Bình Liêu, Ba Chẽ… khi vận chuyển gạch không nung lên nùi thì giá đội lên gấp đôi viên gạch nung sản xuất tại địa phương.

Do giá thành cao nên đã có không ít nhà thầu chạy theo lợi nhuận, đưa gạch không nung giá rẻ, không đảm bảo chất lượng vào công trình khiến người dân mất niềm tin vào VLXDKN. Điều này đã gián tiếp “giết chết” con đường tiêu thụ của những nhà máy sản xuất VLXDKN tuân thủ đầy đủ quy chuẩn, tiêu chuẩn.

Tại khu vực Quảng Nam – Đà Nẵng, dù đã đạt những bước tiến trong sản xuất – tiêu thụ gạch không nung GKN, nhiều nhà đầu tư tại Đà Nẵng vẫn quen thuộc với việc sử dụng gạch nung truyền thống, mà chưa hiểu được tính năng của VLXDKN.

Một số doanh nghiệp không tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây không nung theo QCVN 16:2017/BXD và TCVN 6477:2016 ); bán sản phẩm gạch cho khách hàng, trong khi gạch chưa đảm bảo đủ thời gian đông kết nên khi thi công một số công trình sử dụng GKN đã xảy ra hiện tượng co ngót, rạn nứt hoặc tường bị thấm… Chưa có tiêu chuẩn về thi công và nghiệm thu riêng đối với gạch bê tông. Nhiều doanh nghiệp sản xuất gạch nung truyền thống gặp khó khăn về vốn và công nghệ trong quá trình chuyển đổi sang mô hình sản xuất GKN.

Để tiếp tục đẩy mạnh công tác sản xuất, tiêu thụ sản phẩm vật liệu xây không nung của các nhà đầu tư trên địa bàn, qua đó giảm dần việc sản xuất và tiêu thụ gạch đất sét nung, Sở Xây dựng TP Đà Nẵng đã có báo cáo, đề xuất UBND thành phố để kiến nghị đến Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan quan tâm, tiếp tục triển khai thực hiện một số nội dung, như: Sớm ban hành tiêu chuẩn về thi công và nghiệm thu riêng đối với gạch bê tông. Ban hành cẩm nang chỉ dẫn kỹ thuật trong thiết kế và kỹ thuật thực hành xây dựng sử dụng GKN nhằm tăng cường chất lượng xây dựng, chống nứt tường khi sử dụng loại vật liệu này.

Ông Nguyễn Phú – Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Quảng Nam cho biết: “Qua kết quả nội dung của các cuộc họp, hội nghị, trên cơ sở những mặt đã đạt được và những vấn đề còn hạn chế trong quá trình sản xuất, sử dụng GKN trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua; để đảm bảo cân đối giữa nhu cầu sử dụng và nguồn cung cấp vật liệu xây trên địa bàn tỉnh, Sở cũng có một số đề xuất với tỉnh và cơ quan ban ngành liên quan, như: Tập trung thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chất lượng, số lượng đầu ra của các nhà máy GKN trên địa bàn tỉnh. Từ nay, việc đầu tư xây dựng và phát triển công suất đối với các nhà máy GKN trên địa bàn tỉnh Quảng Nam cũng cần phải xem xét, đánh giá cung, cầu từng địa phương cụ thể, ưu tiên đầu tư các nhà máy trên địa bàn huyện miền núi, địa phương chưa có nhà máy sản xuất vật liệu xây và khuyến khích phát triển các loại vật liệu công nghệ cao, vật liệu nhẹ”.

Về nguyên nhân tại sao VLXDKN chưa phát triển và đạt mức tăng trưởng như kỳ vọng? Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Phạm Văn Bắc – Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho rằng: “Trong thực tế, việc phát triển VLXDKN chưa đạt được kỳ vọng của nhà quản lý, những chuyên gia hoạch định chính sách do: Thói quen, tập quán của người Việt Nam là sử dụng gạch nung. Đây chính là rào cản lớn trong việc phát triển VLXDKN. Nhận thức của nhà đầu tư, tư vấn thiết kế còn hạn chế, dẫn đến không thiết kế VLXDKN và quá trình thực thi xây dựng, thiết kế không tốt. Đối với VLXDKN cần có phương pháp xây dựng và định mức xây dựng, hướng dẫn thi công khác nhau. Chủ yếu công nhân không được đào tạo kỹ, không hiểu rõ, dẫn đến chất lượng công trình không tốt, có sự cố phát sinh. Nhiều nhá máy sản xuất VLXDKN còn lạc hậu, chất lượng sản phẩm không tốt trà trộn với sản phẩm đạt chất lượng. Do đó, khâu kiểm soát chất lượng cần được nâng cao”.

Ông Bắc cũng nhấn mạnh: “Công tác quản lý, thanh, kiểm tra về việc thực hiện sản xuất, sử dụng VLXDKN theo đúng quy định còn hạn chế, nên kém hiệu quả. Công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức, nội dung liên quan đến VLXDKN cần được đẩy mạnh hơn nữa đến nhà thầu, tư vấn thiết kế, người dân”.

Nguồn: baoxaydung.com.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Quảng cáo