Những tín hiệu tích cực từ ngành chăn nuôi

Những tín hiệu tích cực trong thu hút doanh nghiệp đầu tư và tình hình chăn nuôi phát triển ổn định trong thời gian qua đã và đang mở ra những triển vọng mới, hướng đến một ngành chăn nuôi phát triển an toàn, bền vững, hiện đại, đạt hiệu quả cao, góp phần thúc đẩy kinh tế tăng trưởng.

Trang trại nuôi lợn theo công nghệ chuồng kín của chị Nguyễn Thị Thùy Linh, xã Xuân Thủy (Xuân Trường).
Trang trại nuôi lợn theo công nghệ chuồng kín của chị Nguyễn Thị Thùy Linh, xã Xuân Thủy (Xuân Trường).

Tháng 9-2019, Công ty TNHH Công Danh được UBND tỉnh cấp phép đầu tư dự án xây dựng trang trại chăn nuôi và trồng cây dược liệu với quy mô trên 4,3ha tại xã Giao Hải (Giao Thủy). Đến tháng 3-2021, dự án đã cơ bản hoàn thành việc xây dựng trang trại nuôi lợn theo công nghệ an toàn sinh học với năng lực sản xuất quy mô 500 con lợn nái, 1.000 con lợn choai/lứa (2 lứa/năm) và khoảng 10 nghìn con lợn sữa mỗi năm. Anh Trịnh Xuân Ánh, Giám đốc Công ty cho biết: Toàn bộ chuồng nuôi lợn được áp dụng công nghệ chuồng nuôi kín, bảo đảm mật độ diện tích 2 m2/con. Nền chuồng áp dụng đệm lót sinh học dày 20cm với nguyên liệu chính là trấu bổ sung chế phẩm MT-Biomix, đường và tiếp tục được bổ sung trong quá trình nuôi; trấu được xử lý trước từ 1-2 tuần bằng phương pháp khử trùng xông focmol và thuốc KMnO4; phía cuối chuồng được đặt ống thoát nước tiểu của lợn nối với hầm biogas để xử lý. Nguồn nước thải chăn nuôi, nước thải sinh hoạt của trang trại chăn nuôi được xử lý sơ bộ qua bể tự hoại, sau đó dẫn vào trạm xử lý tập trung tiếp tục xử lý bảo đảm đạt tiêu chuẩn QCVN 40:2011/BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường trước khi xả ra môi trường. Bên cạnh đó, Công ty còn tự phân loại, thu gom và ký hợp đồng với các đơn vị chuyên xử lý rác thải; thường xuyên rắc vôi bột, phun hóa chất, chế phẩm E.M… để sát trùng, khử khuẩn; đồng thời trồng cây xanh tạo thảm thực vật tạo cảnh quan, hấp thụ tiếng ồn và các chất khí độc hại. Nhờ đó, trang trại chăn nuôi của Công ty đã được Sở NN và PTNT cấp Giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh động vật. Áp dụng mô hình chăn nuôi mới nên đến hết tháng 7-2021, Công ty đã bán được 979 con lợn thịt, 453 con lợn nái, 12 con lợn đực, 570 con lợn giống đạt doanh thu hơn 7 tỷ 173 triệu đồng. Công ty tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 22 lao động tại địa phương. Dự án đi vào hoạt động mang theo kỳ vọng về sự phát triển của ngành chăn nuôi địa phương; từng bước chuyển đổi từ chăn nuôi nhỏ lẻ, nông hộ với những đối tượng truyền thống sang chăn nuôi quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao và đầu tư phát triển những đối tượng vật nuôi mới, giá trị kinh tế cao. Theo đánh giá của đồng chí Doãn Quang Hùng, Chủ tịch UBND huyện Giao Thủy: Dự án xây dựng trang trại chăn nuôi lợn tập trung quy mô lớn chính là tín hiệu tích cực, đánh thức, phát huy những tiềm năng lợi thế cho phát triển kinh tế về đất đai, con người tại địa phương. Đồng thời là bước đệm để địa phương và những vùng lân cận giải quyết việc làm cho người lao động, thực hiện nhiều khâu liên kết, dịch vụ với doanh nghiệp trong chăn nuôi lợn và dần chuyển dịch sang một nền sản xuất chăn nuôi hiện đại, hiệu quả cao, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hạn chế dịch bệnh.

Những tín hiệu tích cực trong phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh không chỉ thể hiện ở việc thu hút những dự án mới mà ngay cả ở những hình thức chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, chăn nuôi tuần hoàn, VietGAP cũng đang tiếp tục được mở rộng. Đồng chí Hoàng Thị Tố Nga, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT cho biết: Sở NN và PTNT đã tập trung xây dựng “Mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp tuần hoàn bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu trong xây dựng NTM kiểu mẫu, nâng cao”. Mô hình này được thực hiện trên cơ sở áp dụng kỹ thuật chăn nuôi lợn trên nền đệm lót sinh học nhằm xử lý hiệu quả chất thải chăn nuôi làm phân bón hữu cơ phục vụ trồng trọt và tạo ra sản phẩm thịt lợn chất lượng cao cung cấp cho người tiêu dùng. Theo đó, Sở NN và PTNT đã phối hợp với các huyện lựa chọn 3 hộ nuôi tại 3 huyện Ý Yên, Giao Thủy, Xuân Trường và Trung tâm Giống gia súc gia cầm, xã Nam Cường (Nam Trực). Toàn bộ trang trại được xây dựng theo kiểu chuồng kín, sử dụng các trang thiết bị hiện đại, có lắp đặt hệ thống thông gió làm mát, hệ thống cấp nước tự động, camera giám sát đàn lợn nuôi… đầu ra của khâu này tạo nguyên liệu đầu vào cho khâu sau, chu trình sản xuất khép kín, hạn chế xả thải ra môi trường. Qua đó, nâng cao chất lượng đàn lợn nuôi, giảm thiểu thiệt hại kinh tế gia đình. Chị Nguyễn Thị Thùy Linh, chủ trang trại nuôi lợn ở xã Xuân Thủy (Xuân Trường) cho biết: ưu điểm của mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi lợn là hạn chế được nguy cơ dịch bệnh tấn công, môi trường xung quanh chuồng nuôi không bị ô nhiễm, tiết kiệm được nguồn nước do đàn lợn không phải tắm. Hơn nữa, đàn lợn có sức đề kháng cao, ăn tốt, ngủ khỏe, tăng trọng nhanh, bình quân 0,7kg/ngày. Theo đồng chí Ninh Văn Hiểu, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y: Nhờ áp dụng các kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến, đảm bảo quy trình sản xuất nên các trang trại đạt tỷ lệ nuôi sống đến khi xuất bán ở mức 100%. Thời gian nuôi, tính từ lúc con giống đến lúc xuất bán dao động từ 110-120 ngày. Người chăn nuôi áp dụng mô hình này được hưởng lợi ích “kép”, đó là giảm thiểu thiệt hại và giảm chi phí trong việc phòng, chống bệnh dịch thông qua kiểm soát được nguồn nước, chất thải; giảm 70-80% lượng nước sạch so với cách nuôi cũ, giảm chi phí tiền điện; tạo thêm nguồn thu nhập cho người chăn nuôi thông qua việc cung cấp nguyên liệu sản xuất phân hữu cơ cho ngành trồng trọt. Mặt khác, giảm tối đa mùi hôi thối; khí độc trong chuồng nuôi hầu như không còn; tạo môi trường sống tốt, không ô nhiễm; cải thiện môi trường sống cho người nông dân.

Xác định được vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp trong việc nâng cao giá trị của ngành chăn nuôi nói riêng và nông nghiệp nói chung, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách đặc thù hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.

Đó là nhóm cơ chế, chính sách khuyến khích thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh giai đoạn 2016-2020 và nhóm cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất giống cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020. Trong đó có tác động lớn nhất đến hình thành và phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh là chính sách hỗ trợ hạ tầng trang trại tập trung quy mô lớn. 5 năm qua, tỉnh đã hỗ trợ hàng trăm tỷ đồng xây dựng hạ tầng, tạo động lực cho các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển các khu trang trại chăn nuôi quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, góp phần thúc đẩy chăn nuôi phát triển ổn định và tạo sản phẩm an toàn gắn với chuỗi giá trị, hạn chế dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Theo thống kê của Sở NN và PTNT, toàn tỉnh hiện có 411 trang trại, trong đó có 11 trang trại trồng trọt, 236 trang trại chăn nuôi, 88 trang trại tổng hợp và 76 trang trại thủy sản. Các trang trại ngày càng tăng về quy mô, sản lượng hàng hóa. Năm 2020, tổng giá trị sản xuất của trang trại đạt 1.489 tỷ đồng, tăng 4,1 lần so với năm 2008; lợi nhuận bình quân đạt gần 310 triệu đồng/trang trại, góp phần nâng cao giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp. Ngoài ra, các địa phương đã thu hút được nhiều dự án chăn nuôi gắn với phát triển công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm, như: Dự án chăn nuôi bò 3B ở Hiển Khánh (Vụ Bản) của hộ gia đình anh Nguyễn Đình Lập; dự án “Ứng dụng công nghệ cao để chăn nuôi lợn giống, sản xuất thức ăn lên men và sản xuất phân bón” của Trung tâm Giống gia súc, gia cầm tỉnh… Hiện tại, những dự án đầu tư và những trang trại chăn nuôi được đầu tư xây dựng đều hoạt động hiệu quả; không chỉ tăng tỷ trọng trong ngành chăn nuôi mà còn là bước đi vững chắc để thay đổi tư duy, tập quán sản xuất của người dân, hướng đến quy mô sản xuất tập trung, bền vững gắn với chuỗi giá trị.

Chọn đúng mô hình và phương thức sản xuất giúp ngành chăn nuôi tiếp tục phát triển, đóng góp thiết thực vào sự tăng trưởng của ngành Nông nghiệp nói riêng và kinh tế của tỉnh nói chung trong thời điểm hiện nay./.

Nguồn: báo nam định

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Quảng cáo