Lễ khởi công nhà máy sản xuất đồ gỗ nội thất Hà Ân Long An 2
Nhà máy HAAN 2 được đầu tư hơn 100 tỷ đồng, tổng diện tích dự án xây dựng cả hai giai đoạn là 25.000m2 bao gồm 5 phân chính sản xuất hàng tấm, hãng gỗ, hàng kim loại, sofa, sơn hoàn thiện và khu phụ trợ. Hàng tháng, HAAN 2 có thể cho ra 800 mẫu mã hàng mới và xuất sang nước ngoài 150 container đồ gỗ nội thất cao cấp. HAAN 2 cũng mời các chuyên gia Đức, Ý và Đài Loan (Trung Quốc) … để tư vấn dây chuyền công nghệ, độ tinh xảo và chính xác của sản phẩm nhằm đáp ứng các tiêu chí của Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) đối với ngành công nghiệp sản xuất và xuất khẩu đồ gỗ.
Nhà máy đồ gỗ nội thất đầu tiên HAAN 1 được hình thành năm 2016 với khoảng 80% sản phẩm dành cho thị trường nội địa và 20% dành cho xuất khẩu.
HAAN có trên 10 kinh nghiệm trong lĩnh việc thiết kết, thi công xây dựng và trang trí nội thất. HAAN là nhà thầu cho nhiều dự án khách sạn và resort cao cấp của Việt Nam và nước ngoài: các resort thuộc chuỗi VinPearl, Dalat Palace Heritage Hotel, SilkPath Sapa Hotel & Resort, MGallery Hội An Hotel, Butan Spirit Sanctuary, Nine South Estates… Ông Đoàn Mai Tuyên, Chủ tịch Hội đồng Quản trị HAAN Corporation, nói: “Trình độ tay nghề tinh xảo của thợ Việt Nam và khả năng bắt nhịp xu hướng thiết kế nội thất mới của thế giới đã tạo ra thế mạnh cho HAAN. Nếu ngang về giá, chủ thầu sẽ chọn Việt Nam mà không chọn Trung Quốc hay quốc gia khác. Có những dự án chúng tôi được chủ thầu nước ngoài chọn vì đánh giá cao năng lực và kỷ luật làm việc của người thợ Việt Nam. Mà những chủ thầu đó lại do các đối tác trong quá trình cùng thi công dự án khác giới thiệu”.
Việt Nam có khoảng 7.000 doanh nghiệp tham gia sản xuất đồ gỗ nội thất, trong đó có 3.000 chuyên sản xuất để xuất khẩu. Phần lớn là các hãng xưởng nhỏ lẻ sản xuất hàng giá rẻ, số ít khai thác phân khúc trung cấp và cao cấp. Thị trường đồ gỗ nội thất cao cấp Việt Nam hoàn toàn bỏ ngỏ cho nước ngoài. Theo đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), thị trường đồ gỗ nội thất cao cấp trong nước có giá trị khoảng 2,5 tỷ USD với 80% nhập từ châu Âu và 20% sản xuất nội địa với các nhãn hàng chính là UMA, Chilai, Nhà Xinh…
Nguồn: Báo Mới