Pro-supplier #3: Xuất khẩu Vật liệu Xây dựng – Tiềm năng và thách thức

(HOUSELINK) – Trong bối cảnh thị trường ảm đạm do dịch bệnh, kết quả kinh doanh của các công ty trong ngành vật liệu xây dựng cũng không thực sự khả quan. Trước đó, vật liệu xây dựng đang xảy ra tình trạng thừa cung ở thị trường trong nước. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đã tìm đến giải pháp Xuất khẩu Vật liệu Xây dựng.

Để giải quyết bài toán sản xuất – tiêu thụ thì phải tạo được thị trường đầu ra cho ngành Vật liệu xây dựng. Bởi ngành vật liệu xây dựng phụ thuộc nhiều vào chu kỳ ngành bất động sản, thị trường Bất động sản trong nước trầm lắng cũng khiến ngành vật liệu thu nhỏ thị trường tiêu thụ. 

Xuất khẩu Vật liệu Xây dựng Việt Nam

Vật liệu Xây dựng có thể chia thành 2 nhóm chính dựa vào sự mức độ công nghệ tham gia để tạo ra sản phẩm từ tài nguyên khai thác. Nhóm đầu tiên là nhóm Sắt thép và Nhựa xây dựng với quy mô sản xuất lớn, chi phí đầu tư vào nhà máy lớn với quy trình sản xuất phức tạp, mức độ tham gia của công nghệ vào quy trình sản xuất lớn. Nhóm thứ 2 là nhóm Xi măng và Đá xây dựng, những ngành sử dụng tài nguyên trực tiếp và quy trình sản xuất ít phức tạp hơn.

Ngành Xi Măng 

Ngành xi măng đang đối mặt với tình trạng thừa cung và phụ thuộc lớn vào doanh thu xuất khẩu. Tuy nhiên, hạn chế giao thương của các quốc gia đã ảnh hưởng lớn khả năng xuất khẩu của các doanh nghiệp. Điều này làm cho cạnh tranh trong nước dần trở nên khốc liệt hơn.

Theo Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), năm 2020 sẽ có 2 dây chuyền sản xuất xi măng đi vào vận hành, đưa tổng số dây chuyền sản xuất xi măng của cả nước lên con số 86 với tổng công suất đạt 106 triệu tấn. Nếu dự kiến xuất khẩu sẽ đạt 34 triệu tấn bằng với năm 2019 thì tiêu thụ nội địa sẽ phải đạt 72 triệu tấn, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Với tình hình dịch bệnh hiện tại, rất khó để tiêu thụ nội địa có thể hấp thụ được nguồn cung từ sản xuất.

Sắt, Thép

Trong các sản phẩm thép chính của Việt Nam, tỷ trọng xuất khẩu thép xây dựng và ống thép chỉ ở mức khá thấp, trong khi tôn mạ là mặt hàng được xuất khẩu nhiều nhất với tỷ trọng xuất khẩu lên đến 47% sản lượng tiêu thụ. 

Năm 2019, sản xuất thép đạt trên 25,2 triệu tấn, tăng 4,4% so với năm ngoái. Bán hàng đạt hơn 23,2 triệu tấn, tăng 6,4%. Trong đó, xuất khẩu thép khoảng 4,5 triệu tấn, giảm 3,4%.

Trong các sản phẩm thép chính của Việt Nam, tỷ trọng xuất khẩu thép xây dựng và ống thép chỉ ở mức khá thấp khoảng 11 – 12%, trong khi tôn mạ là mặt hàng được xuất khẩu nhiều nhất với tỷ trọng xuất khẩu lên đến 47% sản lượng tiêu thụ. 

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, Việt Nam xuất khẩu hơn 6 triệu tấn sắt thép các loại trong năm 2019, tương ứng giá trị gần 3,8 tỷ USD. Giá trị xuất khẩu các sản phẩm từ sắt thép đạt gần 2,7 tỷ USD.

Ngành Gốm Xây dựng

Nhóm vật liệu Gốm xây dựng bao gồm các loại vật liệu sản xuất từ nguyên liệu chính là đất sét bằng cách tạo hình và nung ở nhiệt độ cao bao gồm các loại gạch, ngói lợp và vật liệu ốp. 

Gạch ốp lát được xem là sản phẩm chủ đạo xuất khẩu trong nhóm Gốm xây dựng. Thị trường gạch ốp lát thế giới gồm có 2 loại sản phẩm chính là gạch ceramic và gạch porcelain. 

Theo Acimac, sản lượng sản xuất gạch ốp lát năm 2018 của Việt Nam lớn thứ 4 trên thế giới, đạt 602 triệu m2 – tương đương 4,6% sản lượng toàn cầu. Việt Nam nằm trong nhóm 25 quốc gia có giá trị xuất khẩu gạch ốp lát lớn nhất thế giới. 

Thị trường gạch ốp lát Việt Nam chứng kiến cạnh tranh gay gắt trong nhiều năm qua. Các doanh nghiệp sản xuất gạch trong nước đang đối mặt với hai thách thức lớn là gạch nhập lậu từ Trung Quốc và chưa tạo ra khác biệt về sản phẩm. Trong năm 2020, các doanh nghiệp gạch ốp lát sẽ đối mặt với nhiều khó khăn do tình trạng tồn kho lớn trong khi nhu cầu từ xây dựng kém khả quan.

Tiềm năng Xuất khẩu Vật liệu Xây dựng 

Với nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào, Việt Nam có nhiều lợi thế sản xuất vật liệu Xây dựng. Việt Nam từ nước phải nhập khẩu gần như toàn bộ vật liệu xây dựng, trở thành quốc gia, không chỉ đáp ứng đủ nhu cầu trong nước mà còn dư ra tầm 10% đến 30% công suất cho xuất khẩu. Và hiện nay, ngành vật liệu xây dựng Việt Nam đã xuất khẩu được trên 120 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Thứ nhất, quy mô thị trường Vật liệu Xây dựng Việt Nam liên tục mở rộng từng năm. Trong vòng 10 năm qua (từ 2009 đến cuối năm 2019) năng lực sản xuất xi măng của Việt Nam đã tăng hơn 2 lần (từ 45,5 triệu tấn/năm lên khoảng gần 100 triệu tấn/năm), đưa Việt Nam từ nước phải nhập xi măng và clinker trở thành nước xuất khẩu xi măng và clinker lớn nhất thế giới với hơn 30 triệu tấn vào năm 2018, gấp đôi nước đứng thứ 2 là Thái Lan.

Sản lượng sản xuất và tiêu thụ gạch ốp lát năm 2019 ước tính đạt lần lượt 623 và 562 triệu m2. Tốc độ tăng trưởng kép sản lượng sản xuất và tiêu thụ ngành gạch ốp lát được kỳ vọng lần lượt 6,0% và 6,1% trong giai đoạn 2019 – 2023.

Thứ hai, trong những năm gần đây, ngành Vật liệu Xây dựng cũng đã chú trọng đầu tư công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại, tiệm cận các nước lớn trên thế giới, nhằm cải tiến chất lượng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao khả năng cạnh tranh trên trường quốc tế.

Các dây chuyền sản xuất chế biến đá ốp lát được đầu tư đồng bộ, hiện đại để có thể cưa các tấm đá kích cỡ lớn, nâng cao tỷ lệ thu hồi sản phẩm, có thêm hệ thống tự động mài và đánh bóng tự động.

Nhờ đổi mới công nghệ, sản phẩm Vật liệu Xây dựng được đa dạng hoá về chủng loại, mẫu mã, chất lượng được nâng cao rõ rệt. 

Đồng thời, Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng với nền kinh tế thế giới, thể hiện qua việc ngày càng nhiều các Hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết. Ngành Vật liệu Xây dựng cũng sẽ được hưởng lợi ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu đến thị trường mục tiêu. 

Tiềm năng xuất khẩu của ngành vật liệu xây dựng Việt Nam là rất lớn.

Thách thức Xuất khẩu Vật liệu Xây dựng

Hiện nay, năng lực sản xuất của ngành vật liệu xây dựng nước ta đã vượt cao hơn so với nhu cầu tiêu dùng trong nước, thay vì phải nhập khẩu khá nhiều vật liệu xây dựng đáp ứng nhu cầu trong nước như trước đây, đến nay ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng nước ta đã phát triển khá mạnh xuất khẩu. 

Trước năng lực thực tế và khó khăn hiện tại của ngành vật liệu xây dựng, nếu không có những giải pháp cụ thể để tìm đầu ra cho ngành này thì trong vài năm tới, lượng vật liệu xây dựng dư thừa sẽ rất lớn. Với quy mô và chất lượng vật liệu xây dựng, việc tìm hướng xuất khẩu cho ngành là giải pháp cần được thực hiện để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp ngành này.

Tuy nhiên, việc xuất khẩu các sản phẩm vật liệu xây dựng của nước ta hiện chưa nhiều, chưa tương xứng với tiềm năng của nó. Vì vậy, các doanh nghiệp cần phải xem xét lại để có hướng đi xuất khẩu phù hợp. 

Trên thế giới, có rất nhiều thị trường lớn như Trung Đông, châu Phi đang có nhu cầu lớn về vật liệu xây dựng để tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Điều này đã mang lại cơ hội lớn cho các nhà cung cấp từ bên ngoài, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất các doanh nghiệp vật liệu xây dựng gặp phải là tìm kiếm và thâm nhập các thị trường xuất khẩu. Nhiều doanh nghiệp vật liệu xây dựng Việt Nam có mong muốn xuất khẩu sản phẩm sang nước ngoài nhưng lại đang thiếu phương thức hỗ trợ về mặt thông tin. 

HOUSELINK xây dựng Cộng đồng các doanh nghiệp Xây dựng Xuất khẩu hỗ trợ tìm hiểu thị trường, các đối tác xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài. Doanh nghiệp có nhu cầu tham gia vui lòng đăng ký tại Link

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Quảng cáo