Sóc Trăng đóng điện 3 nhà máy điện gió đầu tiên
Trung tâm Điều độ hệ thống điện miền Nam (A2) thuộc Tổng công ty Điện lực miền Nam vừa tổ chức chỉ huy thao tác đóng điện, nghiệm thu vận hành thành công 3 nhà máy điện gió số 5, 6 và 7 tại thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng với tổng công suất 90MW.
Sau khi nghiệm thu kỹ thuật đã đủ điều kiện vận hành, vào lúc 21 giờ 45 phút ngày 1/10, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Điều độ hệ thống điện miền Nam (A2) bắt đầu thao tác đóng điện nghiệm thu vận hành. Các đơn vị phối hợp thao tác đóng điện nghiệm thu là Điều độ Công ty Điện lực Sóc Trăng, Nhà máy điện gió Lạc Hòa (NMĐG số 5), Nhà máy điện gió Quốc Vinh (NMĐG số 6) và Nhà máy điện gió số 7.
NMĐG số 5 đặt tại thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng do Công ty cổ phần Năng lượng Tái tạo Vĩnh Châu – TDC chủ đầu tư, công suất giai đoạn 1 là 30MW. Các hạng mục xây dựng bao gồm 6 trụ turbine gió, mỗi turbine có công suất 5MW.
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng trên diện tích quy hoạch 5,6 ha trên đất liền gồm nhà máy và khu nhà quản lý vận hành, nhà ở cán bộ công nhân viên (CBCNV) và các công trình phụ trợ. Sau khi hoàn thành và đi vào hoạt động, nhà máy sẽ cung cấp điện năng cho hệ thống điện quốc gia với sản lượng bình quân hàng năm khoảng 93 triệu kWh.
NMĐG số 6 đặt tại thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng do Công ty TNHH Điện gió Quốc Vinh Sóc Trăng chủ đầu tư, giai đoạn 1 có công suất 30MW. Các hạng mục xây dựng bao gồm 6 trụ turbine gió, mỗi turbine có công suất 5,3MW.
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1.420 tỷ đồng trên diện tích quy hoạch 7,5 ha trên đất liền, khu nhà quản lý vận hành, nhà ở CBCNV và các công trình phụ trợ. Sau khi hoàn thành và đi vào hoạt động, nhà máy sẽ cung cấp điện năng cho hệ thống điện quốc gia với sản lượng bình quân hàng năm khoảng 95 triệu kWh.
NMĐG số 7 tỉnh Sóc Trăng đặt tại thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng do Công ty cổ phần Năng lượng Sóc Trăng – Công ty TNHH Xuân Cầu làm chủ đầu tư, công suất giai đoạn 1 là 30MW. Các hạng mục xây dựng bao gồm 7 trụ turbines gió, mỗi turbine có công suất 4,2MW các turbines gió nằm hoàn toàn trên biển với chiều dài 7,4 km cầu dẫn đến các turbines;
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng trên diện tích dự kiến quy hoạch cả 2 giai đoạn 3.100 ha, khu nhà quản lý vận hành, nhà ở CBCNV và các công trình phụ trợ. Sau khi hoàn thành và đi vào hoạt động, nhà máy sẽ cung cấp điện năng cho hệ thống điện quốc gia với sản lượng bình quân hàng năm khoảng 108 triệu kWh.
Đây là 3 nhà máy điện gió trong số 11 dự án điện gió đang triển khai tại tỉnh Sóc Trăng nỗ lực khắc phục khó khăn do ảnh hưởng COVID-19, thi công đạt tiến độ có tiến độ nhanh nhất.
Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng Võ Văn Chiêu cho biết, theo Quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt: tỉnh Sóc Trăng có 20 dự án điện gió được đưa vào quy hoạch, với tổng quy mô công suất 1.435MW. Tính đến nay UBND tỉnh Sóc Trăng đã cấp Quyết định chủ trương đầu tư cho 16 dự án với tổng công suất hơn 1.095 MW, 4 dự án còn lại đang được Sở Kế hoạch và Đầu tư bổ sung hoàn chỉnh hồ sơ trình UBND tỉnh đề mời gọi và cấp chủ trương đầu tư.
“Với chiều dài bờ biển hơn 72km, tỉnh Sóc Trăng còn nhiều “dư địa” phát triển năng lượng tái tạo, hiện nay địa phương đang tiếp tục khảo sát các vị trí thích hợp, lập dự án mời gọi đầu tư, trình Chính phủ phê duyệt đưa vào quy hoạch cho giai đoạn tiếp theo”, ông Chiêu cho biết.
Được biết vào tháng 4 năm nay, đại diện Công ty TNHH MTV Millennium Energy Việt Nam (thành viên Tập đoàn dầu khí Millennium, Mỹ) đã có buổi tiếp xúc với lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng, đề xuất được đầu tư nhà máy điện khí công suất 9.600 MW với tổng mức đầu tư dự kiến lên đến 15 tỷ USD tại khu vực ven biển của địa phương này. Nếu dự án này trở thành hiện thực thì chỉ với dự án điện khí “khủng” này Sóc Trăng là “Trung tâm năng lượng” của khu vực.
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Quyết định số 1579/QĐ-TTg) thì cảng biển Trần Đề thuộc huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng được định hướng đầu tư trở thành cảng nước sâu, cửa ngõ của khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Nếu 2 dự án “khủng” trên trở thành hiện thực thì Sóc Trăng sẽ trở thành Trung tâm năng lượng, Trung tâm logistics của khu vực.
Nguồn: cafef.vn