Phú Yên: Vì sao siêu dự án 3,2 tỷ đô tại Vũng Rô bị “khai tử”?

Tỉnh Phú Yên mới đây đã ban hành các quyết định thu hồi giấy chứng nhận đầu tư, thu hồi đất dự án Nhà máy lọc hóa dầu (NMLHD) Vũng Rô của Công ty TNHH Dầu khí Vũng Rô, kết thúc thủ tục “khai tử” siêu dự án lọc dầu 3,2 tỷ USD này. Thông tin chấm dứt dự án khiến người dân địa phương hoang mang. Câu hỏi đặt ra, dự án lọc dầu và công nghiệp hóa dầu tại Vũng Rô, Phú Yên liệu có được tiếp tục?

Dự án NMLHD Vũng Rô do Công ty TNHH Dầu khí Vũng Rô (Vung Ro Petroleum – VRP), liên danh giữa Technostar Management (trụ sở ở Anh) và Telloil (Nga) lập ra, làm chủ đầu tư. Phạm vi mặt bằng dự án là 538ha, trong đó 404ha xây dựng nhà máy, 134ha xây dựng cảng Bãi Gốc (chưa kể phần diện tích mặt nước dự tính từ 500-1.300ha). Dự án gồm: Nhà máy lọc dầu có công suất 8 triệu tấn/năm, tổ hợp hóa dầu và cảng biển Bãi Gốc, vốn đầu tư 3,2 tỷ USD. Dự án được UBND tỉnh Phú Yên cấp giấy chứng nhận đầu tư vào tháng 11/2007. Tháng 9/2014, dự án động thổ, tuy nhiên, từ năm 2015, nhà đầu tư đã tạm dừng triển khai toàn bộ dự án.

Từ năm 2008, tỉnh Phú Yên đã nỗ lực giải phóng mặt bằng phục vụ thi công dự án và đã bàn giao 134 ha để chủ đầu tư triển khai hạng mục cảng nước sâu Bãi Gốc. Giai đoạn 1, 200 hộ đã được di dời có nơi ở ổn định tại khu tái định cư cách nơi ở cũ vài cây số. Đến trước thời điểm thu hồi dự án, tỉnh Phú Yên vẫn đang triển khai kế hoạch giai đoạn 2, di dời hàng trăm hộ dân để có mặt bằng hơn 400 ha cho dự án xây dựng hạng mục NMLD Vũng Rô. Trước thông tin về chấm dứt dự án NMLHD Vũng Rô, VRP nói, việc tỉnh Phú Yên thu hồi giấy chứng nhận đầu tư dự án là do doanh nghiệp tự quyết định chấm dứt hoạt động dự án theo quy định tại điểm a, Khoản 1, Điều 48 Luật Đầu tư năm 2014.

Nhằm làm rõ thêm thông tin về dự án, trên trang web của mình, VRP cho hay, công ty này đã rà soát toàn diện, điều chỉnh chiến lược cung ứng dầu thô, cấu hình lọc hóa dầu và các sản phẩm đầu ra để đáp ứng tốt hơn những yêu cầu của thị trường Việt Nam và khu vực trong tương lai, từ đó điều chỉnh kế hoạch triển khai dự án tại Vũng Rô.

Giải pháp này, theo tuyên bố của VRP, cũng nhằm ứng phó trước những điều kiện thị trường đang thay đổi, cũng như những triển vọng phát triển dài hạn mới do ảnh hưởng của các quy định về môi trường và sự tiến bộ nhanh chóng trong việc sử dụng các nguồn năng lượng khác trong lĩnh vực giao thông vận tải, từ đó điều chỉnh chiến lược sản xuất, kinh doanh. Cụ thể, nhà đầu tư chủ trương giảm sản lượng sản phẩm dầu diesel tại nhà máy Vũng Rô, dành một phần năng lực lọc hóa dầu để sản xuất nhiên liệu hàng hải có hàm lượng lưu huỳnh thấp và bitum chất lượng cao. VRP cũng đã lập kế hoạch phát triển đầu tư sản xuất tại Vũng Rô thành một số phân kỳ nhằm đẩy nhanh tiến độ khởi công xây dựng và vận hành dự án, trong đó phân kỳ đầu tư giai đoạn 1, đầu tư xây dựng nhà máy lọc hóa dầu công suất 1 triệu tấn/năm cùng với cơ sở hạ tầng cảng biển và kho bãi. Do đó, VRP đã hoàn trả giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hiện hành (Số: 361 043 000 035) đối với dự án lọc hóa dầu công suất 8 triệu tấn/năm và đã nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới cho nhà máy công suất 1 triệu tấn/năm của phân kỳ một, cho các cơ quan có thẩm quyền địa phương.

VRP cũng công bố, đã ký với DenimoTech (một công ty của Đan Mạch về sản xuất trang thiết bị máy móc toàn cầu), một hợp đồng để xây dựng nhà máy nhựa đường công nghệ cao, vốn đầu tư dự kiến khoảng 500 triệu USD, tại khu vực thuộc mặt bằng dự án NMLHD Vũng Rô. Việc xây dựng nhà máy sẽ được chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn dầu sẽ được thực hiện trong 1 năm, giai đoạn 2 sẽ bắt đầu vào giữa năm và kết thúc trong 26-28 tháng. Theo thỏa thuận, dự án nhà máy chế biến chất kết dính Bitum này có dung tích lưu trữ 12.000 tấn ở giai đoạn 1 và nâng cấp lên 30.000 tấn ở giai đoạn 2. Theo nhà đầu tư, dự án được kỳ vọng sẽ trở thành một trong những nhà máy sản xuất chất kết dính Bitum và Bitum polyme biến tính (PMB) hiện đại bậc nhất nhưng cũng rất thân thiện với môi trường.

“Cùng với các đối tác, các nhà cung ứng hàng đầu, và các nhà khoa học uy tín đến từ Đan Mạch, chúng tôi sẽ trang bị cho Công ty Dầu khí Vũng Rô những thiết bị và công nghệ tiên tiến nhất, đưa ra các giải pháp phù hợp về thiết kế giúp tăng tuổi thọ đường bộ cũng như khắc phục các vấn đề kỹ thuật của ngành Xây dựng Việt Nam”- Tiến sỹ Bernd Schmidt, Tổng Giám đốc Tập đoàn Bitumina (Công ty mẹ của DenimoTech), cam kết.

Ông Võ Đình Tiến- Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa, thông tin, việc dự án NMLHD Vũng Rô chấm dứt triển khai thì vẫn có các dự án khác đăng ký đầu tư mới. Bởi khu vực này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dành cho công nghiệp lọc hóa dầu. Hiện tỉnh đã thu hồi 134 ha mặt bằng sạch và đang tiếp tục triển khai thực hiện công tác rà soát, hoàn chỉnh hồ sơ để tiếp tục thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng giai đoạn 2; song song với việc hoàn chỉnh đầu tư xây dựng các khu tái định cư xã Hòa Tâm, Phú Lạc để phục công tác di dời, tái định cư cho hộ dân bị ảnh hưởng trong vùng dự án.

Trao đổi với báo chí, ông Hoàng Văn Trà – Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cho biết, tỉnh Phú Yên đang thực hiện các thủ tục thu hồi dự án NMLHD Vũng Rô theo các quy định pháp luật. Chỉ sau khi xử lý dứt điểm Dự án lọc hóa dầu Vũng Rô (cũ) thì mới tính tiếp việc đầu tư dự án khác tại vị trí đất này.

Nguồn: baovephapluat.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Quảng cáo