“Làn sóng” đầu tư năng lượng tái tạo tiếp tục đổ bộ vào Việt Nam
Ưu đãi đầu tư theo lĩnh vực đầu tư đã “mở rộng” cánh cửa đầu tư vào năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, để các dự án đầu tư không chỉ là những “con số đẹp” thì vẫn còn nhiều việc cần bàn.
Theo Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 – 2020 có xét đến năm 2030, Việt Nam sẽ đẩy nhanh phát triển nguồn điện sản xuất từ năng lượng tái tạo và giảm tỷ trọng thủy điện.
Nhiều “cú hích” từ chính sách
Nhằm hiện thực hóa các mục tiêu đó, Việt Nam đã ban hành nhiều cơ chế chính sách khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, như ưu đãi về tín dụng đầu tư, thuế nhập khẩu, thuế xuất khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cho các dự án năng lượng tái tạo, hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ về năng lượng… Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế, kêu gọi đầu tư, tiếp nhận khoa học – công nghệ để phát triển ngành công nghiệp sản xuất thiết bị điện trong nước.
Theo đó, được biết các doanh nghiệp Việt Nam và nhà đầu tư nước ngoài có nhiều nội dung hợp tác. Trong đó phải kể đến hoạt động hợp tác trong các dự án xây dựng nhà máy điện theo hình thức BOT; hợp tác trong lĩnh vực dầu khí; hợp tác trong lĩnh vực năng lượng tái tạo; hợp tác về quản lý an toàn năng lượng; hợp tác phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ…
Chính những chính sách ưu đãi đầu tư này đã trở thành những “cú hích” cho thị trường đầu tư năng lượng tái tạo của Việt Nam thêm phần “sôi nổi’.
Mới đây nhất phải kể đến việc Hà Tĩnh đã ghi nhận biên bản ghi nhớ đầu tư 2 dự án điện mặt với công suất lên tới 58MWp từ nhà đầu tư Đức.
Dự án đầu tiên là dự án nhà máy điện mặt trời Cẩm Hưng tại xã Cẩm Hưng – Cẩm Quan, Huyện cẩm Xuyên và dự án điện mặt trời Sơn Quang tại xã Sơn Quang, huyện Hương Sơn. Cả 2 dự án đều có công suất thiết kế là 29 MWp và sử dụng quỹ đất tổng là 58ha. Dự kiến, 2 dự án này sẽ vận hành vào giai đoạn 2018 -2020. Được biết, 2 dự án này đã được Bộ Công Thương phê duyệt điều chỉnh bổ sung Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2016 – 2025 có xét đến năm 2035 – Quy hoạch phát triển hệ thống điện 110 kV.
Trước đó, nhiều địa phương khác cũng đã ghi nhập “làn sóng” các dự án đầu tư năng lượng sạch, tái tạo khác được chấp thuận đầu tư.
Trong đó phải kể đến tỉnh Trà Vinh vừa quyết định chấp thuận cho 3 nhà đầu tư thực hiện dự án Nhà máy điện gió Hiệp Thạnh trên địa bàn tỉnh với tổng vốn đầu tư gần 3.370 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành và đưa vào hoạt động năm 2020.
Ngoài ra, cũng phải kể đến nhà máy điện gió Bạc Liêu có công suất lớn nhất trong số 4 dự án điện gió đang hoạt động tại Việt Nam cũng được triển khai. Thêm nữa, tỉnh Sóc Trăng cũng đang triển khai dự án điện gió của Tập đoàn Phú Cường nằm ở khu vực bãi bồi ven biển của tỉnh, có tổng quy mô công suất khoảng 800MW, tổng mức đầu tư khoảng 2 tỷ USD. Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam có tiềm năng năng lượng gió lớn, ước tính đạt trên 500.000MW, hơn gấp 6 lần tổng công suất ước tính của toàn ngành điện vào năm 2020.
Đề cao tính minh bạch
Tuy nhiên, theo một số đề xuất, để các nhà đầu tư dễ dàng hơn trong việc tiếp cận, triển khai các dự án năng lượng tái tạo, cần tiếp tục chuẩn hóa hợp đồng mua bán điện cho các dự án điện này và, được các tổ chức tài chính quốc tế chấp thuận.
Bên cạnh đó, quy trình phê duyệt dự án cần được đơn giản hóa, rõ ràng, minh bạch và có thời hạn cụ thể, nhằm giảm tính bất trắc và tăng niềm tin của thị trường cũng như nhà đầu tư.
Ngoài ra, Việt Nam cần nhanh chóng cần nâng cao việc ứng dụng công nghệ vào phát triển năng lượng, nhất là những thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0. Bên cạnh đó, cũng cần đẩy nhanh phát triển năng lượng tái tạo như điện gió, mặt trời…
Ngoài ra, ông Nguyễn Quân, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ cũng từng cho biết: “Muốn phát triển năng lượng tái tạo thì rất cần sự tháo gỡ về cơ chế, chính sách, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cũng như có những ưu đãi, hỗ trợ cho nhà đầu tư”.
Nguồn: enternews.vn