Lộ diện doanh nghiệp muốn đầu tư dự án cảng Vạn Ninh 2.248 tỷ đồng
Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh vừa công bố Công ty Cổ phần Cảng quốc tế Vạn Ninh là nhà đầu tư duy nhất đăng ký thực hiện dự án bến cảng tổng hợp Vạn Ninh (giai đoạn 1) tại xã Vạn Ninh, TP. Móng Cái.
Lộ diện doanh nghiệp muốn đầu tư dự án cảng Vạn Ninh 2.248 tỷ đồng. Nguồn ảnh: Portcoast
Dự án bến cảng tổng hợp Vạn Ninh (giai đoạn 1) có quy mô gần 83ha, tổng vốn đầu tư hơn 2.248 tỷ đồng. Dự kiến sẽ triển khai xây dựng vào quý IV/2021; khai thác vào quý IV/2023.
Dự án này thuộc cụm cảng Vạn Ninh – Vạn Gia thuộc cảng biển Quảng Ninh với quy mô gồm: xây dựng 500m bến cầu chính có thể đậu đồng thời 2 tàu trọng tải 20.000 DWT hoặc 3 tàu trọng tải 10.000 DWT và đậu các sà lan ở mặt sau; xây dựng 180m bến sà lan ở phía trong, tiếp giáp bờ; xây dựng 3 cầu dẫn; xây dựng tuyến đường giao thông kết nối cảng dài khoảng 2,5km cùng hệ thống hạ tầng kho, bãi và các công trình phụ trợ, thiết bị.
Mục tiêu là nhằm đầu tư hạ tầng kỹ thuật bến cảng tổng hợp, hình thành đầu mối xuất nhập khẩu hàng hóa đường biển tại khu vực cửa khẩu Móng Cái. Là tiền đề để hình thành mạng lưới cơ sở hạ tầng logistics gắn liền với chuỗi dịch vụ hậu cần cảng vận tải – kho bãi – cảng biển với mô hình vận tải đa phương thức…
Như VietnamFinance đã thông tin trước đó, ngày 8/9, Cục Hàng hải Việt Nam đã có báo cáo Bộ Giao thông vận tải (GTVT) về chủ trương đầu tư bến cảng tổng hợp Vạn Ninh trên cơ sở đề nghị của UBND tỉnh Quảng Ninh.
Theo cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng hải, trên cơ sở đề nghị của UBND tỉnh Quảng Ninh, Bộ GTVT đã bổ sung quy hoạch bến cảng tổng hợp Vạn Ninh (Móng Cái) vào Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển số 1 với cỡ tàu quy hoạch 10.000 DWT. Cỡ tàu quy hoạch đến 20.000 DWT sẽ được Bộ GTVT nghiên cứu tổng hợp trong quá trình lập Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định của Luật Quy hoạch.
Hiện nay, nội dung nghiên cứu Quy hoạch tổng thể hệ thống cảng biển thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 7/2021, trong đó bến cảng Vạn Ninh, Vạn Gia được quy hoạch là bến tổng hợp, hàng lỏng/khí, hành khách, có các bến cho các phương tiện thủy nội địa, phục vụ chủ yếu nhu cầu hàng hóa thông qua thành phố Móng Cái, liên vùng và cả nước; tiếp nhận tàu trọng tải đến 20.000 DWT và lớn hơn khi đủ điều kiện.
Vì vậy, Cục Hàng hải Việt Nam cho rằng đề xuất chủ trương đầu tư xây dựng bến cảng tổng hợp Vạn Ninh của UBND tỉnh Quảng Ninh là cơ bản phù hợp với quy hoạch cảng biển giai đoạn đến năm 2020 và nội dung nghiên cứu quy hoạch cảng biển đến năm 2030 tại khu vực.
Sau khi được Cục Hàng hải Việt Nam “bật đèn xanh”, Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh đã công bố danh mục dự án đầu tư có sử dụng đất cần lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án trên.
Về nhà đầu tư duy nhất đăng ký thực hiện dự án, theo tìm hiểu, Công ty Cổ phần Cảng quốc tế Vạn Ninh thành lập ngày 13/4/2018, trụ sở chính đặt ở đại lộ Hòa Bình, khu Hồng Hà, phường Ninh Dương, TP. Móng Cái, Quảng Ninh.
Cảng quốc tế Vạn Ninh có vốn điều lệ ban đầu là 500 tỷ đồng, là công ty con do Tập đoàn Dương Đông (DDS Petro) nắm giữ 65% vốn, tương đương 325 tỷ đồng. Ngoài ra, 2 cổ đông sáng lập khác của Cảng quốc tế Vạn Ninh là Dương Văn Thành và Lê Tuấn Long, lần lượt sở hữu 15% và 20% vốn doanh nghiệp. Đây đều là doanh nhân có tiếng hoạt động trong lĩnh vực vận tải, xăng dầu.
Đáng chú ý, vào trung tuần tháng 9 vừa qua, HĐQT Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, HoSE: VCG) đã quyết định chấp thuận cho tổng công ty thực hiện đầu tư góp 40% vốn điều lệ tại Công ty Cổ phần Cảng quốc tế Vạn Ninh. Số tiền Vinaconex dự chi vào thương vụ M&A này không được ban lãnh đạo công bố.
Như vậy, theo tính toán, Vinaconex có thể bỏ ra 200 tỷ đồng để đầu tư góp 40% vốn vào doanh nghiệp này.
Nguồn: Vietnamfinance.vn