Năm 2018: Kỳ vọng bước ngoặt mới trong thu hút FDI
Dấu ấn 2017
Một điều gần như chắc chắn có thể khẳng định, năm 2017 là một năm thành công trong thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, nhìn cả vào vốn đăng ký và vốn giải ngân.
Con số đã liên tục được nhắc tới trong những ngày qua, thậm chí Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc – tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương, tổ chức trong hai ngày 28-29/12/2017 – đã không ngừng nhấn mạnh về kỷ lục mà Việt Nam đã đạt được trong thu hút đầu tư nước ngoài. Đó là vốn đăng ký đạt gần 36 tỷ USD và vốn giải ngân đạt 17,5 tỷ USD.
Hai tháng đầu năm 2017, vốn FDI vẫn đổ vào Việt Nam. Con số của tháng 1 là 1.588 triệu USD và tháng 2 là 1.769 triệu USD, một kết quả không tồi. Nhưng nếu so với cùng kỳ, mức tăng không lớn. Và đó là lý do Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia khi công bố báo cáo kinh tế tháng 2/2017 cho rằng, vốn FDI đăng ký đang tăng chậm lại. “Điều này cho thấy việc Mỹ rút khỏi TPP đã có ảnh hưởng nhất định đến FDI đăng ký vào Việt Nam”, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia khẳng định.Đây là một thành tựu lớn, mà thậm chí hồi đầu năm 2017, ngay cả khi lạc quan nhất, cơ quan quản lý về đầu tư nước ngoài cũng “không dám” nghĩ tới. Nhất là khi những tháng cuối năm 2016, vốn FDI vào Việt Nam chậm lại, và điều này được các chuyên gia kinh tế cho rằng, là hệ quả của nguy cơ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đổ bể.
Mọi chuyện chỉ bắt đầu thay đổi vào tháng 3/2017, khi dự án tỷ USD đầu tiên trong năm được cấp chứng nhận đầu tư. Đó là Dự án Samsung Display tăng vốn đầu tư thêm 2,5 tỷ USD. Chỉ riêng trong tháng này, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam, bao gồm cả vốn cấp mới, tăng thêm và vốn góp thông qua mua cổ phần, đã lên tới trên 4,3 tỷ USD, đưa tổng vốn đăng ký trong quý I/2017 lên 7,71 tỷ USD, tăng 91,5% so với cùng kỳ năm 2016.
Kể từ đó, vốn FDI vào Việt Nam không ngừng gia tăng. Đỉnh cao là tháng 6, với trên 7 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Tháng 11/2017, khi Tuần lễ Cấp cao APEC được tổ chức tại Đà Nẵng, lại đã có thêm trên 4,8 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký tại Việt Nam. Trong khuôn khổ Tuần lễ, có thêm một dự án tỷ USD được cấp chứng nhận đầu tư – Dự án Nhiệt điện BOT Vân Phong 1, vốn đầu tư 2,58 tỷ USD.
“Thiếu nhiệt TPP”, dù sau đó tại APEC 2017, các Bộ trưởng Thương mại đã thống nhất tiếp tục đàm phán TPP mà không có Mỹ và đổi tên thành CPTPP, nhưng bù lại, Việt Nam có hiệu ứng tốt từ APEC. Nhờ vậy, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam năm 2017 đã đạt mức kỷ lục, với 5 dự án tỷ USD và với gần 6,2 tỷ USD vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần.
Ấn tượng không kém, là vốn giải ngân. Đầu năm 2017, vốn FDI giải ngân tăng chậm lại đáng kể, chỉ tăng 3-4% so với cùng kỳ. Điều ấy không chỉ khiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư sốt ruột, mà Thủ tướng Chính phủ cũng như ngồi trên đống lửa; nhất là khi vào thời điểm đó, tăng trưởng GDP chậm lại, quý I chỉ là 5,1%, và giải ngân vốn đầu tư phát triển chậm, trong đó có vốn FDI, được cho là một trong những nguyên nhân cơ bản cản trở nền kinh tế tăng tốc.
Hàng loạt giải pháp nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư, trong đó có vốn FDI, đã được công bố và quyết liệt thực hiện, không để tình trạng “có tiền mà không tiêu được”. Giải ngân vốn FDI nhích dần. Chỉ trong một tháng 9, đã có 2,2 tỷ USD vốn FDI được giải ngân. Và kết quả cuối cùng, cả năm con số đã lên tới 17,5 tỷ USD – cao nhất kể từ trước tới nay, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2016.
Một cái kết trọn vẹn cho một năm 2017 thành công, một năm nỗ lực trong thu hút và thúc đẩy giải ngân vốn FDI của các bộ ngành, địa phương và của cả các nhà đầu tư nước ngoài.
Bước ngoặt mới 2018
Thành công của Việt Nam trong thu hút FDI năm 2017 cũng đồng thời đánh dấu thành công của Việt Nam trong 30 năm thu hút FDI vừa qua. 5 năm trước, khi tổng kết 25 năm thu hút FDI, những định hướng mới trong thu hút FDI đã được Chính phủ phát đi. Nghị quyết số 103/NQ-CP năm 2013 của Chính phủ về Định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý FDI trong thời gian tới chính là một sự cụ thể hóa những thông điệp quan trọng của Chính phủ Việt Nam trong thu hút FDI.
Bởi thế, câu hỏi đặt ra trong lúc này, là sau 30 năm thu hút FDI – một dấu mốc rất quan trọng – thì liệu Việt Nam có thay đổi định hướng chiến lược trong thu hút FDI hay không? Câu trả lời đã được các chuyên gia trong lĩnh vực này nhiều lần khẳng định, là nên. 3 thập kỷ là một thời gian đủ dài để tổng kết, đánh giá những mặt được và chưa được của FDI, để từ đó đưa ra định hướng chính sách mới.
Hơn nữa, không thể không có định hướng mới, khi mà thế giới bây giờ đã thay đổi, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 – như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói – dù chỉ mới diễn ra nhưng “đang phát triển nhanh chóng và làm thay đổi căn bản nền sản xuất của thế giới, đang từng bước vẽ lại bản đồ kinh tế thế giới theo hướng suy giảm quyền lực của các quốc gia dựa chủ yếu vào khai thác tài nguyên, lao động giá rẻ, sản xuất – kinh doanh theo phương thức truyền thống và gia tăng sức mạnh của các quốc gia dựa chủ yếu vào đổi mới, sáng tạo”. Điều đó có nghĩa, “quyền lực” của công xưởng sản xuất Việt Nam cũng sẽ bị suy giảm. Vậy thì Việt Nam liệu còn đủ sức hấp dẫn vốn FDI?
Cục Đầu tư nước ngoài vẫn lạc quan khi cho rằng, vốn FDI vào Việt Nam vẫn đang diễn biến tích cực. Kinh nghiệm từ hơn 10 năm trước cho thấy, hiệu ứng tích cực từ APEC sẽ đưa Việt Nam đứng trước một cơ hội chưa từng có là thu hút được dòng vốn đầu tư có chất lượng, trước hết từ các nền kinh tế thành viên APEC.
Bởi thế, dù kết quả trên 36 tỷ USD thu hút FDI của Việt Nam trong năm 2017 đang tạo áp lực cho kế hoạch thu hút FDI năm 2018, song một khi các thỏa thuận được ký kết trong khuôn khổ APEC, hay trong khuôn khổ các chuyến thăm Mỹ, Nhật Bản, cũng như các quốc gia khác của các vị lãnh đạo đất nước được hiện thực hóa, thì kỷ lục vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam có thể tiếp tục được thiết lập.
Chỉ đơn cử hai dự án lớn, là dự án của ExxonMobil và dự án của BRG với Sumitomo, nếu được cấp chứng nhận đăng ký đầu tư trong năm 2018, thì cũng đủ để vốn FDI vào Việt Nam tăng tốc ấn tượng.
Song khi mà việc thu hút FDI đã đến lúc không chỉ nên đo đếm thành tích bằng con số đăng ký, hay thậm chí là giải ngân, mà cần tập trung hơn vào chất lượng, thì rõ ràng, cần những định hướng mới rõ ràng và cụ thể hơn của Chính phủ Việt Nam trong thu hút FDI, nhằm làm sao tối ưu hóa lợi ích của dòng vốn này, bắt nó phải phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam.
Có thể, chỉ trong những ngày đầu năm này, Chính phủ sẽ chính thức ký ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ về các giải pháp điều hành kinh tế – xã hội năm 2018. Và trong hàng loạt giải pháp ấy, trong Dự thảo Nghị quyết mà Chính phủ đưa ra vào những ngày cuối năm 2017, có nhấn mạnh rằng: Sẽ xây dựng định hướng thu hút có chọn lọc các dự án FDI, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường; triển khai vận hành Hệ thống thông tin quốc gia về FDI; đẩy mạnh liên kết giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI.
Định hướng ban đầu đã có. Điều quan trọng là cụ thể hóa định hướng đó như thế nào và thực thi ra sao. Thực thi có hiệu quả, năm 2018 sẽ tạo bước ngoặt mới trong thu hút FDI của Việt Nam, theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và tạo tác động lan tỏa mạnh mẽ tới kinh tế – xã hội Việt Nam.