Nghệ An tranh thủ cơ hội để bứt phá

 Những năm gần đây, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị tỉnh Nghệ An, các doanh nghiệp FDI đã và đang được thu hút đầu tư vào thực hiện các dự án lớn. Tạo nên một “bức tranh mới” cho nền kinh tế của tỉnh nhà, đặc biệt hướng đến các dự án về công nghệ cao trong tương lai.
Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý và Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung trao đổi với ông Jiang Hong Zhai - Phó Chủ tịch cao cấp Tập đoàn Goertek
Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý và Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung trao đổi với ông Jiang Hong Zhai – Phó Chủ tịch cao cấp Tập đoàn Goertek

Đón những nhà đầu tư lớn “đổ bộ” vào Nghệ An

Bức tranh thu hút đầu tư của Nghệ An trong bối cảnh gặp muôn vàn khó khăn do dịch Covid -19, song kết quả thu hút đầu tư cho thấy đã thực sự vào guồng khi số vốn thu hút năm sau cao hơn năm trước. Đầu của năm 2022, Tập đoàn Goertek (Trung Quốc) đã quyết định tăng vốn đầu tư vào Nghệ An thêm 400 triệu USD, nâng tổng số vốn mà tập đoàn này rót vào tỉnh lên 500 triệu USD sau khi giai đoạn 1 đang thực hiện và sắp đi vào hoạt động.

Trước đó, Tập đoàn Goertek đã đầu tư 100 triệu USD xây dựng nhà máy chế tạo các sản phẩm điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện với công suất hơn 381 triệu sản phẩm/năm trên diện tích 40ha tại KCN WHA Industrial Zone 1 – Nghệ An, Khu Kinh tế (KKT) Đông Nam Nghệ An. Giai đoạn 1 đang dần hoàn thiện, dự kiến đến vào tháng 6/2022 sẽ đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho khoảng 5.000 lao động.

Nghệ An tranh thủ cơ hội để bứt phá ảnh 1
Khởi công dự án Tập đoàn Goertek tại KCN WHA vào tháng 1/2021

Hay như nhà đầu tư Luxshare ICT, quyết định đầu tư 140 triệu USD vào KCN VSIP để xây dựng nhà máy sản xuất linh kiện điện tử, hiện đã đi vào hoạt động; Tập đoàn Ju Teng (Đài Loan) đầu tư 200 triệu USD vào KCN Hoàng Mai I (thuộc KKT Đông Nam) để sản xuất linh kiện điện tử, máy vi tính và thiết bị ngoại vi của máy vi tính; các cấu kiện kim loại, các sản phẩm từ plastic… dự kiến đến tháng 10/2023 sẽ đi vào sản xuất chính thức.

Công ty TNHH Công nghệ Everwin Precision Việt Nam – một nhà đầu tư đến từ Hong Kong đã lựa chọn Khu Công nghiệp VSIP Nghệ An để đầu tư với tổng mức đầu tư 200 triệu USD, diện tích hơn 43,2ha. Nhà máy có công suất thiết kế 270 triệu sản phẩm/năm, với sản phẩm đầu ra là vỏ, linh kiện và bộ phận bằng kim loại; lắp ráp dây cáp; các bộ phận từ nhựa ứng dụng cho thiết bị thông minh và ô tô năng lượng mới đã được phê duyệt quy hoạch 1/500.

Tính đến ngày 22/2/2022, Nghệ An đã cấp mới (chấp thuận chủ trương đầu tư/cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư) cho 16 dự án với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 954,67 tỷ đồng; điều chỉnh 12 lượt dự án, trong đó điều chỉnh tổng vốn đầu tư 5 dự án tăng hơn 9.292 tỷ đồng.

Nghệ An tranh thủ cơ hội để bứt phá ảnh 2
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung nghe giới thiệu về dự án nhà máy của Tập đoàn Goertek tại KCN WHA

Tổng số vốn cấp mới và tăng thêm lên đến hơn 10.246 tỷ đồng. Cuối tháng 2 vừa qua, Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố tình hình thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam trong 2 tháng đầu năm, Nghệ An lần đầu tiên vươn lên đứng thứ 4/63 tỉnh, thành, chỉ sau Bắc Ninh, Thái Nguyên và TP. Hà Nội.

Giải quyết “điểm nghẽn” về mặt bằng sạch

Khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ VISIP Nghệ An được Tập đoàn Sembcorp Development (Singapore) và đối tác là Becamex IDC Corp (Việt Nam) đầu tư tại Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên là một trong những chiến lược thu hút đầu tư của Nghệ An. VSIP Nghệ An – dự án thứ 7 mà liên doanh này đầu tư tại Việt Nam – với số vốn lên đến gần 160 triệu USD (nay đã tăng vốn đầu tư lên 186,98 triệu USD).

Sau 7 năm thi công, đến nay đã có 30 dự án, gồm 13 dự án FDI chọn KCN VISIP Nghệ An để làm nơi đặt nhà máy với tổng mức đầu tư lên đến hơn 550 triệu USD. Trong đó, 21 dự án đã đi vào hoạt động, tạo việc làm bước đầu cho hơn 13.700 lao động địa phương, 3 nhà đầu tư khác đang xây dựng nhà máy và 8 nhà đầu tư còn lại đã hoàn thành thủ tục đầu tư và đang thực hiện thủ tục quy hoạch để triển khai xây dựng.

Dự kiến đến quý III/2022, toàn bộ diện tích 367,6 ha của KCN này sẽ được lấp đầy. Tập đoàn VSIP khẳng định cam kết mạnh mẽ tiếp tục đầu tư KCN VSIP Nghệ An II, tại huyện Diễn Châu với diện tích lên đến 600 ha. Đây sẽ là KCN kiểu mẫu hội tụ 3 yếu tố theo định hướng của Tập đoàn là: “Xanh – Thông minh – Phát triển bền vững”.

Sau bước đi tiên phong của VSIP, Tập đoàn WHA – nhà phát triển hàng đầu trong lĩnh vực logistics và các giải pháp tiện ích công nghiệp tại Thái Lan cũng đã chọn Nghệ An để đầu tư bất động sản công nghiệp. Tập đoàn WHA quyết định rót 1 tỷ USD vào Nghệ An để đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN, khu đô thị với tổng diện tích trên 3.200 ha.

Nghệ An tranh thủ cơ hội để bứt phá ảnh 3
Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh trao giấy chứng nhận đầu tư đến Tập đoàn Goertek

Giai đoạn 1 của dự án của KCN WHA Industrial Zone 1 có tổng mức đầu tư gần 93 triệu USD trên diện tích 498ha triển khai tại huyện Nghi Lộc, khởi công vào năm 2018 đã được xây dựng và trở thành nơi “lót ổ” cho nhiều nhà đầu tư thứ cấp lớn trong quá trình dịch chuyển dòng vốn đầu tư.

Công ty cổ phần Hoàng Thịnh Đạt, một ông lớn trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp ở nước ta, là chủ sở hữu các KCN ở Thái Nguyên, Quảng Ngãi… cùng với các khách hàng thuê hạ tầng tên tuổi hàng đầu thế giới như Samsung cũng đã đầu tư vào Nghệ An. Năm 2021, doanh nghiệp này đã rót 750 tỷ đồng để “hồi sinh” KCN Hoàng Mai I với diện tích gần 265 ha tại thị xã Hoàng Mai sau 13 năm lâm vào cảnh đìu hiu.

Phát huy sức mạnh, tận dụng cơ hội bứt phá

Từ năm 2020 đến nay, trong bối cảnh ảnh hưởng của đại dịch Covid -19 nên không nhiều nhà đầu tư nước ngoài trực tiếp có thể đến tìm hiểu, kéo theo cơ hội giới thiệu, tiếp thị các ngành nghề lợi thế, lĩnh vực cần thu hút đầu tư ra thị trường và các đối tác bị giảm thiểu. Từ đó, chuyển hướng từ tổ chức tiếp xúc theo chiều rộng như tổ chức hội nghị, giới thiệu gặp mặt định kỳ sang tiếp xúc theo chiều sâu, có trọng tâm chuyên đề và đối tác cụ thể.

Thay vì chờ nhà đầu tư, tỉnh chủ động kết nối, gặp gỡ, vận động các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước. Tỉnh cũng tận dụng tối đa ứng dụng công nghệ để thực hiện xúc tiến đầu tư theo hình thức trực tuyến.

Điều đáng nói, tỉnh Nghệ An chủ động tiếp cận các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư FDI; tuy nhiên, khi đứng trước lựa chọn, Nghệ An kiên định con đường phát triển theo hướng bền vững; không nóng ruột rồi thu hút đầu tư bằng mọi giá theo kiểu “vơ bèo vạt tép”, không đánh đổi môi trường, an sinh xã hội để lấy được sự tăng trưởng. Quan điểm này được thể hiện rõ trong các văn kiện của Đảng bộ và các văn bản của UBND tỉnh và trở thành “bờ rem” cứng khi chấp thuận, thẩm định, phê duyệt các dự án.

Nghệ An tranh thủ cơ hội để bứt phá ảnh 4
Khu công nghiệp VSIP tại huyện Hưng Nguyên

Những quyết tâm đó thể hiện rõ ràng, nhất quán trong các chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh Nghệ An như: Nghị quyết 07-NQ/TU tháng 12/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển nhanh và bền vững ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030.

Chiến lược tầm nhìn cho 10 năm tới, Nghệ An xác định ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp sử dụng công nghệ cao trở thành động lực đối với kinh tế – xã hội của tỉnh. Nghị quyết số 05 ngày 14/12/2021, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2021 – 2030 với chủ đề “Chuyển đổi số”…

Nguồn: baophapluat.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Quảng cáo