Một huyện của Quảng Trị được đề xuất đầu tư nhà máy sản xuất vật liệu cát thạch anh
Tại buổi làm việc với UBND tỉnh Quảng Trị, CTCP Vietnam Wafer đã đề xuất xây dựng dự án nhà máy sản xuất vật liệu thạch anh siêu tinh khiết với công suất 1.500 tấn/năm, được xây dựng tại Khu công nghiệp Quán Ngang, huyện Gio Linh, Quảng Trị.
Mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Lê Đức Tiến đã có buổi làm việc với CTCP Vietnam Wafer để nghe báo cáo đề xuất các dự án sản xuất công nghệ cao, công nghệ bán dẫn từ nguồn nguyên liệu cát trắng trên địa bàn tỉnh này.
Tại buổi làm việc, đại diện Công ty Vietnam Wafer đã đề xuất xây dựng dự án nhà máy sản xuất vật liệu thạch anh siêu tinh khiết Vietnam Wafer giai đoạn 1, nằm trong dự án Khu liên hợp sản xuất vật liệu bán dẫn Vietnam Wafer.
Nhà máy này được xây dựng tại khu công nghiệp Quán Ngang, huyện Gio Linh với tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 gần 100 tỷ đồng, công suất 1.500 tấn/năm, với mục tiêu chế biến ra sản phẩm thạch anh siêu tinh khiết – nguyên liệu cốt lõi trong các ngành công nghiệp bán dẫn, quang học và quang điện.

Theo kế hoạch, nhà máy sản xuất vật liệu cát thạch anh dự kiến hoàn thiện nhà xưởng, lắp đặt và vận hành thử dây chuyền sản xuất vào tháng 3/2026 và chính thức cung ứng sản phẩm ra thị trường vào tháng 4/2026.
Sau giai đoạn 1, doanh nghiệp đề xuất triển khai thêm 5 giai đoạn, hình thành một tổ hợp sản xuất đa tầng, gồm:
- Giai đoạn 2: Nhà máy sản xuất nồi nung thạch anh, công suất 13.000 nồi/năm.
- Giai đoạn 3: Nhà máy sản xuất trụ silicon tinh thể, công suất 30 tấn/tháng.
- Giai đoạn 4: Nhà máy sản xuất tấm wafer bán dẫn, công suất 50.000 tấm/tháng.
- Giai đoạn 5: Nhà máy sản xuất carbon siêu tinh khiết, công suất 1.000 tấn/năm.
- Giai đoạn 6: Trung tâm nghiên cứu và phát triển thử nghiệm chip.
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Lê Đức Tiến nhấn mạnh, dự án nhà máy sản xuất vật liệu thạch anh siêu tinh khiết Vietnam Wafer phù hợp với định hướng của Nghị quyết số 57 về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số của tỉnh.
“Hiện nay, tỉnh Quảng Trị đang có nguồn tài nguyên cát trắng rất lớn để sản xuất vật liệu bán dẫn, vì vậy, việc xây dựng dự án sẽ đem lại nhiều lợi ích cho tỉnh”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị giao Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh và các cơ quan liên quan hỗ trợ nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ dự án giai đoạn 1 về địa điểm, Diện tích xây dựng và các thủ tục khác trong thời gian sớm nhất.
Sở Xây dựng được giao hướng dẫn các thủ tục cần thiết cho nhà đầu tư để thực hiện giai đoạn 2 của dự án.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Môi trường, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có 5 điểm mỏ cát, trong đó có 2 mỏ cát trắng, 3 mỏ cát thạch anh với tổng diện tích hơn 1.075 ha và tổng tài nguyên hơn 56 triệu tấn.
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh này đã có 4 mỏ đã được cấp giấy phép và các đơn vị đã khai thác khoảng 4,6 triệu tấn.
Nguồn: cafeland.vn