Mẹo thi công các loại gạch mỏng khổ lớn
Cùng với xu hướng phát triển của ngành thiết kế trong những năm gần đây, các đột phá trong công tác trang trí và việc ứng dụng các loại vật liệu hiện đại hơn ngày càng trở nên thịnh hành. Xu hướng thiết kế nổi bật nhất không thể không kể đến là việc sử dụng các loại gạch mỏng khổ lớn với tính thẩm mỹ cao nhằm hạn chế tối thiểu những đường ron khi ứng dụng ốp lát. Vì thế gạch khổ lớn ngày càng trở nên phổ biến nhờ khả năng ứng dụng đa dạng cho bất kỳ thiết kế nào.
Đầu tiên, chúng ta cùng tìm hiểu về kích thước gạch như thế nào được xem là gạch mỏng khổ lớn
Gạch khổ lớn là gạch có ít nhất một cạnh lớn hơn 600 mm, chúng có nhiều kích thước và độ dày khác nhau, một số loại có thể có kích thước lên đến 3200mm x 1600 mm. Các loại gạch này thường được làm từ vật liệu sứ nên có tỷ lệ thấm hút thấp. Gạch mỏng có độ dày khoảng 5-7mm với kích thước lên đến 1000 mm x 3000 mm và có thể được gia cố thêm bằng lớp lưới sợi thủy tinh ở phía sau.
Gạch có kích thước lớn cho phép thi công bề mặt gần như liền mạch. Việc giữ và di chuyển gạch khổ lớn đòi hỏi nhiều người hơn cùng và kết hợp sử dụng các công cụ chuyên dụng. Phải đặc biệt cẩn thận đối với các loại gạch này để tránh trường hợp làm sứt mẻ các góc.
Một ưu điểm của loại gạch mỏng là trọng lượng loại gạch này thấp hơn so với các loại gạch truyền thống, đồng nghĩa với việc nó ít ảnh hưởng đến kết cấu, và đây là một đặc điểm khiến nó trở thành lựa chọn ưu tiên cho các bề mặt thẳng đứng, đặc biệt là cho các khu vực facade. Tuy nhiên, gạch càng mỏng thì càng cần các phải có các biện pháp đặc biệt trong quá trình di chuyển, khi chuẩn bị lớp nền và trong công tác dán gạch.
Chúng ta hãy xem xét một số điểm cần lưu ý để đảm bảo thi công đúng cách các loại gạch khổ lớn và mỏng.
- Bề mặt bằng phẳng
Bề mặt lớp nền phải được làm bằng phẳng nhất có thể. Để thi công các loại gạch có kích thước lớn, độ phẳng và độ chính xác của nền phải nằm trong khoảng 1.5mm mỗi 2m chiều dài. Bất kỳ khu vực nào không nằm trong dung sai này phải được sửa chữa trước khi bắt đầu thi công dán gạch. Ngoài ra, bề mặt nền phải được xử lý tốt, không có vết nứt, được bảo dưỡng đầy đủ, ổn định về kích thước và sạch sẽ.
- Lựa chọn đúng loại keo dán gạch
Khi kích thước gạch càng lớn, nguy cơ gạch không được phủ kín và tiếp xúc hoàn toàn với lớp keo càng cao, do đó, các loại keo có tính linh động cao sẽ là sự lựa chọn lý tưởng để thi công ốp lát. Lúc này, các khoảng trống có thể ảnh hưởng đến độ bền của liên kết sẽ không được tạo ra.
Ngoài ra, keo dán gạch cải tiến loại C2 với đặc tính biến dạng đàn hồi theo phân loại S1 hoặc S2 (phù hợp với tiêu chuẩn EN 12004 & ISO 13007-1) được khuyến nghị sử dụng để thi công dán các loại gạch này. Khả năng biến dạng của keo dán gạch được xác định thông qua các thử nghiệm uốn để đo biến dạng theo chiều ngang. Cuối cùng, việc lựa chọn sản phẩm keo dán gạch còn phụ thuộc vào loại vật liệu nền, loại và kích thước của gạch và khu vực sử dụng.
\
Đo khả năng biến dạng của keo dán gạch gốc xi măng
- Kỹ thuật trải keo 2 lần trong quá trình thi công dán gạch
Gạch phải được thi công trên nền keo chắc chắn. Nên sử dụng kỹ thuật trải keo hai lần khi thi công dán gạch. Đặc biệt đối với các loại gạch porcelain mỏng, kỹ thuật này được khuyến khích vì các khoảng trống có thể tạo thành các điểm yếu tiềm ẩn trong lớp keo dán dẫn đến gạch dễ bị vỡ.
Keo dán gạch được trải theo cùng một hướng trên mặt sau của gạch và trên bề mặt nền
Đối với kỹ thuật trải keo hai lần, dùng bay có răng cưa để trải keo lên cả bề mặt nền và mặt sau của gạch. Keo nên được trải trên bề mặt và mặt sau của gạch theo cùng một hướng và song song với cạnh ngắn của gạch để giảm khoảng cách di chuyển của không khí khi bị đẩy ra ngoài. Điều này sẽ hạn chế tối đa các khoảng trống có thể ảnh hưởng đến khả năng bám dính và độ bền của lớp keo.
Kích thước tuyệt đối của gạch có thể dẫn đến việc hình thành các túi khí giữa lớp nền và mặt sau của gạch. Để hạn chế điều này, chúng ta nên sử dụng búa cao su gõ đều trên bề mặt gạch hoặc sử dụng máy rung chuyên dụng nhằm loại bỏ những lỗ hổng khí, đặc biệt là khi thi công dán gạch ở khu vực ngoại thất, nơi nước có thể đọng lại trong các khoảng trống.
- Chà ron/ chít mạch
Đường mạch ron giữa mỗi viên gạch phải rộng ít nhất 2 mm và phải tăng lên tùy theo kích thước gạch và loại gạch, khu vực ốp lát (gạch lát nền hoặc gạch ốp tường, trong nhà hoặc ngoài trời) và ứng suất dự kiến khi đưa vào sử dụng. Nên sử dụng ke giữa các viên gạch để đảm bảo khoảng cách chính xác giữa mỗi viên gạch.
Liên hệ Mapei Vietnam để được tư vấn về sản phẩm cũng như kỹ thuật thi công.